Người trong giới gọi ông là "phù thủy của nghề lồng tiếng" song với Đạt Phi, danh xưng này quá lớn. Ông chỉ dám nhận mình thích sự "biến hóa" thành một con người khác và chính vì được sống với nhiều số phận khác nhau, ông đã vươn tới mục đích đẹp nhất đó là góp phần chuẩn hóa tiếng Việt.
"Chiến sĩ" vô hình
Sự nghiệp diễn viên được đào tạo chính quy tại Trường Điện ảnh TP HCM năm 1991 của Đạt Phi - cùng khóa với Lý Hùng, Ngọc Hiệp, Lê Tuấn Anh, Diễm Hương - chỉ thoảng qua với một vài vai diễn như: Lương "kều" ("Vị đắng tình yêu"), Nhà báo ("Mộng phù du"), thầy giáo ("Chuyện tình yêu"), chú Sáu Lân Tinh ("Ngũ quái Sài Gòn")…
Nghệ sĩ Đạt Phi (Ảnh: NVCC)
Không bén duyên màn ảnh, tên tuổi của Đạt Phi lại được khán giả biết đến từ công việc lồng tiếng với sự biến hóa đầy thú vị qua giọng thoại cực kỳ thông minh, hóm hỉnh ở những series phim bộ của Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ giai đoạn cuối thập niên 90 thế kỷ trước, như: "Ngày mai trời lại sáng", "Thiên trường địa cửu", "Hồng Hy Quan", "Mộc Quế Anh", "Bao Thanh Thiên", "Hoàn Châu cách cách" phần 2, 3, "Tân dòng sông ly biệt"…
NSND Kim Cương nhận xét: "Đạt Phi biết trang điểm cho giọng thoại của mình để ngày càng lấp lánh, diệu kỳ hơn. Ưu thế đó có được từ sự nhạy bén, nắm bắt tâm lý diễn xuất của diễn viên, dù là phim trong hoặc ngoài nước thì việc bắt được thần thái của nhân vật, để thay họ truyền tải đến khán giả Việt những cung bậc yêu thương, căm hờn không phải là chuyện dễ". NSND Ngọc Giàu cho rằng: "Đạt Phi là một trong những diễn viên lồng tiếng tạo nên cả tuổi thơ cho nhiều thế hệ thiếu nhi, từ những bộ phim TVB, hay gần đây là những phim hoạt hình Hollywood. Thành công của phim thì ngôi sao đều hưởng, ít người quan tâm đến nghệ sĩ lồng tiếng nên anh là một "chiến sĩ" vô hình".
Truyền cảm hứng, trọng tiếng Việt
Đạt được thành tựu trong nghề, tạo được uy tín với các hãng phim quốc tế, nhất là những tác phẩm điện ảnh hoạt hình chiếu rạp đình đám, mà gần đây nhất là "Minions - Sự trỗi dậy của Gru", nghệ sĩ Đạt Phi còn làm tốt công tác đào tạo. Ông mở lớp dạy nghề lồng tiếng tại công ty, đồng thời tham gia cùng Hội Sân khấu TP HCM những buổi lên lớp giao lưu - truyền nghề cho dàn diễn viên trẻ đến từ Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM, Trường Văn hóa Nghệ thuật TP HCM, các lò đào tạo sân khấu xã hội hóa...
"Ngày nay, nhiều sản phẩm trên nền tảng số đòi hỏi thu tiếng trực tiếp, vì thế mà bộ môn tiếng nói sân khấu rất quan trọng. Để khắc phục nhược điểm vùng miền, giọng địa phương và thâm nhập nội tâm nhân vật, rất cần những buổi truyền nghề như thế. Muốn là một nghệ sĩ Việt thì trước hết phải chuẩn về chính tả, phát âm. Đứng trước micro lồng tiếng, những hạn chế về ngữ điệu, âm sắc và chính tả sẽ lộ diện" - nghệ sĩ Đạt Phi phân tích.
Ông dẫn chứng, cách đây 6 năm, những phim hoạt hình lồng tiếng có lượng rating và vé bán ra rất thấp. Một phần vì khán giả trẻ rất giỏi ngoại ngữ, họ muốn được nghe giọng gốc, mặt khác, vì trước đó việc lồng tiếng chưa chuyên nghiệp, làm còn hời hợt. Vì thế, việc trang bị nghề lồng tiếng không chưa đủ, mà diễn viên cần phải học cả về đạo diễn lồng tiếng. Những buổi giao lưu truyền nghề có thể giúp diễn viên trẻ hiểu và vận dụng tiếng Việt chuẩn nhất, cũng là một cách giúp lực lượng nghệ sĩ lồng tiếng ngày càng giỏi hơn.
Là một người dành gần trọn tuổi đời cho nghề lồng tiếng, ông cũng có nhiều trăn trở, nhất là thù lao của diễn viên lồng tiếng quá thấp, đời sống còn nhiều khó khăn. Hiện nay, khi nghề bị cạnh tranh, cần một hiệp hội nghề lồng tiếng đoàn kết, vì cái chung, vì giá trị của nghề và tình yêu dành cho tiếng mẹ đẻ.
Bình luận (0)