xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Viết văn ngày Tết cực "phiêu"

Hòa Bình - Ảnh: NVCC

(NLĐO) - Ngồi vào bàn viết những trang sách trong mùa Xuân mới, nhà văn Sương Nguyệt Minh cho biết: "Chữ nghĩa là thiêng liêng".

Như nhà văn đã từng nói "Xét đến cùng, văn chương là thân phận con người", các câu chuyện của Sương Nguyệt Minh đều hướng về nhân bản sâu xa nhất trong mỗi thân phận, mỗi cảnh đời.

Tiểu thuyết ám ảnh về đại ngàn

Nhà văn đại tá Sương Nguyệt Minh có một thời gian đóng quân ở chiến trường biên giới Tây Nam, giai đoạn 1977 - 1978, sau đó đầu năm 1979 anh sang Campuchia thực hiện nghĩa vụ cao cả làm Quân tình nguyện Việt Nam, chống lại quân diệt chủng Polpot, để rồi viết về những tháng ngày lạc rừng mênh mông, vô định, "người lính lạc rừng lang thang đói khát, mặt quắt như ngón tay chéo ở những cánh rừng Campuchia" như tác giả chia sẻ. Ký ức về quãng thời gian "định mệnh" ấy đã ở lại trong anh, trở thành những ám ảnh, tạo nên thế giới nội tâm đầy ẩn ức. Trải nghiệm lạ thường và dữ dội trong dòng chảy cảm xúc ào ạt tuôn trong hơn 600 trang tiểu thuyết "Miền hoang", đoạt giải thưởng Sách hay hồi năm 2015. Như anh tự sự: "Tôi viết tiểu thuyết "Miền hoang" từ tâm thức của những ngày đầu ra biên giới Tây nam mấy chục năm về trước".

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Viết văn ngày Tết cực phiêu - Ảnh 1.

Nhà văn đại tá Sương Nguyệt Minh

Nhà văn Sương Nguyệt Minh cho biết nhiều chương trong cuốn tiểu thuyết "Miền hoang" đã được nhà văn thức trắng đêm giao thừa viết ào ạt vì cảm xúc dâng trào không thể ngừng lại. Nhà văn bảo: "Không viết không chịu được, vì cứ nhớ cái Tết ở Phnom Pênh, nhớ đồng đội cũ, nhớ những cái Tết viễn chinh xa nhà".

Đọc "Miền hoang" thấy văn phong của nhà văn khác hẳn với các tập truyện ngắn trước đó, cộng với khối lượng khá đồ sộ các dữ liệu, chi tiết, và kết cấu phi thời gian khiến người đọc dễ bị ... choáng. Nhưng nhà văn cho biết anh rất tự tin ở ngòi bút và cách kể mới. "Tôi muốn hướng đến và dành cho đối tượng bạn đọc ưa sự ngổn ngang, phức tạp, đa dạng, ưa phiêu lưu, thiên về sự kì vĩ của đại ngàn, đại dương; chứ không nhắm đến bạn đọc ưa thích sự đơn giản, dễ đọc, đọc rồi quên không cần nghĩ ngợi, sợ sự ám ảnh,... chỉ thích lặn ngụp ở ao hồ thân thuộc trong làng và cái vườn xinh xắn nhà mình".

"Miền hoang" ám ảnh với cuộc phiêu lưu bất đắc dĩ của bốn con người ở hai bên chiến tuyến, lẽ ra thù nghịch, dần dà lại phải ràng buộc vào nhau để sinh tồn, vừa đi cạnh nhau vẫn vừa muốn giương súng nã đạn vào nhau, vẫn đề phòng, cảnh giác, mưu toan hèn hạ, bẩn thỉu, ác độc; mà vẫn nương tựa để tồn tại, đôi khi thương xót, sẻ chia…

Mượn hình ảnh người lính, trong bối cảnh chiến tranh, ở một khung thời gian xác định, nhưng xét đến cùng, từ trong sâu thẳm "Miền hoang" vẫn là cuộc chiến sinh tồn luôn giáp ranh giữa lằn ranh sống chết của con người.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Viết văn ngày Tết cực phiêu - Ảnh 2.

Bút danh lạ và những thân phận

Sương Nguyệt Minh tên thật là Nguyễn Ngọc Sơn. Bút danh được nhà văn lý giải như sau: Sương Nguyệt Minh được khởi sự từ tên Sơn, cùng Nguyệt - tên vợ của nhà văn và cậu con trai đầu lòng - Minh. Đó là sự lựa chọn từ hồi mới bước chân vào làng văn, thế nhưng sau nhiều lần xử lý bản thảo, thì chẳng biết từ bao giờ,  "Sơn" được người biên tập vô tình thêm chữ "ư" và chữ "g", để thành Sương. Rắc rối thú vị đến mức ngoài bìa tạp chí tháng 8 - 1992 giới thiệu các tên tác giả trong đó có... Sơn Nguyệt Minh (dạo ấy họa sĩ Quách Đại Hải trình bày bìa), nhưng ở trang 77 in truyện ngắn dự thi "Nỗi đau dòng họ" của anh thì lại ghi tác giả là... Sương Nguyệt Minh. Chẳng biết vô tình hay cố ý mà cùng một số tạp chí, cùng một truyện ngắn đã rắc rối, phiền toái và thú vị về bút danh như thế.

Suốt 25 năm cầm bút, Sương Nguyệt Minh được biết tới với nhiều nhân vật nữ khác nhau. Điển hình là thân phận cô bộ đội cụt chân trở về quê trong truyện ngắn "Người về bến sông Châu" được nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền dựng thành bộ phim truyện nhựa "Người trở về". Truyện ngắn "Mười ba bến nước" nói về thân phận người phụ nữ ở phía sau thời hậu chiến. Cô Sao lấy chồng bộ đội, nhưng toàn đẻ ra quái thai dị dạng. Cô gạt nước mắt cưới vợ mới cho chồng, rồi ra đi. Từ nỗi đau và lòng nhân ái, tác phẩm được chuyển thể phim truyện video đoạt 6 Bông sen Vàng tại Liên hoan phim toàn quốc lần thứ 16.

Một trong những nhân vật nữ khác cũng vô cùng đặc biệt là công chúa Ngọc Bình, một Đức phi tam cung xinh đẹp mong manh và yếu đuối trong truyện ngắn "Dị hương" của Sương Nguyệt Minh. Thân thể công chúa Ngọc Bình luôn tỏa ra hương thơm quyến rũ đến lạ thường. Hương thơm dị biệt ấy có thể làm cho nhiều bậc kỳ tài mê muội. "Dị hương" là tập truyện ngắn đạt điểm tuyệt đối 9/9 của Hội đồng chung khảo, giành giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Viết văn ngày Tết cực phiêu - Ảnh 3.

"Dị hương" là một tác phẩm xuất sắc của nhà văn Sương Nguyệt Minh

Giai đoạn đầu Sương Nguyệt Minh viết trong trường thẩm mỹ truyền thống với những tác phẩm như "Đêm làng Trọng Nhân", "Người về bến sông Châu", "Nỗi đau dòng họ", "Mây bay cuối đường"... Sau đó có sự thay đổi với bút pháp hiện thực, huyền ảo như "Nơi hoang dã đồng vọng", "Mười ba bến nước", "Dị hương", hay mổ xẻ, nghĩ ngợi về các vấn đề tâm lý xã hội ; sau đó lại  là sự thay đổi các điểm nhìn nghệ thuật, cách kể khác biệt ở "Miền hoang".

"Mỗi lần viết là một lần làm mới, không chỉ mình khác với người khác, mà còn phải khác với chính mình trước đây. Có lẽ cái "tạng" của tôi phải cựa quậy, luôn luôn thay đổi, để đa giọng điệu, đa phong cách" – Nhà văn chia sẻ.

"Chiến tranh lùi xa, nhà văn có thời gian để trưởng thành hơn. Nhà văn không còn đứng ở chiến hào với một trái tim còn nguyên xúc động mà ở một vị trí khác bao quát, bình tĩnh và cái nhìn mới mẻ hơn. Tôi vẫn nghĩ rằng dù viết gì thì viết, cuối cùng nhà văn vẫn phải chạm tới thân phận con người" – Nhà văn Sương Nguyệt Minh nhìn nhận.

Chữ nghĩa thiêng liêng

Nhà văn Sương Nguyệt Minh vẫn giữ lệ khai bút đầu Xuân. Anh cho biết có năm anh khai bút lúc giao thừa, có năm thì sáng sớm Mùng 1 Tết anh trở dậy là ngồi vào bàn viết luôn. Sương Nguyệt Minh chia sẻ có đêm 30 hứng lên viết đến tận lúc vợ con làm cỗ cúng giao thừa xong, anh mới buông bút.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Viết văn ngày Tết cực phiêu - Ảnh 4.

Nhà văn cho biết viết trong đúng thời khắc giao thừa cực kỳ thăng hoa, bay bổng

Viết vào đúng thời điểm giao thoa giữa năm cũ và năm mới, trong cái lạnh se sắt của miền Bắc, giữa không khí mùa Xuân tràn trề, nhà văn chia sẻ: "Trong lòng cứ thấy rưng rưng, rồi lại man mác, bâng khuâng, chữ nghĩa thăng hoa, bay bổng, dào dạt chảy, rất trữ tình, lãng mạn. Có một điều rất lạ là những khoảnh khắc thiêng liêng đó không thể viết về những cái xấu, cái ác, về mất mát, đau khổ, chia ly hay lọc lừa, phản trắc…"

"Lúc đó, nhu cầu hiện thực sum vầy, nhu cầu gặp gỡ và tưởng nhớ lẫn với cảm xúc nghệ thuật. Chúng không tách bạch mà hòa quyện vào nhau. Cộng với thời khắc cũ và mới giao hòa nên cộng hưởng tạo ra sự thổn thức, rưng rưng; thường là viết ra được những đoạn văn hay, sâu sắc và khá phiêu" - Nhà văn cho biết.

Việc viết là nhu cầu tự thân, nhưng nhà văn cũng thực sự muốn đầu năm viết một cái gì đó để "xông giấy, khai bút", để có động lực cho cả năm sáng tác.  Tết Mậu Tuất 2018 này, nhà văn Sương Nguyệt Minh sẽ viết tiếp một cuốn tiểu thuyết về chiến tranh. "Cuốn sách đã bắt đầu từ 10 năm trước, viết trước cả cuốn "Miền hoang", năm nay tôi nhất định phải hoàn thành nó" – Nhà văn khẳng định.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo