Tôi biết gã đã lâu. Cái tên là liên tưởng đầu tiên. Lâm nghĩa là rừng nhưng có phải vì thế mà vận vào số phận của đào hoa đa tình:
"Anh yêu em anh yêu em như rừng yêu thú dữ
Anh yêu em anh yêu em như tình cây với gió" (nhạc: Phạm Duy, thơ: Nguyễn Long).
Như vậy đó, tình yêu lứa đôi đến với gã luôn mãnh liệt mà không bạo liệt.
Gã tự vẽ trào lộng chân dung ở đầu cuốn truyện:
"Mặt mũi rằn ri mái tóc dài
Lằng nhằng ăn nói chẳng giống ai
Rảnh rang tìm bạn lai rai rượu".
Và liên tưởng thứ hai: Tóc dài bờm xờm, râu ria rậm rạp làm tôi nhớ đến Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn - một nhân vật trong tiểu thuyết võ lâm "Đồ Long đao Ỷ Thiên kiếm" (của Kim Dung), người giữ bí mật của thanh Đồ Long đao, võ công cao cường với tuyệt kỹ Sư tử hống nhưng đôi mắt lại bị mù. Gã thì không mù, sáng mắt để nhìn rõ cuộc đời, trọng nghĩa khinh tài, ai bạn thân mật ai cần dập mật, gã rạch ròi, có thể chủ quan nhận định nhưng đó là cá tính cần thiết. "Lăng nhăng ăn nói chẳng giống ai" là thái độ thẳng thừng không sợ mích lòng, thái độ của lá gan. Gã mang balô trên một cánh tay, dáng vẻ lãng tử lãng mạn, ngoại hình xấu xí góc cạnh, giống như tài tử gạo cội Jean Paul Belmondo của Pháp và Charles Bronson của Mỹ - cả hai đều nổi tiếng ở thập niên 1960; xấu xí mà vẫn rực rỡ đấy.
Và liên tưởng thứ ba là nhân vật cá tính Từ Hải trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du: "Dọc ngang nào biết trên đầu có ai".
Bìa cuốn Đất “K” của Bùi Quang Lâm
Bùi Quang Lâm sinh ra và lớn lên ở quận 4, TP HCM - nơi được bao vây bởi 4 bờ sông nước. Gã đi và ngồi xuống, cầm chắc ly nhấp vị ngọt và vị đắng của rượu tới giọt cuối cùng, chơi là chơi tới bến, từ cánh rừng xương máu đến ồn ào phố xá đến lặng thầm lề đường: "Rảnh rang tìm bạn lai rượu".
Tham dự cánh đồng chết chuyển dịch cuộc chiến, giã từ xuân - hạ - thu - đông đến một mùa khác, tất cả khốc liệt cho vào balô cân não chỉ mang theo tình yêu lứa đôi nồng nàn mạnh mẽ, tình thân bằng hữu nồng nhiệt. Bây giờ vẫy chào tay súng từ Đất "K", gã trở về Đất Mẹ; tay trắng nhưng không vô ích, cầm cọ để vẽ (bìa 1 và 4 của truyện do tác giả thực hiện), cầm bút để làm báo và xa hơn nữa, đi vào vườn chữ. Gã đam mê và tìm đến chỗ chưa biết, là bão bùng hay gió nhẹ, là khắc nghiệt hay dễ dàng.
Người ta có thể thù tạc đấu láo trên bàn nhậu, thù tạc tiếu lâm trong quán cà phê nhưng không thù tạc trên vuông chiếu văn chương. Suy nghiệm làm sao kết dính những viên gạch, xây dựng thành bức tường, bốn bức tường để hoàn thiện ngôi nhà và hy vọng có nóc? Nghĩ sao viết vậy, không trau chuốt, viết như kể, chân thật một cách hồn nhiên, Bùi Quang Lâm không toan tính và không muốn thành một nhà văn. Có lần gã dự định in một tập hợp gồm truyện, ký và thơ, hỏi người viết nên gọi tên thể loại gì, tôi cho gã 2 lựa chọn: tạp văn hoặc tạp bút; gã chọn ngay tạp bút, đấy; gã không muốn trở thành một nhà văn.
Và mọi thứ đã và đang chờ đợi gã tiếp tục ở phía trước...
Bình luận (0)