Trưa 2-9, nghệ sĩ Bình Tinh đã tổ chức trang trọng ngày giỗ của mẹ - cố nghệ sĩ, soạn giả Bạch Mai. Đông đảo nghệ sĩ sân khấu tuồng cổ đã đến thắp hương tưởng nhớ về bà, một nghệ sĩ, soạn giả tài hoa đã để lại cho đời nhiều tác phẩm sân khấu nổi tiếng. Nhân dịp này, nghệ sĩ Bình Tinh đã trao tặng 100 phần quà cho các nghệ sĩ nghèo, công nhân sân khấu có hoàn cảnh khó khăn.
Nghệ sĩ Bình Tinh, NSƯT Thoại Mỹ và nghệ sĩ Bo Bo Hoàng trong ngày giỗ cố soạn giả Bạch Mai (từ trái sang)
Soạn giả Hoàng Song Việt nhắc lại, bà 15 tuổi đã nổi danh với vai trò diễn viên, 20 tuổi viết tuồng. Những đóng góp của bà cho sân khấu tuồng cổ rất lớn, cho đến thời điểm này chưa có một soạn giả nào có bút lực như bà, sáng tác đều đặn và có nhiều ý tưởng mới mẻ.
"Sân khấu TP HCM có hai gia tộc gắn bó với nghề hát theo truyền thống "nghề nối nghề" đó là Minh Tơ và Huỳnh Long, trong đó người có công gầy dựng nền tảng sáng tác, dàn dựng cho gia tộc Minh Tơ là cố NSND Thanh Tòng, và gia tộc Huỳnh Long là và cố nghệ sĩ Bạch Mai. Bà đảm nhiệm đủ 4 vai trò: trưởng đoàn, soạn giả, đạo diễn và diễn viên" - soạn giả Hoàng Song Việt nói.
Nghệ sĩ, soạn giả Bạch Mai tên thật Nguyễn Ngọc Mai (sinh năm 1948), bà là con gái của ông bà Ngọc Huỳnh, chủ gánh hát Thanh Bình - Kim Mai, nên từ nhỏ đã được cha mẹ nuôi dạy, động viên nối nghiệp gia đình.
Thời đó gia đình bà sinh sống ở đình Nhơn Hòa (Cầu Muối), gánh hát nuôi lớn các anh chị em trong nhà, ươm mầm cho bà ý thức sớm tiếp nối sự nghiệp của cha.
Nghệ sĩ Hữu Huệ kể, năm 15 tuổi, những ngày hè được nghỉ học, bà theo đoàn xuống Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) lưu diễn. Một đêm diễn vở "Mạnh Lệ Quân" cô đào chánh là nghệ sĩ Năm Thài đột ngột đòi tăng lương. Do chồng cô Năm Thài hút á phiện, nếu không thỏa mãn thì cô đòi bỏ đoàn mặc dù đã bán hết vé.
Biết cô đào Năm Thài gây sức ép với đoàn, bà đã nài nỉ bác Tư quản lý thuyết phục cha mẹ cho bà được thế vai.
"Ban đầu bác Tư của tôi lo lắng, chưa đồng ý, nhưng sau khi nghe chị Năm của tôi (tức nghệ sĩ Bạch Mai - PV) ca thử vài câu trong vai "Mạnh Lệ Quân", ông đã thuyết phục ông bầu cho con gái thế vai. Cả đoàn hát đêm đó rất lo lắng, nhưng sau đó vỡ òa hạnh phúc vì chị Năm tôi đã thành công" - nghệ sĩ Hữu Huệ nhắc lại.
Nghệ sĩ Bạch Mai (lúc còn sinh thời) và con gái - nghệ sĩ Bình Tinh
Các nghệ sĩ sân khấu tuồng cổ đều biết đến một nghệ sĩ Kim Mai, sau đó đổi nghệ danh Bạch Mai làm rạng rỡ thương hiệu Huỳnh Long. Dù "nhỏ tuổi tài cao" đã không làm cho bà ỷ lại mình con bầu, mà lúc nào cũng trau dồi, học hỏi.
Nghệ sĩ, soạn giả Bạch Mai lúc còn sinh thời
Với sứ mệnh trao truyền cho thế hệ trẻ, bà đã để lại nhiều kịch bản sử Việt cho hậu bối. Hiện nghệ sĩ Bình Tinh đã tiếp nối con đường của bà, vừa là đạo diễn, vừa là diễn viên, kiêm luôn trưởng Đoàn, năm nay cô đã đưa các nghệ sĩ sang Pháp lưu diễn, sắp tới sẽ lưu diễn tại Mỹ.
Nghệ sĩ Bích Hạnh, soạn giả Hoàng Song Việt và nghệ sĩ Phương Cẩm Ngọc trong ngày giỗ cố soạn giả Bạch Mai (từ trái sang)
"Đó là những việc làm đáng quý của một nghệ sĩ trẻ tiếp nối mẹ của mình, làm rạng danh gia tộc. Tôi tin rằng Bình Tinh sẽ làm tốt công việc mà mẹ đã dặn dò trước lúc ra đi. Di sản của bà vẫn sống mãi theo thời gian" - nghệ sĩ Tú Trinh đã nói.
NSƯT Hữu Quốc và nghệ sĩ Bình Tinh trong ngày giỗ nghệ sĩ Bạch Mai
Với lợi thế là con của bầu gánh hát nên soạn giả Bạch Mai sáng tác, đạo diễn và hình thành phong cách diễn xuất theo cách riêng của bà. Trong sáng tác bà đã dùng nhiều bút danh như: Bạch Mai, Kim Mai, Ngọc Mai, Thanh Trúc, Ngọc Châu, Viên Hoàng...
Hơn 45 năm cầm bút, bà đã viết hàng trăm kịch bản cải lương tuồng cổ, trong đó có nhiều vở tuồng nổi tiếng như "Xử án Phi Giao", "Giang sơn mỹ nhân", "Ngọc Kỳ Lân", "Thập tứ nữ anh hào", "Ngũ biến báo phu cừu", "Mặt trời đêm thế kỷ", "Trưng nữ vương", "Mai trắng se duyên"…
Có 2/3 nghệ sĩ đoạt HCV Trần Hữu Trang đều là học trò của cố nghệ sĩ, soạn giả Bạch Mai.
Nghệ sĩ Phương Bình, Bình Tinh, NSUT Lê Nguyên Đạt và nghệ sĩ Thái Vinh trong ngày giỗ cố soạn giả Bạch Mai
Bình luận (0)