Mặc dù phải hoạt động trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng trong năm 2021, Ban Nhà văn nữ, Hội Nhà văn TP HCM và các hội viên nữ - bằng tấm lòng đối với con người, bằng tài năng và tâm huyết với nghề, đã nỗ lực có mặt trong tất cả các hoạt động của Hội Nhà văn TP, đóng góp công sức vào sự phát triển của văn chương TP cũng như góp phần cùng người dân thành phố đẩy lùi đại dịch.
Nhà thơ Huệ Triệu (trái) và nhà thơ Trần Mai Hường nhận giải thưởng nhà văn nữ ấn tượng của Hội Nhà văn Việt Nam
Nỗ lực cùng tài năng tâm huyết của các nhà văn nữ được ghi nhận qua các giải thưởng danh giá. Điển hình như Giải thưởng "Nhà văn nữ ấn tượng" của Hội Nhà văn Việt Nam trao cho 2 nhà thơ Huệ Triệu, Trần Mai Hường với những hoạt động thiện nguyện đã góp phần kết nối, lan tỏa tinh thần tương thân tương ái trong đại dịch; Giải thưởng Quỹ nhà văn Lê Lựu lần thứ ba trao cho truyện ngắn "Rượu 40 năm" của nhà văn Bích Ngân; Giải thưởng Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (giải C) trao cho kịch bản sân khấu " Phiên xử ở nhà Thái miếu" của nhà văn Bích Ngân; Giải thưởng "Cây bút vàng" (giải khuyến khích) do Bộ Công an tổ chức, trao cho truyện ngắn "Đầu thú" của nhà văn Nguyễn Thu Hà…
Trong 58 công trình, giải pháp đạt Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần 2, Hội Nhà văn TP HCM có 2 nữ nhà văn đoạt giải thưởng (giải 3): Tập truyện ký "Đường 1C huyền thoại" của nhà văn Trầm Hương và tập tiểu luận phê bình "Văn học nghệ thuật đôi điều nhớ lại" của nhà thơ Lê Tú Lệ. Giải thưởng Hội Nhà văn TP HCM trao cho truyện dài "Cà nóng chu du Trường Sa" của nhà văn Bùi Tiểu Quyên. Với "Cà nóng chu du Trường Sa", nhà văn Bùi Tiểu Quyên còn đoạt Giải Mai Vàng lần thứ 27 do Báo Người Lao Động tổ chức.
Tập truyện ngắn "Sự đành hanh của số phận" của nhà văn Hoàng Phương Nhâm nhận Tặng thưởng của Hội Nhà văn TP HCM… Giải thưởng Cuộc thi thơ "Nhân Nghĩa đất phương Nam" do Hội Nhà văn tổ chức trao cho các nữ nhà thơ: Nhật Quỳnh (giải nhì), Hương Thu, Diễm Thuyên (giải 4), Hồ Đắc Thiếu Anh (tặng thưởng). Cuộc thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng" của Báo Người Lao Động đã trao giải nhất cho nhà văn Trầm Hương và giải khuyến khích cho nhà văn Hoài Hương.
Ban Nhà văn nữ TP HCM chuyển gạo đến giúp người nghèo
Giải thưởng cuộc thi ký "Về nhà" do Chi nhánh NXB Hội Nhà văn và trang web Hội nhà văn Việt Nam tổ chức trao giải nhất cho tác phẩm "Chuyến về nhà của Huyền" của nhà thơ Minh Đan…
Bên cạnh các giải thưởng, trong thời gian qua, các nhà văn nữ không ngừng nỗ lực sáng tác và đã xuất bản những tác phẩm văn học có tiếng vang, được độc giả đón nhận. Có những tác phẩm được viết và xuất bản ngay trong những ngày dịch bệnh căng thẳng nhất là những tác phẩm: Quyền được sống (Bích Ngân), Cha tôi (Nguyễn Bính Hồng Cầu), Trên đồi trăng (Trần Thị Thắng), Nước mắt đàn ông (Võ Thị Kim Liên), Những bà già xinh đẹp (Phạm Thị Ngọc Liên), Thế giới phẳng mùa Covid (Thu Trân), Đàn bà ngọt ngào bé mọn (Hoàng My), Cà nóng ở Trường Sa (Bùi Tiểu Quyên), Yêu một chút cũng đâu có sao (Phương Huyền), Lặng soi (Hạnh Ngộ), Sài Gòn thở chậm hít sâu (Trương Gia Hoà), Dòng biên viễn (Hồ Thị Ngọc Hoài), Phù sa châu thổ (Hoài Hương), Sài Gòn! Em thương anh! (Hoài Hương), Mật ngữ em (Phạm Phương Lan), Phút bù giờ (Minh Đan), Nhặt sợi buồn thêu chữ (Võ Miên Trường), Tịnh trong giọt nắng (Vương Chi Lan), Suy tư chiều (Triệu Kim Loan), Em tự mình nắm gió (Nga Vũ), …
Hoạt động thiện nguyện cũng là một hoạt động và đóng góp nổi bật của các nhà văn nữ. Các nhà văn nữ như Bích Ngân, Nguyễn Bính Hồng Cầu, Trần Thị Thắng, Tôn Nữ Thu Thủy, Trần Mai Hường, Phương Huyền, Huệ Triệu, Võ Thu Hương, Võ Miên Trường, … đã kêu gọi, kết nối và mang những ấm áp, yêu thương tới người dân thành phố, các y bác sĩ tuyến đầu lúc tình hình dịch bệnh căng thẳng nhất. Chỉ trong một thời gian ngắn, 15 tấn gạo cùng nhiều chuyến xe nhu yếu phẩm đã được các nhà văn nữ chuyển tới đồng bào nghèo, giúp họ ấm lòng vượt qua đại dịch…
Bằng tài năng và tấm lòng, các nhà văn nữ TP HCM tô đẹp thêm truyền thống của TP HCM, của phụ nữ Việt Nam qua những việc làm thiết thực, góp sức xây dựng TP HCM hiện đại, nghĩa tình.
Bình luận (0)