Nghệ sĩ Bình Tinh cho biết mẹ của cô qua đời lúc 23 giờ 10 phút ngày 25-8 tại Bệnh viện An Bình, thọ 74 tuổi.
15 tuổi nổi danh, 20 tuổi viết tuồng
Sân khấu TP HCM có hai đại gia tộc gắn bó với nghề hát theo truyền thống "cha truyền con nối" đó là Minh Tơ và Huỳnh Long. Nếu gia tộc Minh Tơ có NSND Thanh Tòng được xem là "chưởng môn nhân", thì gia tộc Huỳnh Long có nghệ sĩ Bạch Mai là "nữ soái" thống lĩnh đủ 4 vai trò: trưởng đoàn, soạn giả, đạo diễn và diễn viên.
Bà tên thật Nguyễn Ngọc Mai (sinh năm 1948) là con gái của ông bà Ngọc Huỳnh, chủ gánh hát Thanh Bình - Kim Mai, nên từ nhỏ đã được cha mẹ nuôi dạy, động viên nối nghiệp gia đình. Thời đó gia đình bà sinh sống ở đình Nhơn Hòa (Cầu Muối), gánh hát nuôi lớn các anh chị em trong nhà, ươm mầm cho bà ý thức sớm tiếp nối sự nghiệp của cha.
Năm 15 tuổi, những ngày hè bà theo đoàn xuống Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) lưu diễn. Một đêm diễn vở "Mạnh Lệ Quân" cô đào chánh là nghệ sĩ Năm Thài đột ngột đòi tăng lương. Do chồng cô Năm Thài hút á phiện, nếu không thỏa mãn thì cô đòi bỏ đoàn mặc dù đã bán hết vé. Biết cô đào Năm Thài gây sức ép với đoàn, bà đã nài nỉ bác Tư quản lý thuyết phục cha mẹ cho bà được thế vai. Ban đầu bác Tư lo lắng nhưng sau khi nghe bà ca thử vai "Mạnh Lệ Quân", ông đã thuyết phục ông bầu cho con gái thế vai. Cả đoàn đêm đó hồi hộp theo từng động tác, bài ca của bà, rồi vỡ òa hạnh phúc khi cô đào Kim Mai (nghệ danh lúc mới theo nghề của nghệ sĩ Bạch Mai - PV) đã làm nên chuyện.
Bà đã từng tâm sự, trong thâm tâm luôn xem cô Năm Thài là sư phụ, vì "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư", bà không oán giận cô đã gây khó cho cha mẹ mình, trái lại xem đó là cơ hội để bà kế thừa sự nghiệp cha mẹ. Mùa hè năm đó, bà chính thức bước vào nghề sau nhiều lần chỉ được đóng vai tỳ nữ, đào ba.
NSND Kim Cương kể: "Tiếng lành đồn xa, khi đó tôi bên đoàn của má Năm Phỉ đã nghe lan truyền lời khen dành cho cô đào Kim Mai ở Huỳnh Long và Thanh Tòng "nhỏ tuổi tài cao" ở Minh Tơ. Trải qua sự nhào nặn của cuộc đời, của nghề nghiệp, cả hai xứng tầm thống lĩnh bộ môn tuồng cổ tại Sài Gòn".
Và như định mệnh sắp đặt, khi đó NSND Phùng Há được ông bầu Ngọc Huỳnh mời đến đình Nhơn Hòa truyền dạy cho đào kép trẻ qua các vở: "Máu nhuộm Phụng Hoàng Cung", "Phàn Lê Huê phá hồng thủy trận", "Phụng Nghi Đình"… cô đào Kim Mai đã học thêm về vũ đạo, biết tư duy sáng tạo những trình thức diễn xuất kết hợp với võ thuật từ bậc tiền bối được xem là ngôi sao Bắc Đẩu của nghệ thuật tuồng cổ.
Năm 20 tuổi, để đáp ứng nhu cầu tạo nguồn kịch bản cho đoàn, đồng thời cung ứng cho đồng ấu Thanh Bình - Kim Mai, bà chính thức viết kịch bản. Ban đầu là những chặp cải lương ngắn, rồi ca cảnh, sau đó dựa theo lối hát cương của các nghệ sĩ tiền bối mà viết kịch bản. Vở đầu tiên bà viết và sau này là vai diễn để đời là "Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu".
Nghệ sĩ Bạch Mai (bìa trái) và con gái - nghệ sĩ Bình Tinh
Vẫn yêu mến "nàng Mạnh Lệ Quân"
Có lợi thế là con của bầu gánh hát nên bà như cá gặp nước, liên tục sáng tác, đạo diễn và hình thành phong cách diễn xuất đa dạng. Bà có nhiều bút danh như: Bạch Mai, Kim Mai, Ngọc Mai, Thanh Trúc, Ngọc Châu, Viên Hoàng... và hàng trăm kịch bản cải lương tuồng cổ, trong đó có nhiều vở tuồng nổi tiếng như "Xử án Phi Giao", "Giang sơn mỹ nhân", "Ngọc Kỳ Lân", "Thập tứ nữ anh hào", "Ngũ biến báo phu cừu", "Mặt trời đêm thế kỷ", "Trưng nữ vương", "Mai trắng se duyên"…
Nhận xét về phong cách từ ca đến dựng, điều hành Đoàn Huỳnh Long từ khi ông bầu Ngọc Huỳnh qua đời, giao trọng trách lèo lái thương hiệu cho bà, NSND Kim Cương nói: "Bạch Mai vận dụng thủ pháp khai thác hành động nhân vật, nên vở tuồng của chị lúc nào cũng rộn ràng, sôi nổi. Nhưng khi đi vào khai thác nội tâm thì đầy cảm xúc. Bạch Mai còn có sự góp sức của ông xã là Đức Lợi, của em họ là Hữu Huệ, nên vở tuồng nào ra đời cũng nắm 80% thành công. Nhất là vở "Xử án Phi Giao", đưa Ngọc Huyền tỏa sáng thành đào chánh. Có 2/3 nghệ sĩ đoạt HCV Trần Hữu Trang đều là học trò Bạch Mai".
Về âm nhạc, vũ đạo và trang phục, nghệ sĩ Bạch Mai đã bàn bạc cùng các em của bà gồm: Thanh Bạch, Kim Phượng, Bạch Nga, Bạch Lan, nhạc sĩ Thanh Châu… góp phần định hình phong cách. "Nên chỉ cần nghe âm nhạc, nhìn phục trang và cách diễn xuất sẽ nhận biết phong cách Bạch Mai" - NSND Đinh Bằng Phi cho biết.
Đời nghệ sĩ thăng trầm dâu bể, đúng như định mệnh đưa bà đến với hào quang bằng vai Mạnh Lệ Quân, dù trong vở tuồng là cái kết viên mãn hạnh phúc nhưng ngẫm lại số mệnh của nghệ sĩ Bạch Mai, "nàng Mạnh Lệ Quân" chỉ đẹp trong ánh đèn sân khấu, còn ở đời thật, bà chịu cảnh ly hôn, con trai là nghệ sĩ Chinh Nhân qua đời năm 2016, giữa lúc bà trốn nợ không thể về nhà nhìn mặt con lần cuối. Đến hôm nay, bà ra đi trong cô độc, trong giãn cách xã hội vì dịch Covid-19.
Thế nhưng, tôi tin chắc rằng, khán giả mộ điệu vẫn yêu mến "nàng Mạnh Lệ Quân" của bà, vẫn xuýt xoa thán phục khi nghĩ về các vai diễn để đời mà bà đã khắc đậm tên tuổi trong trí nhớ công chúng.
Bình luận (0)