Ngày 2-8, đông đảo các nghệ sĩ thuộc thế hệ tiên phong gắn bó với Đoàn cải lương Nam Bộ đã có mặt tại Nhà hát Trần Hữu Trang để xem lại thành quả đạt được sau hơn 2 năm đầu tư, dàn dựng.
Ê -kíp thực hiện bộ phim “Hành trình Đoàn cải lương Nam Bộ”
NSƯT Lê Thiện cho biết: "Chúng tôi mong muốn thực hiện bộ phim này nhằm ghi lại một quá trình đầy gian nan nhưng vô cùng hạnh phúc của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa nghệ thuật. Sau Hiệp định Geneve, khoảng cuối năm 1954, trên 100 văn nghệ sĩ ở Nam Bộ đã rời miền Nam ra miền Bắc tập kết. Các nghệ sĩ này tập hợp lại thành một đoàn mang tên Đoàn văn công Nam Bộ".
Bộ phim “Hành trình Đoàn cải lương Nam Bộ” do Kim Hà (viết kịch bản), NSƯT Nguyễn Hoàng (đạo diễn), Nhà văn Trầm Hương (viết lời bình), đạo diễn Thanh Hạp, NSƯT Lê Thiện (cố vấn tư liệu và nghệ thuật).
Một cảnh trong Vở "Tình riêng nghĩa cả" (Ảnh: Tư liệu)
Trong buổi chiếu phúc khảo nội bộ cho cả đoàn xem, hầu hết đều ứa nước mắt vì xúc động. Nghệ sĩ Kim Hà (biên tập viên HTV đã nghỉ hưu) cho biết đây là suất chiếu sớm để các thành viên xem phim và góp ý, chỉnh sửa, sau đó sẽ thực hiện hoàn thiện để ra mắt công chúng.
Từ trái sang: Đạo diễn Thanh Hạp, biên tập viên Kim Hà, NSƯT Nguyễn Hoàng và NSƯT Lê Thiện
"Nhiều đài truyền hình đã liên hệ xin được phát sóng bộ phim này, chúng tôi xem đây là đứa con tinh thần để hướng tới kỷ niệm 70 năm thành lập Đoàn cải lương Nam Bộ" - biên tập viên kỳ cựu của Ban Văn nghệ HTV cho hay.
Biên tập viên Kim Hà - người viết kịch bản phim “Hành trình Đoàn cải lương Nam Bộ” phát biểu trong buổi xem phúc khảo bộ phim.
Nhà giáo nhân dân Hà Quang Văn, biên tập viên Kim Hà và NSUT Phi Điểu vui mừng gặp nhau tại buổi xem phúc khảo phim “Hành trình Đoàn cải lương Nam Bộ”
Bộ phim đã nhắc đến những bậc thầy đã soi đường và tạo sức ảnh hưởng lớn trong quá trình hình thành và phát triển của bộ môn nghệ thuật cải lương Nam Bộ như: Hoàng Việt, Ngọc Bạch, Tám Danh, Ba Du, Thanh Nha, Hoàng Sa, Hoàng Ba, Ngọc Thạch, Phan Vũ, Can Trường, Quốc Hương, Xuân Mai, Quang Hải... "Xem lại những hình ảnh, kỷ vật của đoàn, của các nghệ sĩ, thầy cô đi trước được đưa vào phim, tôi xúc động vô cùng, cứ ngỡ như mới ngày hôm qua chúng tôi còn hát trên chiến hào, còn háo hức được gặp gỡ các đoàn chiến binh từ mặt trận về xem đoàn biểu diễn" - NSƯT Ca Lê Hồng xúc động.
Từ trái sang: nghệ sĩ Thanh Dậu, Mạnh Dung, Thanh Tùng trong vở "Dệt gấm" (Ảnh: Tư liệu)
Thế hệ sau này có các nghệ sĩ, đạo diễn tiếp nối như: Thanh Hạp, Ngô Thị Hồng, Hoàng Khanh, Ca Lê Hồng, Phi Điểu...đã tiếp nối vẻ vang con đường các thầy cô đã định hướng, để mỗi vở diễn, vai diễn đều tạo được dấu ấn đẹp trong lòng khán giả.
Đạo diễn Thanh Hạp cho biết, khoảng năm 1955, do yêu cầu phục vụ của quân đội, đoàn được tách ra thành lập Đoàn văn công Quân đội Nam Bộ và Đoàn văn công Nhân dân Nam Bộ. "Hành trình làm nghệ sĩ cách mạng của chúng tôi gian lao nhưng đầy ý nghĩa. Có những suất diễn máy bay địch đang lượn từ xa, mọi người xuống hầm trú ẩn, khi chúng rút đi chúng tôi lại diễn tiếp" - đạo diễn Thanh Hạp bộc bạch.
Ông Phan Quốc Kiệt, Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang cho biết, sau khi thành lập phòng truyền thống, hiện nay có nhiều đoàn đã đến tham quan, tìm hiểu, nhất là giới trẻ.
"Bộ phim về cánh chim đầu đàn của nghệ thuật cải lương Nam Bộ trên đất Bắc là một dấu ấn mới của lịch sử cải lương Nam Bộ. Khi bộ phim hoàn tất chúng tôi sẽ đưa vào công chiếu phục vụ nhu cầu tham khảo về lich sử cải lương của khách tham quan.
Đoàn cải lương Nam Bộ là nơi tập trung nhiều soạn giả, đạo diễn, họa sĩ, diễn viên giỏi nghề và nhiệt tâm. Những tên tuổi như Tám Danh, Ba Du, Thanh Hương, Bá Huỳnh... là kim chỉ nam cho thế hệ trẻ hôm nay noi bước, làm tốt công tác đào tạo, biểu diễn và định hướng thẩm mỹ công chúng thông qua những tác phẩm mới" - ông Phan Quốc Kiệt chia sẻ.
Bình luận (0)