Các nghệ sĩ Đoàn Huỳnh Long tri ân cố nghệ sĩ, soạn giả Bạch Mai
Tối 3-9, Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long đã tổ chức chương trình "Tri ân Tổ nghiệp – Tưởng nhớ cố nghệ sĩ, soạn giả Bạch Mai" (Tổng đạo diễn: NSƯT Hữu Quốc) chạm đến cảm xúc của số đông khán giả tại rạp Hồng Liên (Trung tâm Văn hóa quận 6, TP HCM).
Nghệ sĩ Bình Tinh trong ca cảnh "Tri ân Tổ nghiệp"
Những vai diễn và vở tuồng nổi bật của cố soạn giả Bạch Mai như: "Xử án Phi Giao", "Giang sơn mỹ nhân", "Lưu Kim Đính", "Về đất Kinh Châu", "Tiết Ứng Luông"… được tái hiện qua sự trình diễn đầy nội lực của các thế hệ học trò.
Đông người xem mê cải lương tuồng cổ có cái lý của họ, bởi phải hội đủ nhiều yếu tố mới kham nổi vai tuồng như: thuộc lời hát, lời thoại; múa vũ đạo; múa võ; tuân thủ các niêm luật về trình diễn; vận dụng hóa trang – phục trang, mà tâm sự như lời của danh hài Hoài Linh trong đêm diễn (anh hóa thân tương đối khá với vai Ngũ Tử Tư – PV), "mặc bộ đồ Ngũ Tử Tư là đã thấy nặng ký rồi…
Cảm ơn dàn nhạc đã theo em, khi gia nhập đoàn Huỳnh Long em biết mọi người sẽ cực với em nhiều lắm" – NSƯT Hoài Linh tâm sự chân thành trong phần giao lưu. Và đó chỉ là lời bộc bạch chân thành từ một danh hài có "máu liều" khi dám cả gan leo lên sàn diễn tuồng cổ hóa thân vào nhân vật lão tướng.
NS Ngân Tuấn và NSƯT Hoài Linh trong trích đoạn "Giang sơn mỹ nhân"
Khán giả của Huỳnh Long một thời yêu mến thương hiệu chính là vì đôi nghệ sĩ tài danh Đức Lợi – Bạch Mai. Ông dàn dựng, bà viết tuồng. Ông diễn đủ thể loại: kép võ, kép lão, kép lẵng, kép độc…thì bà cũng không kém tài với: đào võ, đào lẵng, đào mụ… Với đôi mắt tinh thông, ông và bà đã nhận dạng các ngôi sao tương lai của sân khấu tuồng cổ, để lăng xê họ qua từng vai diễn mà ông bà "đo ni đóng giày".
Nghệ sĩ Việt Hương lên sân khấu tâm sự về cảm xúc của bản thân trong những ngày đại dịch đã kịp thời giúp đỡ nhiều gia đình nạn nhân do Covid-19, trong đó có gia đình NS Bình Tinh.
Giới chuyên môn đánh giá cao vì 2/3 nghệ sĩ đoạt HCV đều đã từng được ông bà hoặc gia tộc Minh Tơ uốn nắn, để có thể tỏa sáng trên sân khấu tuồng cổ.
Đêm diễn đã gợi trong tâm trí khán giả về thời hưng thịnh của sân khấu Huỳnh Long, khi mà vé kín rạp, người xem phải ngồi ghế xúp, hoặc mua vé chợ đen đắt gấp 10 lần giá vé. Khán giả ngợi khen tinh thần tôn sư trọng đạo của: NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Ngọc Huyền, NSƯT Thoại Mỹ, Nghệ sĩ Ngân Tuấn… khi họ cùng thế hệ diễn viên trẻ mới gia nhập đoàn dưới sự lèo lái thay mẹ của nghệ sĩ Bình Tinh, cùng tề tựu trên sân khấu rạp Hồng Liên (Trung tâm Văn hóa quận 6) tri ân Thầy.
NS Cao Mỹ Châu - một trong những cô đào trẻ được hóa thân vai Lưu Kim Đính trong đêm tri ân cố nghệ sĩ, soạn giả Bạch Mai
Độc đáo nhất có thể kể đến sự hóa thân như tiếp nối thế hệ đi trước của 6 cô đào trong vai Lưu Kim Đính: NSƯT Ngọc Huyền, NSƯT Thoại Mỹ, NS Bình Tinh, NS Bảo Ngọc, NS Cao Mỹ Châu và NS Nguyễn Cát Phượng. Họ đã thể hiện đầy khí thế cộng với những màn vũ đạo đẹp mắt do NS Hữu Huệ thiết kế, mang lại tiếng reo hò và đầy cảm xúc từ phía khán phòng.
Trước đó, để dẫn vào trích đoạn để đời này, NSƯT Hữu Quốc đã đem câu chuyện thực tế từ nỗi lòng của NS Bình Tinh, dàn dựng thành trích đoạn cho cô thể hiện nỗi khao khát được tiếp bước mẹ, gánh vác trọng trách của gia tộc dù đối diện với tai nạn do chấn thương chân, rồi liên tục đau thương do người thân ra đi trong đại dịch. Một trích đoạn đầy tâm huyết, nhắc nhở đến: Chuyên viên thiết kế phục trang – nghệ sĩ Kim Phượng, nhạc sĩ Thanh Châu, nghệ sĩ Thanh Linh, nhạc sĩ Thanh Dũng (con trai cố NSƯT Bửu Truyện – người gắn bó với đoàn Huỳnh Long), nghệ sĩ Thái Sơn.
NSƯT Hữu Quốc và NS Bình Tinh trong lớp diễn kể về chính tâm sự thật của NS Bình Tinh sau khi người mẹ thân yêu qua đời trong dịch bệnh Covid -19
Khán giả đã cổ vũ nồng nhiệt cho đêm tri ân được dàn dựng quá tuyệt vời, ở đó còn có sự trông đợi một suất tái diễn vào thàng 11 và sự kỳ vọng của công chúng về thương hiệu Huỳnh Long với nhiều tác phẩm mới.
NSƯT Thoại Mỹ, NS Bình Tinh và NSƯT Ngọc Huyền diễn xuất thần trích đoạn "Lưu Kim Đính"
Bình luận (0)