Đây là tổn thất lớn đối với gia tộc Huỳnh Long vì sau khi hai em của nghệ sĩ, soạn giả Bạch Mai là nghệ sĩ Kim Phượng và nhạc sĩ Thanh Châu qua đời, bà đã ra đi đột ngột trong sự thương tiếc của gia đình.
Nghệ sĩ Bạch Mai
Được đưa vào Bệnh viện An Bình (TP HCM) điều trị vì tình hình sức khỏe suy yếu, nghệ sĩ, soạn giả Bạch Mai đau đớn biết tin em gái là nghệ sĩ Kim Phượng đột ngột qua đời. Rồi tin em trai thứ 10 là nhạc sĩ Thanh Châu lìa đời sau đó không lâu đã khiến bà suy sụp...
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, nghệ sĩ Bạch Nga - em gái của nghệ sĩ Bạch Mai - cho biết sau thời gian điều trị Covid-19, chị của bà đã âm tính. Song, do nhiều bệnh nền - nhiễm trùng đường hô hấp, tổn thương thận, tăng huyết áp, đái tháo đường - nghệ sĩ Bạch Mai đã đột quỵ và trút hơi thở cuối cùng lúc 23 giờ 10 phút ngày 25-8, thọ 73 tuổi.
"Chị tôi đã hết sức nghị lực, cố gắng chống trả căn bệnh Covid-19. Thật đau đớn khi trong một thời gian chưa đầy một tháng, gia đình tôi đã phải nói lời chia biệt với 3 người thân. Thương cho nghệ sĩ Bình Tinh từ nay mồ côi mẹ" - nghệ sĩ Bạch Nga nghẹn ngào.
Nghệ sĩ Bạch Mai và các em: Bạch Nga, Kim Phượng, Bạch Lan (Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long)
Nghệ sĩ Bạch Mai sinh năm 1948. Bà là nghệ sĩ tuồng cổ nổi danh từ thập niên 1960. Bà cùng chồng là nghệ sĩ Đức Lợi là cặp đôi tài danh, được đông đảo khán giả yêu mến qua hàng trăm vai tuồng trên sân khấu Huỳnh Long.
Nghệ sĩ Bạch Mai cũng là người góp phần công sức rất lớn trong việc thành lập thương hiệu cải lương tuồng cổ Huỳnh Long. Không chỉ giỏi biểu diễn, bà còn là soạn giả của nhiều vở tuồng nổi tiếng: "Xử án Phi Giao", "Giang sơn mỹ nhân", "Ngọc Kỳ Lân", "Thập tứ nữ anh hào", "Ngũ biến báo phu cừu", "Mặt trời đêm thế kỷ", "Trưng nữ vương", "Mai trắng se duyên"…
Nghệ sĩ Bạch Mai đã truyền nghề cho thế hệ nghệ sĩ trẻ gắn bó với đoàn Huỳnh Long. Theo nhận xét của các nhà chuyên môn, có đến 2/3 nghệ sĩ đoạt giải HCV Trần Hữu Trang đều đã từng nhận những bài học kinh nghiệm trong diễn xuất trên sân khấu tuồng cổ và biểu diễn những sáng tác của bà.
Xuất thân là con nhà nòi nên nghệ sĩ Bạch Mai luôn ý thức rõ trách nhiệm truyền nghề lại cho thế hệ nghệ sĩ trẻ. Sau này, khi con gái bà là nghệ sĩ Bình Tinh gầy dựng lại đoàn Huỳnh Long, bà đã yểm trợ hết mình rong ba vai trò: soạn giả, đạo diễn và cố vấn nghệ thuật. Con trai của bà là cố nghệ sĩ Chinh Nhân cũng đã rời xa bà do bị bệnh hiểm nghèo năm 2016 (hưởng dương 44 tuổi).
Nghệ sĩ Bạch Mai và con trai - cố nghệ sĩ Chinh Nhân
Trước đó, người hâm mộ bàng hoàng khi hay tin em gái nghệ sĩ Bạch Mai là nghệ sĩ Kim Phượng qua đời trưa 25-7, sau đó nhạc sĩ Thanh Châu qua đời ngày 8-8.
Sự ra đi của nghệ sĩ, soạn giả Bạch Mai đã khiến nhiều nghệ sĩ sân khấu cải lương trong và ngoài nước tiếc thương. NSƯT Phương Hồng Thủy cho biết các nghệ sĩ Ngọc Đáng, Thanh Thanh Tâm, Cẩm Thu, Ngọc Huyền, Linh Tâm, Thoại Mỹ... đang rất đau lòng khi biết tin nghệ sĩ, soạn giả Bạch Mai ra đi vì Covid-19.
Nghệ sĩ ưu tú Lâm Bửu Sang qua đời
Bà Trần Ánh Thư, Trưởng Đoàn Ca kịch Thống Nhất (Quảng Đông – Triều Châu), cho biết nghệ sĩ ưu tú Lâm Bửu Sang vừa qua đời sau thời gian điều trị Covid, thọ 62 tuổi.
Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Lâm Bửu Sang tên thật là Huỳnh Bửu Nga, sinh năm 1959. Sau một thời gian điều trị bệnh Covid, bà đã trút hơi thở cuối cùng lúc 15 giờ 40 ngày 25-8 tại Bệnh viện Đa khoa quận 8, TP HCM.
NSƯT Lâm Bửu Sang
Nhắc đến nghệ thuật truyền thống của người Triều Châu ở Sài Gòn xưa, nhiều khán giả vẫn luôn nhớ đến một thế hệ diễn viên đã làm nên tên tuổi cho Ca Kịch Quảng Đông - Triều Châu như: soạn giả Viên Diệm Quới, thầy trống tuồng cổ Trịnh Mai Xinh, Trần Vạn Thanh, nghệ sĩ hài Dương Tỷ, cùng nhiều nghệ sĩ đóng vai đào, kép chính như: Trần Lệ Anh, Lữ Kiến Thanh, Lâm Sở Khanh, Tô Sải Mỹ, Châu Thục Khanh, Từ Lượng Đức, Huỳnh Huệ Anh, Nại Cửu, Lưu Mỹ Hoa, Thi Lệ Châu, Trinh Cẩm Linh, Lưu Đại Anh, Lưu Thục Anh…
Trong đó, gắn bó với đoàn suốt 40 năm phải kể đến NSƯT Lâm Bửu Sang. Bà là diễn viên suất sắc, đóng được vai kép và nhiều loại vai đào. Những vai kép võ được bà thể hiện xuất thần trên sân khấu đã đi sâu vào lòng khán giả và nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới chuyên môn.
NSƯT Lâm Bửu Sang còn là người cống hiến cho bộ môn nghệ thuật truyền thống Triều Châu trong vai trò truyền nghề. Từ năm 1991, bà bắt đầu dạy nghề cho diễn viên trẻ của đoàn. Bà đóng góp rất lớn vào nguồn nhân lực của sân khấu ca kịch Thống Nhất (Quảng Đông - Triều Châu) với phong cách diễn xuất đa dạng, vừa đóng các vai kép, vừa hát được các vai đào.
Sinh thời, NSƯT Lâm Bửu Sang thường tâm sự: "Để diễn được các vai tuồng của bộ môn nghệ thuật Quảng Đông - Triều Châu, đòi hỏi phải tập luyện các động tác và vũ đạo. Bởi vào vai nam, vai võ là các động tác tay, chân hơi khó vì các động tác võ là phải oai phong nếu không đúng thì sẽ không đẹp. Cũng tùy theo khả năng và sự thông minh của từng diễn viên trẻ và sự chịu khó tập luyện để làm được các vai tuồng. Riêng vai kép văn thì diễn dịu hơn, tay, chân cũng khác so với vai võ. Nếu những diễn viên trẻ không để ý sẽ diễn không đúng, không đẹp".
Khán giả yêu mến bà không chỉ ở sự tài hoa khi đóng các vai kép chính, mà ở cuộc sống đời thường. Bà hiền lành, hòa đồng. Thường đóng cặp với NSƯT Lâm Bửu Sang là nghệ sĩ Vương Quế Hoa. "Tôi được cô Lâm Bửu Sang chỉ dẫn rất nhiều, để từ ngày bén duyên với nghề theo nghiệp của ba, tôi còn được cô dìu dắt. Nhờ có cô động viên nên tôi đã diễn được nhiều loại vai" - nghệ sĩ Vương Quế Hoa cho biết.
NSƯT Lâm Bửu Sang (áo vàng, ngồi giữa) trong một chương trình nghệ thuật của Đoàn Ca kịch Thống Nhất
NSƯT Lâm Bửu Sang mất đi đã để lại nhiều tiếc thương cho gia đình, nghệ sĩ đồng nghiệp và khán giả yêu mến tài năng của bà. Khán giả sẽ mãi không quên những vai diễn nổi tiếng của bà như: Lữ Bố (Phụng Nghi Đình), Hoa Mộc Lan (vở cùng tên), Lương Sơn Bá (Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài)…và giọng ca trầm ấm, da diết cảm xúc.
Bình luận (0)