Tác phẩm sơn mài "Vườn Xuân" của họa sĩ Nguyễn Gia Trí sáng tác năm 1970 tại tư gia của nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn
Nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn vừa ra mắt cuốn sách "Sưu tập Trần Hậu Tuấn", giới thiệu hành trình sống với nghệ thuật của ông với những bức tranh sưu tập từ năm 1982. Sách dày 400 trang với những câu chuyện về những tác phẩm của các danh họa như: Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Trần Lưu Hậu, Lưu Công Nhân, Trần Trung Tín, Thái Tuấn, Tạ Tỵ, Đình Cường, Nguyễn Trung…
Trần Hậu Tuấn cho biết ông bắt đầu sưu tập tranh từ năm 1982 với những tác phẩm ban đầu chỉ có giá 50-100 USD. Từ đó đến nay, bộ sưu tập ngày càng đồ sộ hơn và giá trị cũng tăng. Chỉ tính riêng tranh và bộ sưu tập hiện có của ông đã có giá 30 triệu USD (hơn 600 tỉ đồng), chưa kể bộ sưu tập những tác phẩm điêu khắc vẫn chưa thống kê giá.
Một phần không gian trưng bày tại tư gia của nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn
Bộ sưu tập của Trần Hậu Tuấn đắt giá bởi ông sở hữu hầu hết các tác phẩm mỹ thuật Việt Nam suốt 100 năm qua. Chất lượng tác phẩm và tính hệ thống của bộ sưu tập mà ông đang sở hữu gồm đủ các giai đoạn: Mỹ thuật Đông Dương 1925-1975, mỹ thuật thời chiến và bao cấp 1945-1985, mỹ thuật miền Nam trước năm 1975, mỹ thuật Đổi mới 1985-2000 và mỹ thuật Đương đại sau Đổi mới từ năm 2000.
Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân đánh giá: "Cuốn sách sống với mỹ thuật của Trần Hậu Tuấn là câu chuyện một người yêu nghệ thuật bắt đầu từ sự ngỡ ngàng của cậu học sinh trung học trước những bức tranh la liệt trong nhà một họa sĩ nghèo phố cổ cho đến việc yêu những bức tranh và tình yêu con người của các nghệ sĩ. Đó là lòng kính ngưỡng mà cảm thông với các bậc thầy (đã hóa bạn vong niên tinh thần), là tình đắm đuối gắn kết và chia sẻ (những ngọt bùi đắng cay thẩm mỹ) của cả một thế hệ, là lòng khoan dung, sự hào hứng và trân trọng với những tài năng trẻ. Rồi đến tình yêu mênh mang tự hào về cả một nền nghệ thuật trăm năm, nền văn hóa ngàn năm của dân tộc. Cuộc đi ấy đã kéo dài hơn 40 năm".
Cuốn sách "Sưu tập Trần Hậu Tuấn"
"Cuốn sách này được viết đi viết lại trong nhiều năm, với hàng trăm bức tranh và hàng chục tác giả, tôi nhận ra rằng thời gian sống cùng các bức tranh, chiêm ngưỡng chúng hằng ngày giúp tôi hiểu thêm về đời sống hội họa, về con người của các họa sĩ và có được cái nhìn của riêng mình. Tôi thấy cần ghi lại những suy nghĩ của mình về quá trình ấy, về những cảm xúc chân thực của mình trước các tác phẩm, bởi giờ đây chúng đã tồn tại và sẽ tồn tại như những giá trị vĩnh hằng. Các trang viết cứ nhiều lên, những gì thuộc cá nhân tôi, cuộc sống buồn vui của tôi… trở nên quá nhỏ bé so với những nỗi cô đơn, vất vả mà các nghệ sĩ đã trải qua trong hành trình sáng tạo, tôi bỏ đi những trang nhật ký đời thường và đổi tên "Sưu tập Trần Hậu Tuấn" - Trần Hậu Tuấn chia sẻ.
Tác phẩm "Múa cổ" của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm
Cùng với giới họa sĩ, giới sưu tầm tranh cũng mở rộng và tăng trưởng mạnh mẽ kể từ thời ông Bùi Đình Thản (nhà sưu tập Đức Minh) trong những năm 1930-1940 tại Hà Nội. Những tên tuổi tiếp theo như các nhà sưu tập: Phạm Văn Bổng, Nguyễn Bá Đạm, Nguyễn Văn Lâm... đã giúp gìn giữ, thu góp các tác phẩm quý, thường bị thất lạc hoặc phá hủy do chiến tranh và khí hậu nóng ẩm nhiệt đới. Những bộ sưu tập dần được hình thành, bất chấp những biến thiên của lịch sử và của mỗi người. Cũng như một số nước, chúng ta cũng không thể chỉ trông chờ nỗ lực của bảo tàng quốc gia để lưu lại những thành tựu nghệ thuật quý giá trong quá khứ và hiện tại cho các thế hệ tương lai, mà đây chính là công việc của toàn xã hội, của bất cứ ai có tâm huyết và khả năng sưu tầm. Xã hội cần ghi nhận công sức, vinh danh những người đã âm thầm nỗ lực hết mình cho công việc khó khăn này, dẫu rằng có không ít trở ngại, thậm chí tai tiếng, thất bại.
Bức tranh "Gia đình thỏ" của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh
Chân dung Trần Hậu Tuấn của Đặng Xuân Hòa
Tác phẩm "Xuân Mậu Tuất" của Đặng Xuân Hòa
Tác phẩm "Phố Thanh Hà" của Bùi Xuân Phái
Bình luận (0)