Phóng viên: Ấn tượng về Nguyễn Hải Phong có lẽ vẫn cứ là "Đường cong" hay "Bay" qua giọng hát của Thu Minh, dù sau đó có thấy một Nguyễn Hải Phong nhiều tâm tư hơn với "Lột xác", "Em kể anh nghe", "Ba kể con nghe"… Nhưng "Lớn rồi còn khóc nhè" là cảm xúc, tư duy âm nhạc rất khác của anh?
- Nhạc sĩ NGUYỄN HẢI PHONG: Đã từ lâu tôi muốn viết một ca khúc tặng mẹ nhưng mãi không làm được. Đã có nhiều tác phẩm tuyệt vời viết về mẹ khiến tôi thiếu can đảm, nghĩ rằng mình viết về mẹ làm sao hay được bằng người ta đây. Thời gian dài ban đầu, tôi cứ lo nghĩ như thế. Nhưng vài năm sau, tôi đã có cái nhìn rộng và thoáng hơn. Tôi đã định viết nó từ nhiều năm trước nhưng khi đặt bút viết lại không thể tập trung. Rồi bỗng một ngày cái duyên đó đến, đó là Trúc Nhân. Tôi và cả ê-kíp nhận sản xuất cho cậu ấy một album. Đây là lúc tôi nhận ra rằng đã đủ duyên và viết nó ra như có sẵn vậy. Chỉ trong một hai ngày là đã hoàn thành ca khúc. Lần đầu khi đưa tác phẩm cho Trúc Nhân nghe, tôi bảo cậu ấy hãy nghe một mình và thả lỏng cảm nhận. Cậu ấy ngồi nghe một mình trong phòng thu và đã khóc. Tôi nghĩ Trúc Nhân và bài hát đã có duyên với nhau.
Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong. (Ảnh do nhạc sĩ cung cấp)
"Sao có thể hết sáng tạo được?"
Một dạo Nguyễn Hải Phong là cái tên chiếm lĩnh thị trường nhạc Việt nhưng rồi khán giả thấy anh nhạt dần khi sa đà vào vị trí giám khảo chương trình truyền hình, game show. Nhiều người thấy tiếc vì điều ấy, còn anh?
- Tôi cũng thấy tiếc nữa là. Thật ra mọi việc có quy luật, trật tự của nó. Tôi rút lui công việc sáng tác bớt cũng vì cảm thấy nên thế là tốt hơn. Khoảng thời gian đó, tôi đào tạo, nuôi dưỡng thêm những người tài, xây dựng công ty và một đội ngũ producer (nhà sản xuất) trẻ, sáng tác trẻ. Tôi dành hầu hết thời gian và tâm huyết cho việc tìm kiếm nhân tài, chia sẻ kinh nghiệm, tạo cơ hội để lớp trẻ được phát triển và cũng là mở thêm cho tôi cơ hội. Tôi không nghĩ mình có thể sống mãi bằng quá khứ. Lớp trẻ giúp đỡ tôi rất nhiều và tôi cần những cộng sự. Nhiều năm tôi làm nhà sản xuất, đạo diễn các chương trình, giám khảo nhiều cuộc thi, chính là để chạm thật gần đến với lớp trẻ và học từ họ. Sau nhiều năm, tôi thực sự tự tin, nhiều học trò tôi thành danh, hoạt động nghệ thuật nghiêm túc, làm việc có tâm. Bên cạnh tôi đang có nhiều cộng sự giỏi giúp đỡ, nên lần trở lại với vai trò sáng tác ca khúc, tôi cảm thấy thật thoải mái.
Đã hơn mười năm nay tôi không còn làm việc một mình, đã và đang nỗ lực cho cách làm việc đội nhóm, điều mà 10 năm trước còn xa lạ thì nay mọi người đang làm và làm rất tốt. Tôi có thể tự tin rằng mình là một trong số ít producer đòi làm việc đội nhóm và đang hoạt động theo hình thức đội nhóm. Chúng tôi đã làm những tác phẩm có đồng tác giả đông nhất từ trước đến nay. "Người ta có thương mình đâu", "Xin lỗi con" được viết bởi 7 đồng tác giả. Số lượng tác phẩm và tác giả tham gia vẫn không dừng lại, đang tiếp tục. Chúng tôi đã "gieo trồng" từ lâu, sắp đến giai đoạn "thu hoạch". Thị trường cũng sắp thu hoạch rồi.
Chỉ viết theo cảm hứng cá nhân
Thời nay, những ca khúc dung dị, chất chứa cảm xúc không dễ thành hit (ăn khách) trên các bảng xếp hạng âm nhạc, như nhiều ca khúc của Nguyễn Hải Phong chẳng hạn?
- Mỗi thời có một định nghĩa hit khác nhau. Thời điểm này, thị trường đang phân khúc theo nhiều loại khác nhau, khán giả theo từng loại cũng khác nhau. Khó có thể đứng trên tham chiếu của phân khúc này để đánh giá phân khúc kia. Cách thức truyền thông, tương tác ngày nay cũng đã thay đổi rất nhiều do công nghệ phát triển. Ngày nay, phải lấy tham chiếu là lượt xem, lượt nghe, lượng chia sẻ, lượng tương tác, bảng xếp hạng trên mạng, sự quan tâm của cộng đồng mạng, khác ngày xưa là muốn nghe nhạc phải mua băng đĩa nhạc, muốn nghe ca sĩ hát phải mua vé đi xem.
Nghệ thuật ở cấp độ nào cũng cần có khán giả. Nhưng cứ phải chạy theo view để nhạc Việt ngày càng tẻ nhạt với những bản hit không có điểm nhấn liệu có nên không?
- Còn tùy các bạn trẻ đang nghĩ gì. Nếu họ nghiêm túc, có tầm và có tâm, không cần hướng dẫn hay mong cầu sự tốt lên của thị trường, họ cũng sẽ tìm ra cách. Khán giả có lỗi gì đâu. Nghệ sĩ cũng không. Muốn tốt lên thì không phải chỉ một nhóm hay một bộ phận thay đổi. Tất cả chúng ta, từ nhà sản xuất, tác giả, ca sĩ, nhà phát hành, khán giả… mỗi người cần chung tay, cố gắng một chút...
Giữa sáng tạo giữ cái tôi và chiều theo công chúng để chạy doanh thu, anh giải quyết bài toán ấy thế nào cho những ca khúc của mình?
- Doanh thu thì tôi có đội của mình, có công ty, đó là công việc và sự nghiệp của chính những cộng sự chứ không chỉ riêng tôi. Lâu lâu tôi có cảm hứng cá nhân thì lại viết một mình như ngày xưa, đó chính là "Ba kể con nghe", "Lớn rồi còn khóc nhè"…
Kết hợp hoàn hảo
Chưa đầy 24 giờ ra mắt, MV "Lớn rồi còn khóc nhè" của Trúc Nhân (ca sĩ từng tạo nên bản hit "Bốn chữ lắm") đã làm xôn xao cộng đồng nghe nhạc trên mạng. Sản phẩm "chào sân" V-pop 2019 của Trúc Nhân không chỉ nhanh chóng gặt hái hiệu ứng tích cực từ công chúng mà còn nhanh chóng cán mốc hơn 1 triệu lượt xem - nghe, lọt vào tốp thịnh hành của YouTube.
"Lớn rồi còn khóc nhè" là sáng tác mới của Nguyễn Hải Phong về mẹ, được anh viết riêng cho giọng hát Trúc Nhân. Ca khúc có giai điệu tươi vui và ca từ ẩn chứa nguồn cảm xúc mạnh mẽ chạm vào trái tim người nghe. Câu chuyện của MV cũng đóng vai trò quan trọng trong thành công của ca khúc này. Việc xây dựng câu chuyện gần gũi dựa trên những điều diễn ra trong cuộc sống mà bất kỳ người trẻ nào cũng từng trải qua để trưởng thành, kết hợp phong cách kể "rewind" (quay ngược thời gian từ hiện tại trở về quá khứ), MV dễ dàng lấy nước mắt người xem.
Bình luận (0)