Với mục đích giao lưu văn hóa Việt Nam - Pháp và phát huy di sản kiến trúc Pháp ở Việt Nam, 110 nghệ sĩ trong nước và quốc tế đã có mặt trong chương trình đặc biệt này.
Diva Mỹ Linh, nghệ sĩ đa tài Kenjah (Pháp), ca sĩ Vũ Thắng Lợi, Đào Tố Loan,… cùng Dàn nhạc Giao hưởng, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Đồng Quang Vinh và tổng đạo diễn Chu Anh Hùng đã để lại những ấn tượng đặc biệt cho các khán giả tới xem vào tối 11-12.
Diva Mỹ Linh cùng nghệ sĩ Pháp biểu diễn chương "Huyền thoại Opera"
Nhà hát Lớn Hà Nội là một công trình kiến trúc được người Pháp được khởi công xây dựng năm 1901 và hoàn thành vào năm 1911 theo mẫu Nhà hát Opéra Garnier ở Paris nhưng mang tầm vóc nhỏ hơn, có kiến trúc rất độc đáo và sử dụng các vật liệu phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương.
Tác phẩm của 2 kiến trúc sư Harlay và Broyer được pha trộn nhiều phong cách, nhưng Nhà hát Lớn Hà Nội vẫn mang đậm dáng vẻ tân cổ điển Pháp, đặc biệt ở kết cấu kiến trúc, kiểu mái 2 mảng lợp ngói đá đen cùng các họa tiết trang trí bên trong.
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông (giữa), bà Minh Nguyệt (áo dài hồng) và ông Chu Anh Hùng (thứ 6 từ từ trái qua) trong chương trình kỷ niệm 110 năm Nhà hát Lớn Hà Nội.
Nơi đây là chứng tích thiêng liêng, ghi dấu và lưu truyền những sự kiện lịch sử, cách mạng quan trọng bậc nhất của đất nước: Ngày 17-8-1945, trên quảng trường Nhà hát đã diễn ra cuộc mít tinh ra mắt Mặt trận Việt Minh; ngày 16-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động Tuần lễ vàng quyên góp ủng hộ Chính phủ tại đây.
Nhà hát Lớn Hà Nội là nơi Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập nhóm họp và thông qua Hiến pháp năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 24-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Tại Hội nghị này, Người đã khẳng định: "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi". Nhà hát Lớn Hà Nội còn là nơi khai sinh và tôn vinh kịch nghệ cùng sân khấu Việt Nam.
Nhà hát Lớn Hà Nội được xây dựng từ năm 1901 và hoàn thành năm 1911, do 2 kiến trúc sư người Pháp là Harlay và Broyer thiết kế dựa trên nguyên mẫu Nhà hát Opéra Garnier ở Paris (Pháp)
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội, chia sẻ với chiều dài lịch sử 110 năm, Nhà hát Lớn Hà Nội hiện hữu như một biểu tượng trường tồn về văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, lịch sử, hội nhập và giao thoa văn hóa Đông - Tây, đóng góp to lớn vào lĩnh vực văn hóa và mở rộng giao lưu văn hóa, góp phần quảng bá đất nước và con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế và kiều bào ta ở nước ngoài.
‘’Với vai trò là nhà quản lý, tôi mong muốn công trình lịch sử cũng như di sản văn hoá này sẽ luôn là nơi chào đón những chương trình âm nhạc đặc biệt; nơi tổ chức các chương trình hội thảo, hội nghị, lễ kỷ niệm mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế nhằm quảng bá, giao lưu văn hoá, bảo tồn và phát huy di sản kiến trúc Pháp tại Việt Nam" - bà Minh Nguyệt nói.
Ông Chu Anh Hùng, Phó Giám đốc Nhà hát Lớn, người từng đảm nhận vai trò Tổng đạo diễn nhiều đêm nhạc gây tiếng vang, chia sẻ do ảnh hưởng kéo dài của dịch bệnh Covid-19, năm 2021 là khoảng thời gian thiếu vắng tương đối nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật, giao lưu văn hoá.
"Hi vọng thời gian tới, dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát, tình hình ổn định để Nhà hát Lớn Hà Nội tiếp tục là nơi đón tiếp, tổ chức các sự kiện văn hoá nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng Thủ đô. Nhà hát mong là nơi kết nối âm nhạc, chắp cánh những tác phẩm cũ vào mới đến gần người xem, lan toả những giá trị nghệ thuật đẹp cho cuộc đời"- ông Chu Anh Hùng nhấn mạnh.
Bình luận (0)