Sau 2 suất tái diễn ca cảnh "Thiêng liêng cờ Tổ quốc" tại lễ trao giải Báo chí TP HCM và lễ trao giải cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm", cuộc thi ảnh "Thiêng liêng cờ Tổ quốc" do Báo Người Lao Động tổ chức, NSƯT Kim Tiểu Long đã bày tỏ sự xúc động và niềm tự hào.
. Phóng viên: Khi được mời thể hiện nhân vật Ngô Quyền trong ca cảnh "Thiêng liêng cờ Tổ quốc", anh đã suy nghĩ điều gì?
- NSƯT KIM TIỂU LONG: Tôi đã được xem lễ trao Giải Mai Vàng lần thứ 27 của Báo Người Lao Động. Khi đó, nhân vật Ngô Quyền do NSƯT Vũ Linh thể hiện sau khi vừa trải qua cơn bạo bệnh. Thay thế anh Vũ Linh diễn vai này, tôi sẽ gìn giữ kỷ niệm khi được thể hiện vai của đàn anh, cùng với đó là cảm xúc thiêng liêng khi hát ngợi ca trang sử hào hùng của dân tộc.
Tôi đã được bạn đọc Báo Người Lao Động bầu chọn Giải Mai Vàng năm 2003 với vai Lục Vân Tiên trong vở "Kiều Nguyệt Nga" và năm 2005 với vai Nam trong vở "Rồng phượng". Vì vậy, tôi luôn háo hức khi tham gia những hoạt động sau mặt báo đầy ý nghĩa của Báo Người Lao Động.
. Nhìn lại chặng đường dấn thân với nghề, anh có hài lòng với những gì mình đạt được?
- Tôi tự nhận thấy mỗi ngày, mình luôn phải ở tâm thế học hỏi. Tôi diễn vai Ngô Quyền trong ca cảnh "Thiêng liêng cờ Tổ quốc" cùng NSND Ngọc Giàu và các nghệ sĩ Tú Trinh, Thanh Hằng, Bình Tinh. Đó là cơ hội để tôi tích lũy thêm kinh nghiệm cho hành trang nghệ thuật của mình.
NSND Ngọc Giàu đã dạy để thể hiện rõ khí chất của nhân vật anh hùng lịch sử, trong từng câu ca thấm đẫm niềm tự hào khi chiến thắng quân xâm lược thì ánh mắt và cơ mặt của một dũng tướng như Ngô Quyền phải đầy bản lĩnh. Tôi học mãi vẫn thấy mình nhỏ bé trước vô vàn kinh nghiệm quý mà thế hệ đi trước truyền đạt.
. Từ khi nhận HCV Giải Trần Hữu Trang năm 2003, anh nhận định về giải thưởng uy tín này như thế nào?
- Giải thưởng này đánh dấu những nỗ lực không ngừng nghỉ của nghệ sĩ. Giải Trần Hữu Trang trước đây chỉ có 2 hạng mục: HCV triển vọng và HCV xuất sắc. Có năm, ban tổ chức thuộc Hội Sân khấu TP HCM chỉ chọn trao giải cho 2 nghệ sĩ, điều này thể hiện sự công tâm trong việc xét chọn.
Từ 3 năm nay, Giải Trần Hữu Trang đã được nâng cấp thành giải thưởng quốc gia, tạo điều kiện cho diễn viên ở nhiều độ tuổi tham gia với các lĩnh vực sở trường: kép mùi, kép độc, kép lẳng, đào hài, đào mụ, đào võ... Tôi cho rằng cách mở rộng này rất hữu ích, để qua mỗi mùa giải có thêm nhiều nhân tố mới, giúp cải lương có thêm những diễn viên sáng giá.
Nghệ sĩ Kim Tiểu Long trong ca cảnh “Thiêng liêng cờ Tổ quốc”. (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)
. Để quảng bá sâu rộng hơn về Giải Trần Hữu Trang, anh có đề xuất gì?
- Việc Nhà hát Trần Hữu Trang hằng tháng tổ chức một chương trình như hiện nay là cách quảng bá rất hiệu quả. Tuy nhiên, nếu dàn dựng vở mới, với kịch bản được đặt hàng theo kiểu "đo ni đóng giày" thì sẽ tạo điều kiện cho các nghệ sĩ giành HCV, HCB sống trọn vẹn hơn cùng nhân vật mang hơi thở cuộc sống hôm nay.
. Anh có là nghệ sĩ kén bạn diễn? Anh có tiêu chí riêng trong cách chọn bạn diễn không?
- Tôi không phải là kép kén đào bởi tôi đã lên sân khấu với nhiều bạn diễn nữ. Khi diễn ca cảnh "Thiêng liêng cờ Tổ quốc" tại Báo Người Lao Động hôm 23-6, tôi đã diễn với nghệ sĩ Bình Tinh. Ngày 16-7 tới, tôi sẽ diễn với cô đào này trong vở kinh điển "Xử án Phi giao" tại rạp Hồng Liên - Trung tâm Văn hóa quận 6, TP HCM.
Điều đó cho thấy tôi luôn tìm kiếm cái mới để thể hiện việc ham học hỏi của mình.
. Anh có dự án mới nào cho sự nghiệp nghệ thuật của mình?
- Tôi đang thực hiện nhiều sản phẩm MV để đưa lên các nền tảng số những vai diễn ca ngợi anh hùng dân tộc. Bên cạnh đó là những ca khúc mang âm hưởng dân ca để lan tỏa tình yêu thương của mái ấm gia đình. Trong Ngày Gia đình Việt Nam (28-6), trách nhiệm của nghệ sĩ là đề cao vai trò của gia đình hạnh phúc. Những "tế bào gia đình" nếu mạnh sẽ làm nên một xã hội tiên tiến.
Tôi còn ấp ủ dự án thực hiện lại các vở diễn mà mình từng yêu thích, trong đó có tác phẩm "Rồng phượng" với vai Nam bảo vệ tình yêu trong sáng, vượt qua nghịch cảnh để giữ hạnh phúc gia đình.
. Điều gì khiến anh trăn trở về nghề nghiệp và sân khấu cải lương hiện nay?
- Tôi nhận thấy thế hệ diễn viên trẻ hiếm có cơ hội cọ xát với nghề. Nhiều người ca diễn rất tốt nhưng muốn phát huy tài nghệ thì không thể cứ chỉ diễn trích đoạn mà phải để họ được sống trọn vẹn cảm xúc trong một vở hoàn chỉnh. Nếu không có chiến lược để tạo đòn bẩy và có một "bà đỡ" chăm sóc cho từng vai diễn của nghệ sĩ trẻ thì sàn diễn khó tìm được tài năng thực thụ.
. Tên khai sinh Trương Hoàng Kép của anh rất ấn tượng. Có bao giờ anh nghĩ về định mệnh từ một cái tên khiến mình dấn thân và sống đời với nghiệp kép hát?
- Ba tôi là dân tài tử thứ thiệt ở vùng đất đã sản sinh ra nhiều danh ca, trong đó có ông Mười Út Trà Ôn. Từ miệt Vĩnh Long, tôi lớn lên với cái tên đặc biệt cùng mong muốn của ba là trở thành kép hát. Tôi nghĩ định mệnh là một chuyện. Điều quan trọng nhất với tôi là được thừa hưởng từ ba niềm đam mê nghệ thuật đờn ca tài tử, rồi từ đó theo nghề diễn viên. Nhà anh trai tôi, các cháu cũng theo nghề hát nên dễ thấy, chính thế hệ đi trước đã ươm mầm cho con cháu.
Tôi chưa bao giờ nản chí hoặc muốn từ bỏ nghề. Được hát, được diễn các vai anh hùng dân tộc là hồng phúc của gia đình.
Bình luận (0)