- Phóng viên: Cuộc thi viết truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập" đã bước vào giai đoạn cuối sau hai năm phát động. Là người gắn bó với cuộc thi từ những ngày đầu tiên, ông đánh giá thế nào về sức lan tỏa của cuộc thi này?
+ Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Thú thật, khi nhận lời gửi gắm tham gia cuộc thi này, tôi và anh Lưu Quang Định đều có chung một mối lo lắng rằng không biết có nhiều người viết hưởng ứng cuộc thi này hay không?
Báo Nông thôn ngày nay là một tờ báo uy tín nhưng lại không phải một tờ báo chuyên về văn chương, hơn nữa, đề tài nông thôn lâu nay cũng phần nào bị bỏ bê, quên lãng. Thế nhưng, sau 2 năm, tôi có thể khẳng định cuộc thi đã giành được thắng lợi khi nhận được hàng ngàn truyện ngắn gửi về, trong đó, rất nhiều truyện ngắn có chất lượng.
Các nhà văn chuyên nghiệp cũng như không chuyên đều nhiều sự quan tâm cho cuộc thi này, có người gửi tới 30 – 40 truyện. Gần như các địa phương đều có truyện dự thi, có tác giả tuổi ngoài 70, cũng có tác giả chỉ 20 tuổi, có tác giả là người khuyết tật… Có thể thấy, cuộc thi "Làng Việt thời hội nhập" đã lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng những người yêu văn chương trên khắp đất nước, khơi gợi nguồn cảm xúc cho nhiều thế hệ người viết.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo của cuộc thi truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập"
- Nhiều cây viết cho rằng chủ đề "Làng Việt thời hội nhập" tuy rộng nhưng lại không hề dễ viết. Ông có đồng ý với quan điểm này?
+ Trong cuốn "Thi nhân Việt Nam", Hoài Thanh từng viết: "Ở mỗi chúng ta đều có một người nhà quê", cũng bởi vậy, theo tôi, đề tài về nông thôn luôn hấp dẫn, thú vị và đem lại nhiều cách tiếp cận. "Làng Việt thời hội nhập" là một đề tài hay, rộng nhưng đúng là đem lại không ít thử thách cho những người cầm bút. Viết làm sao để tác phẩm bật lên dấu ấn riêng, câu truyện đi sâu vào nội tâm nhân vật chứ không chỉ đơn thuần phản ánh bề mặt đề tài là câu hỏi mà các tác giả cần phải tìm tòi, giải quyết.
Ban tổ chức và Hội đồng Sơ khảo cuộc thi viết truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập" làm việc vào ngày 4-3 tại toà báo Nông thôn Ngày nay
- Vậy ông đánh giá thế nào về chất lượng của các tác phẩm gửi về dự thi?
+ Các truyện ngắn gửi về đã phản ánh một cách đa dạng, nhiều góc cạnh về cuộc sống của người nông dân cũng như đời sống nông thôn Việt Nam thời hiện đại. Trong đó, nhiều nhất là các tác phẩm phản ánh sự va đập của làng quê đương đại với làng quê truyền thống, cuộc đấu tranh giữa cái cũ – cái mới, điểm tốt – điểm xấu, sự chống đỡ của người nông dân trong việc giữ gìn những giá trị cốt lõi, lâu đời.
Ngoài ra, các tác giả còn ghi lại những kí ức của làng quê xưa, qua đó làm nổi bật sự thay đổi của làng Việt trong thời hội nhập. Nhiều truyện ngắn cũng đề cao, cổ vũ cái mới, ghi lại những ảnh hưởng tích cực của thời đại kinh tế thị trường đối với nông thôn Việt Nam.
Về mặt nghệ thuật, phần lớn tác giả dự thi đều dựa theo lối truyện ngắn truyền thống trong việc xây dựng cốt truyện, nhân vật. Bên cạnh đó, cũng có một số cây bút phá cách khi đưa vào tác phẩm yếu tố hài hước, trào phúng. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận của người viết trong việc tiếp cận độc giả.
Tranh minh họa truyện ngắn dự thi "Giáo sư Xoài" của nhà văn Hoàng Minh Tường - Hoạ sĩ Bùi Tiến Hoà.
- Và ngắn gọn, theo ông, đâu là thành quả lớn nhất mà cuộc thi này đã đạt được, khi mà lễ trao giải đã đến rất gần?
+ Hai năm tham gia đọc và chấm tác phẩm gửi về, tôi luôn cảm thấy sung sướng và hồi hộp mỗi khi nhận được một tác phẩm mới, đặc biệt là của những tác giả chưa từng biết mặt, biết tên. Nhờ có cuộc thi này mà tôi được sống trong nhiều cảnh ngộ, nhiều thân phận, cuộc đời, không ít tác phẩm đơn giản nhưng lại là câu truyện có thật, những dấu ấn mà họ đã thật sự trải qua trong cuộc đời.
Tôi hi vọng sau cuộc thi này, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ có những dự án khuyến khích các nhà văn/ nhà thơ sáng tác về chủ đề nông thôn. Từ những âm hưởng tích cực mà cuộc thi viết này mang lại, chúng ta sẽ phát triển được các cây bút mới, nuôi dưỡng tình yêu của độc giả đối với văn chương, với làng quê Việt.
- Xin chân thành cảm ơn ông!
Bình luận (0)