Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm sinh năm 1940 tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Sau nhiều năm dạy học ở quê nhà, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm xung phong vào đội ngũ giáo viên chi viện cho giáo dục TP HCM ngay sau ngày đất nước thống nhất.
Với sở trường viết lách, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm nhanh chóng nhận ra phương pháp bồi dưỡng trí tuệ và tâm hồn cho trẻ em bằng văn chương. Ông liên tục xuất bản những cuốn sách "Bé vui học toán", "Toán vui để học", "Ông trạng giỏi toán", "Nữ đô đốc Bùi Thị Xuân" và 2 tập thơ thiếu nhi "Nữ hoàng trái cây", "Chia tay võ sĩ dế".
Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm hứng thú với 2 khái niệm "mật mã" và "tài hoa", vì ông rất thích khám phá bí mật sự sống và rất trọng năng lực cá nhân. Khi công tác ở Báo Giáo dục & Thời đại, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm đã sáng lập tuần san Tài Hoa Trẻ. Giai đoạn làm báo của ông đáng kể nhất là tập bút ký "May quá, lòng tốt vẫn còn đây" nhưng sự nghiệp văn chương của ông thì dài rộng hơn cuộc đời công chức.
Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm
Hóa giải "mật mã", nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm không chỉ có 2 tập tiểu luận "Đi tìm mật mã thơ" và "Tiếp cận mật mã thơ", mà ông còn có tiểu thuyết "Người trong cõi tâm linh" và tập thơ "Phản biện đường chân trời". Đồng hành "tài hoa", nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm không chỉ có tập thơ "Thương nhớ tài hoa" và tập nghiên cứu "Nghìn câu thơ tài hoa Việt Nam" mà ông còn có tập thơ "Người thám hiểm thời gian" viết về những danh nhân thế giới.
Sau khi nghỉ hưu vào năm 2000, ông liên tục cho ra mắt hàng loạt tác phẩm. Ngoài các tập thơ "Hoài nghi và tin cậy", "Văn đàn bi tráng", "Sương Hồ Tây mây Tháp Bút", "Minh triết đất đai", "Hoàng Sa"... còn có 3 tiểu thuyết "Bắc Cung hoàng hậu", "Kỳ nhân Bùi Giáng" và "Người tài hoa khờ dại".
Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm lúc nào cũng nhẹ nhõm và thong dong, nên chẳng ai biết ông từng chịu đựng không ít bi kịch cá nhân. Cả khi mắc bệnh nan y, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm cũng chấp nhận khá bình thản. Lúc nào không phải đi gặp bác sĩ thì ông ngồi vào bàn viết. Ông không sáng tác cho riêng ông mà còn mong muốn góp phần thúc đẩy văn chương Việt.
Một năm gần đây, sức khỏe giảm sút rất rõ, ông vẫn tranh thủ làm tuyển tập cá nhân "Trường ca Văn đàn bi tráng và thơ chọn lọc", đồng thời vẫn kiên trì biên soạn tuyển tập "Thơ Việt đổi mới" tôn vinh thành tựu sáng tạo của hơn 100 nhà thơ nước nhà. "Trường ca Văn đàn bi tráng và thơ chọn lọc" đã được NXB Hội Nhà văn ấn hành, còn "Thơ Việt đổi mới" đang dở dang thì ông đành xuôi tay trước định mệnh.
10 năm cuối đời, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm viết rất nhiều và rất hay. Đặc biệt, thơ ông thoải mái bước ra khỏi sự khuôn thước vốn có mà phóng túng bay lượn những chiều kích mới. Những trăn trở và những thương yêu được Nguyễn Vũ Tiềm chắt chiu cả đời có dịp dồn vào thơ. Sự dồn nén trở thành câu lai láng, sự e dè trở thành câu mạnh mẽ, sự cẩn trọng trở thành câu mông lung.
Nhờ trải nghiệm cầm bút, Nguyễn Vũ Tiềm nhận diện được giá trị của mỗi cuốn sách "tuổi tên phơi phía trước/ họa phúc ẩn sau trang" và tác giả phải chấp nhận "Một tác phẩm chưa thể nói thành công/ Nếu chưa có người đòi mang ra phán xử".
Ông chọn lối ứng xử mềm mỏng và rụt rè với đời, để đưa vào thơ những cồn cào và day dứt: "Trên mưa, còn có nắng/ Dưới sóng, biển bình yên/ Đá lạnh còn giữ lửa/ Tình phai còn căn duyên?". Và ông hiện diện bằng vui buồn một tâm hồn đa cảm và đa đoan: "Phải chăng vũ trụ niềm riêng/ Có chi nhắc nhớ trăm miền nợ vay/ Hay người ngoài ấy đứt tay/ Để tôi chảy máu trong này buốt đêm".
Bây giờ, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm không còn nữa. Thế nhưng, tác phẩm của ông và tấm lòng của ông với văn chương, với cuộc đời vẫn tiếp tục đọng lại trong trái tim đồng nghiệp và công chúng: "Mùa xuân lắng nghe nhịp đập từng con chữ/ Bàn phím ấm dần lên, trời thì se lạnh/ Âm dương hài hòa từng sát na đi qua".
Bình luận (0)