"Ngày xửa, ngày xưa" là chương trình dành cho thiếu nhi nhưng cũng lôi cuốn cả khán giả người lớn. Rất nhiều gia đình gần như chưa bao giờ lỡ hẹn với "Ngày xửa, ngày xưa" mỗi khi hè về. Không ít khán giả đã đi xem từ lúc còn là thiếu nhi, giờ đã là phụ huynh, tiếp tục dẫn con em mình đi xem. Nội dung xuyên sốt của "Ngày xửa, ngày xưa" trong thời gian qua là gửi đến khán giả những nội dung về lòng nhân ái, tính nhân văn trong cuộc sống.
Một cảnh trong vở “Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai”
Câu chuyện "Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai" của chương trình "Ngày xửa, ngày xưa" kỳ này là thông điệp "sự đoàn kết quan tâm lẫn nhau trong gia đình chính là biểu tượng cao đẹp của lòng yêu thương". Trong "Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai", nàng công chúa và 5 hoàng tử là các anh của nàng đã nói: "Chúng ta là một gia đình, chúng ta phải sống hết mình với nhau". Nhờ tinh thần này mà nàng công chúa đã vượt qua mọi chông gai để giải cứu các anh mình thoát khỏi kiếp thiên nga, đánh bại ác tiên, ác ma nham hiểm.
Là người góp phần gầy dựng chương trình "Ngày xửa, ngày xưa" cùng với NSƯT Thành Lộc, đạo diễn Đoàn Khoa từ năm 1997, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn bộc bạch: "Chúng tôi sẽ cố gắng duy trì chương trình này, vì "Ngày xửa, ngày xưa" đã là đặc sản không thể thiếu mỗi khi hè về của khán giả nhí tại TP HCM. Chúng tôi cũng sẽ luôn đặt chất lượng nghệ thuật lên hàng đầu, luôn thực hiện cách dàn dựng mới lạ, để hấp dẫn người xem".
"Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai" có sự tham gia của các nghệ sĩ: NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, NSƯT Mỹ Duyên, nghệ sĩ Bạch Long, Thanh Thủy, Hoàng Trinh, Hương Giang, Tuấn Khôi, Lê Khánh, Tuấn Khải, Đình Toàn, Quang Thảo, Lê Hoàng Giang... và các diễn viên trẻ của sân khấu IDECAF.
Bình luận (0)