* Phóng viên: Anh có thể cho biết quá trình tiếp nhận kịch bản "Alo! Lộ hàng" của Lê Hoàng như thế nào?
- NSƯT THÀNH LỘC: Tác giả Lê Hoàng gửi cho tôi kịch bản này vào giữa năm ngoái. Thú thật là đọc xong, tôi chưa mặn mà lắm với kịch bản này dù nó có những yếu tố giải trí rất tốt, rất phù hợp phong cách Kịch IDECAF gồm nhiều tình tiết hấp dẫn. Chúng tôi từng có nhiều kịch mục mang thương hiệu Lê Hoàng theo phong cách này nên ngại sẽ trùng với các vở khác cũng của Lê Hoàng như: "Hợp đồng mãnh thú", "Sát thủ hai mảnh", "Lùng người trong mộng", "Mưu bà Tú"… Năm nay, tôi đã đọc lại kịch bản cùng với đạo diễn Vũ Minh và nhận ra vở kịch khá hấp dẫn, dù phần cuối còn nhiều tình tiết chưa ưng ý lắm. Trao đổi với Lê Hoàng về việc sửa đổi thì anh bảo trao quyền biên tập lại cho chúng tôi. Chỉ tiếc là khi được giao lại kịch bản để chuẩn bị dàn dựng trước Tết Nguyên đán thì đạo diễn Vũ Minh lâm bệnh, qua đời. Tôi phải tiếp quản công việc sửa chữa, dàn dựng để sân khấu có kịch mục mới phục vụ khán giả.
* So với những kịch bản khác của tác giả Lê Hoàng, anh thấy điều gì thú vị nhất nơi "Alo! Lộ hàng"?
- Nguyên tắc đầu tiên của tôi khi dàn dựng là nghĩ đến yếu tố giải trí. Vấn đề tác giả đặt ra từ cách đây vài năm nhưng đã đi trước thời đại, đó là việc lộ những clip nóng trong giới showbiz mà ngày nay vẫn thường xảy ra. Cái hay của kịch bản Lê Hoàng là văn chương đối thoại sắc bén, một trong những lợi thế của anh mà đặc thù của sân khấu rất cần có những đối thoại hay để thu hút công chúng. Điều thú vị nữa là kịch bản này lại rất ít nhân vật, chỉ có 5 vai, còn 5 vũ công xuất hiện là do tôi thêm vào kịch bản.
* Việc nhân vật của anh xuất hiện khi gần nửa vở liệu có làm khán giả mong chờ?
- Trong vở diễn này, nhân vật chính là những người trẻ và xu thế kế thừa tất yếu phải diễn ra. Hơn nữa, tôi là đạo diễn nên phải chọn cho mình vai ít xuất hiện để dễ quán xuyến mạch kịch. Vai của Thành Lộc xuất hiện càng muộn thì càng kích thích sự tò mò của khán giả. Tuy nhiên, còn nhiều yếu tố khác, bởi bản thân kịch bản của Lê Hoàng viết rất hấp dẫn, chắc chắn sẽ cuốn hút khán giả. Tôi cũng đặt niềm tin vào các diễn viên trẻ mà tôi chọn sẽ đủ sức giữ chân khán giả lại theo dõi câu chuyện. Bật mí vui là người xem sẽ nhận thấy sự "láu cá" của Thành Lộc khi tôi xuất hiện ngay từ đầu vở trong nhân vật người đi đường, vừa là dàn đồng ca vừa là dư luận quần chúng, dân cư mạng, YouTuber… Nhân vật của tôi lẩn khuất đâu đó trong đám đông, nói cách khác, nhân vật của tôi tham gia dẫn chuyện, dẫn dắt khán giả vào kịch cho đến khi nhân vật "Nữ tướng cướp" của tôi xuất hiện thì sẽ càng hấp dẫn.
NSƯT Thành Lộc trong vở kịch “Alo! Lộ hàng” (Ảnh: THANH HIỆP)
* Về nhân vật "Nữ tướng cướp", từ kịch bản cho đến khi ra sân khấu, anh muốn nói điều gì?
- Thật ra, nhân vật này theo kịch bản của Lê Hoàng là vai yếu nhất. Tôi và đạo diễn Vũ Minh đều phát hiện như vậy vì nhân vật bung ra cho có sự kiện, còn khi kết thúc thì hụt hẫng. Vì thế, khi tôi đóng, nhân vật này phải khác đi, phải có đời sống và số phận riêng, có đủ lửa chứ không phải là nhân vật thừa. Tôi bỗng nhớ đến vở kịch kinh điển "Cậu Vanya" của Anton Pavlovich Tchekhov (Nga) - một người đi xây dựng giấc mơ hão huyền, tin vào một lý tưởng không có thật. Nhân vật "Nữ tướng cướp" cũng gần giống như vậy nên trong vở diễn đó là một vai không thừa.
* Sau nhiều vai diễn từ kịch bản của Lê Hoàng, anh thích nhất nhân vật nào và nhận định mình hợp với Lê Hoàng ở góc nhìn nào?
- Tôi tham gia nhiều vở kịch của Lê Hoàng, nhiều tới mức mà văn anh ấy viết một, tôi có thể hiểu đến mười, trong đó có 3 vở nhân vật đều là nữ: "Hợp đồng mãnh thú", "Mưu bà Tú" và "Alo! Lộ hàng". Tôi đinh ninh Lê Hoàng viết 3 nhân vật này theo dạng "đo ni đóng giày" cho tôi. Tôi thích vai diễn trong vở "Hợp đồng mãnh thú" - vở diễn đương đại luôn nóng hổi tính thời sự. Vở "Mưu bà Tú" ở một tầng cao hơn, bàn về các vấn đề xã hội nhưng mượn câu chuyện từ một chuyện thơ nổi tiếng của nền văn học nước nhà. Mỗi nhân vật tôi đóng có nhiệm vụ riêng trong từng giai đoạn, nên nếu nói thích nhất thì cũng khó. Nhân vật "Nữ tướng cướp" chỉ là nhân vật mang tính tình huống, để chuyển tải tư tưởng của vở, đồng thời bổ sung cho tuyến kịch của "Alo! Lộ hàng" được dày hơn và mang tính khái quái hơn.
NSƯT Thành Lộc trong vở kịch “Alo! Lộ hàng” (Ảnh: THANH HIỆP)
* Ở góc độ đạo diễn, khi chọn dựng kịch bản này theo phong cách nhạc kịch, anh đã vận dụng thủ pháp gì để có thể tự tin kịch sẽ mang phong cách Thành Lộc?
- Thật ra khi nhận kịch bản này, tôi chưa nghĩ sẽ dựng nhạc kịch nhưng nếu dựng như một vở hài kịch bình thường thì sẽ tẻ nhạt lắm. Kịch Lê Hoàng rất khó dựng, nhiều người bạn trong nghề sau khi xem các vở trước đều mượn kịch bản để đọc lại, họ nói không thể tưởng tượng vì kịch bản văn học thế này mà ra vở thì rất khác. Bởi kịch của Lê Hoàng lời văn đối thoại xuất sắc nhưng hành động thì không có gì hết, cho nên khi từ kịch bản đầu tiên là "Hợp đồng mãnh thú" do cố đạo diễn Vũ Minh dựng, chúng tôi phải vận động thật nhiều để "đẻ" ra trò diễn, bao nhiêu "đơn nguyên" học từ trường lớp đều được đem ra sử dụng. Không có lòng tin thì không thể diễn được kịch Lê Hoàng. Bởi vậy, chúng tôi luôn bối rối, đọc thì thú vị lắm nhưng lên sàn diễn không biết sẽ làm gì. Không thể cứ đứng nói qua nói lại. Nên đạo diễn phải tạo hành động kịch rất nhiều, đưa yếu tố giải trí vào kịch mới hấp dẫn. Tôi nhớ trong giai đoạn giãn cách xã hội do dịch Covid-19, nhạc sĩ Đức Trí nhắn tin, động viên tôi nên làm nhạc kịch sau thành công của vở "Tiên Nga". Nhưng Đức Trí nói đừng làm cổ trang nữa, vì sẽ lặp lại chính mình, bây giờ nên làm vở hiện đại. Tôi trả lời không có kịch bản đúng tố chất để làm nhạc kịch, Đức Trí lại bảo tôi ráng nghĩ đi. Đức Trí cho tôi gợi ý, đó là nhạc đã viết có thể đưa vào kịch, tôi chợt nghĩ giống như vở nhạc kịch thế giới "Mama Mia", nhạc có trước, kịch có sau. Đức Trí lại nói thêm: "Anh ơi, thường nhạc kịch là những câu chuyện vui". Và tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần kịch bản "Alo! Lộ hàng" để nhận ra nó có tố chất có thể làm nhạc kịch. Thế là 6 đêm liền tôi nghe tất cả nhạc của Đức Trí đến 3 giờ sáng. Từ đó, tôi dành 1 tuần để chọn ca khúc, lời ca, đúng tình huống nào thì gắn vào lời thoại nhân vật. Tôi phải tự khen mình khi làm công tác "cắt dán" quá xuất sắc vì muốn "bể đầu" luôn khi làm vở nhạc kịch này. Tôi hẹn một ngày mời diễn viên, nhạc sĩ gặp gỡ, tôi đã thoại và hát lại những gì mình biên tập. Mọi người đều tìm được sự đồng cảm với ý đồ dàn dựng của tôi và nhạc sĩ Đức Trí đã phối mới hoàn toàn phần nhạc cho vở diễn này với giá rất "hữu nghị". Tôi phải nói lời cảm ơn Đức Trí khi anh đã đồng hành với tôi trong tác phẩm thứ 3 này, sau "Ngàn năm tình sử" và "Tiên Nga".
Bình luận (0)