Nhà thơ, họa sĩ Lê Thánh Thư
Họa sĩ Lê Thánh Thư sinh 1956, tại Quy Nhơn; là con trai trưởng trong gia đình thuần nông, có 5 anh chị em. Ông được xét nghiệm và kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Sau thời gian điều trị, ông đã trút hơi thở cuối cùng trong sự thương tiếc của gia đình và đồng nghiệp.
Ông vốn là nhà thơ, đã có nhiều thơ in trên các tạp chí trong nước. Đến với hội họa từ năm 1982 bằng con đường tự học, ông rất kiên trì và khiêm cung trong việc tiếp cận lãnh vực mới này cũng như khao khát đổi mới chính mình trong mỗi góc nhìn giữa thơ và hội họa.
Ông đã từng tự sự: "Trước hết, tôi là một nhà thơ. Cái nhìn hội họa của tôi hoàn toàn khác biệt so với cái nhìn của họa sĩ. Đó là cái nhìn của thi sĩ làm hội họa. Tôi quan tâm nhiều đến cấu trúc được tạo thành bởi sự lặp lại các yếu tố đơn giản và tạo dựng nên các nhịp điệu trong bố cục. Tranh của tôi nhiều tính chất tượng trưng, thường dùng màu đơn sắc, độ dày mỏng khác nhau trong nhiều tranh sơn dầu".
Một tác phẩm hội họa của nhà thơ, họa sĩ Lê Thánh Thư
Đối với các nhà chuyên môn, ngôn ngữ chữ viết nhiều khi lại không chuyển tải hết những biểu cảm cần diễn đạt nên nhà thơ - họa sĩ Lê Thánh Thư đã dùng hội họa để thể hiện niềm cảm hứng sáng tạo nghệ thuật. Thời điểm khởi đầu đến với hội họa, ông thuê căn gác nhỏ để sáng tác.
Triển lãm cá nhân đầu tiên của ông được thực hiện năm 1989 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM. Từ đó đến nay, ông thực hiện hơn 10 triển lãm cá nhân, hơn 30 triển lãm nhóm tại Việt Nam và quốc tế. Ông nhận được nhiều giải thưởng mỹ thuật; tác phẩm thuộc sưu tập tư nhân ở khoảng 20 nước và góp mặt trong một vài bảo tàng quốc gia như Việt Nam, Singapore…
Nhà sưu tập Yukio Ogushi (Nhật Bản), bạn thân của họa sĩ Lê Thánh Thư, đã từng nhận xét: "Lê Thánh Thư đã liên tục thay đổi. Từ 2 triển lãm ở Tokyo năm 1999 đến nay, cách vẽ của anh đã không dừng lại. Nó khiến người theo dõi công việc của họa sĩ luôn phải bất ngờ".
Có thể nói, chính việc sưu tập, tin yêu và khích lệ của vài người bạn thân thiết trong hội họa mà ông đã vững tin hơn trong việc vẽ, rồi sống được với nghề.
"Những tác phẩm của Lê Thánh Thư phản ánh sự thay đổi nhanh chóng của văn hóa Việt Nam, sự toàn cầu hóa và những thách thức trước cuộc sống ngày càng phức tạp. Đây là loạt tranh vẽ về sự thay đổi của Việt Nam trong giai đoạn đầu của chính sách mở cửa và không gian sống của con người trong kết quả của sự phát triển đô thị" - nhà phê bình Helène H, người Hà Lan, từng phân tích.
Bình luận (0)