Sản xuất chương trình không còn là lãnh địa riêng của các công ty giải trí lớn khi ngày càng có nhiều sao Việt cũng tự thực hiện chương trình riêng.
Hài hước, tự nhiên
Không hẹn mà gặp, 2 MC Trường Giang và Trấn Thành cùng thực hiện chương trình có chủ đề nấu nướng. Trong lúc Trấn Thành ra mắt chương trình "Lục cơm nguội" thì Trường Giang có chương trình "Muốn ăn phải lăn vào bếp". Cả 2 chương trình trên đều có chung hình thức nhân vật chính (Trấn Thành/Trường Giang) mời một gương mặt nổi tiếng cùng vào bếp nấu ăn. Sự tương tác hài hước giữa gia chủ và khách mời là điểm nhấn thu hút khán giả.
Trong khi đó, sức hút của Ninh Dương Lan Ngọc trong "Lại nhà Nọc chơi" đến từ không gian thân thiện và sự hài hước, dễ thương của chủ nhân và nhân vật tương tác. Ngoài ra, khán giả còn có thể xem các chương trình như "Cốc cốc Sam ơi" do diễn viên - MC Sam làm "chủ xị", "Ok lên xe" với sự dẫn dắt của Trương Thế Vinh, "Ngoại đến thăm nhà" của Đàm Vĩnh Hưng và Vũ Hà...
Từ trái qua phải: Diễn viên Kaity Nguyễn, ca sĩ Trúc Nhân và ca sĩ Bảo Anh tham gia talk show “It‘s not mascara”
Hài hước, tự nhiên chính là điểm mấu chốt của hầu hết chương trình do nghệ sĩ Việt tự làm. Các chương trình này đã gặt hái nhiều thành công sau khi được phát trên YouTube, từ đó đặt nền tảng cho sự ra đời ngày càng nhiều show tương tự với nội dung đa dạng.
Không chỉ làm khách mời của nhiều chương trình và game show, Lý Nhã Kỳ còn xây dựng chương trình của riêng mình: talk show "Trà chiều cùng "mợ chảnh" Lý Nhã Kỳ". Chương trình là nơi cô và bạn bè hàn huyên, kết nối. "Mỗi khách mời đều có những câu chuyện mà tôi có thể học được. Tôi tin khán giả sẽ khám phá được những điều thú vị trong cuộc đối thoại" - Lý Nhã Kỳ cho biết.
Diễn viên Ngọc Thanh Tâm cũng gây chú ý với show thực tế về cuộc sống của chính mình, gọi là "Not just a rich kid". Chương trình hứa hẹn mang đến cho khán giả góc nhìn toàn diện hơn về cuộc sống "rich kid" (con nhà giàu) của Ngọc Thanh Tâm. Tại Việt Nam, việc nghệ sĩ tự thực hiện show thực tế để khai thác sâu, tỉ mỉ về cuộc sống riêng vẫn còn là điều xa lạ. Tuy nhiên, Ngọc Thanh Tâm trước giờ lại rất thoải mái chia sẻ các hoạt động thường ngày trên trang YouTube cá nhân, như mua sắm, tham quan nhà cửa, đánh giá về quần áo, túi xách, mỹ phẩm...
Ưu tiên nội dung số
Ca sĩ Jun Phạm hiện đang phát sóng cùng lúc "Nhà có một người" và "Không trà thì bánh". Với chương trình "Nhà có một người", anh thuật lại những thói quen sống, truyền năng lượng, kinh nghiệm tích cực cho người xem; còn "Không trà thì bánh" là cuộc trò chuyện giữa những người bạn, từ đó cung cấp nhiều kiến thức, kỹ năng sống thú vị.
Chương trình “Nhà có một người” của ca sĩ Jun Phạm. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Riêng chương trình "Nghe cùng Trinh" của MC Liêu Hà Trinh mang đến cho thính giả nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Đó có thể là sự đồng cảm, thấu hiểu hoặc thương cảm cho số phận của những nhân vật đời thường. Nữ MC này còn có chương trình "Tự tình lúc 0h", trò chuyện cùng khách mời về những chủ đề khác nhau trong cuộc sống.
"Chuyện ngại nói" của người mẫu Xuân Lan và "Chuyện đời là" của diễn viên Nam Thư được tổ chức theo hình thức talk show, nói về các vấn đề đang được quan tâm. Talk show "It‘s not mascara" của Bảo Anh cũng được nhiều khán giả yêu thích và chú ý khi đây là chương trình bảo vệ phụ nữ bị bạo hành và nâng cao ý thức chống bạo lực giới.
Dù diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, phần lớn chương trình có điểm chung là thu hút người xem bởi tiếng cười. Sự tương tác của những người nổi tiếng qua phần trò chuyện tự nhiên khiến người xem có cảm giác chính bản thân mình đang ở trong không gian của nghệ sĩ. So với chương trình truyền hình được dàn dựng công phu cùng ê-kíp đông đảo, chương trình do sao Việt thực hiện lại có phần hơn về mặt duyên dáng, tự nhiên. Cảm giác của người xem là sao Việt "có gì làm đó", không có rào cản của kịch bản nhưng đôi khi khiên cưỡng.
Duy trì kết nối với khán giả là một trong những yêu cầu bức thiết của ca sĩ, diễn viên. Việc đầu tư cho nội dung số là một trong những ưu tiên hàng đầu bởi không gian mạng giúp họ thu hút thêm khán giả trong lúc không bị hạn chế về mặt phát hành và tạo nguồn thu từ quảng cáo trên YouTube. Chi phí sản xuất và chuyện huy động nhân lực nằm trong khả năng của ca sĩ, diễn viên. Những sản phẩm này do họ làm chủ hoàn toàn, mang đậm màu sắc, thương hiệu cá nhân.
"Chúng tôi chủ động về vốn đầu tư, nhân lực cho các sản phẩm này, được tự do quyết định nội dung, cách thể hiện theo mong muốn" - người mẫu Xuân Lan cho biết. Đây cũng là điểm chung của tất cả show chiếu mạng do nghệ sĩ tự sản xuất. Sự tương tác gần gũi hơn với khán giả thông qua show chiếu mạng đang được giới nghệ sĩ tận dụng khai thác. Họ mới là người hiểu bản thân mình nhất và điều đó giúp mang đến cho khán giả những cái nhìn khác về chính họ.
"Tôi mong mọi người có thể nhìn thấy những góc cạnh khác của mình, là bức chân dung trọn vẹn hơn. Trước đây, mọi người có thể biết tôi là ca sĩ, diễn viên, tác giả sách... Nhưng nay, họ còn thấy tôi có khả năng dẫn chương trình hay những quan điểm sống của tôi. Đó cũng là điều thú vị trong thế giới do mình xây dựng nên" - ca sĩ Jun Phạm nhận định.
Bình luận (0)