Có lẽ nhà văn là giới ít quan tâm đến sức khỏe, liều mạng nhất để sống và viết. Ăn uống thất thường, thức khuya đọc và viết, sống quá nhiều cảm xúc; phần đông nhan sắc và sức khỏe nữ sĩ đều yếu vì mắc các chứng bệnh tim, mỡ máu, cao huyết áp, tiểu đường… Nhà văn nam còn có thêm sự tác động từ bia rượu. Chuyện ăn nhậu, bù khú ở quán sáng trưa, chiều tối tới khuya… cũng không hiếm.
Đầu tháng 3 năm nay, trước tình hình dịch Covid-19, việc nhậu nhẹt, đàn đúm của các nhà văn cũng ít đi. Ngày thơ Nguyên tiêu, những buổi ra mắt sách đình đám cũng được hoãn lại. Các nhà văn nằm nhà đọc sách, lục lại nhiều đề cương, dành nhiều thời gian cho gia đình, chiêm nghiệm bản thân và bắt tay viết khá nhiều (Tôi biết được điều này qua Facebook). Hy vọng qua dịch Covid-19, nhiều tác phẩm sẽ ra đời.
Cũng những ngày qua, chúng tôi nghe tin nhà văn Triệu Xuân bị ung thư phổi từ năm trước, được điều trị tích cực, nay trở bệnh nặng; nhà văn Trúc Phương (Nhất Phương) và con trai vẫn đang chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo và nhà văn Nguyễn Khoa Đăng bị đột quỵ nhiều năm trước giờ bệnh viện trả về. Liên Chi hội Nhà văn Việt Nam tại TP HCM đã làm một hành trình từ quận 3 đến Gò Vấp rồi về quận 12 thăm các nhà văn bị bệnh.
Các nhà văn đại diện Liên Chi hội nhà văn Việt Nam tại TP HCM thăm nhà văn Triệu Xuân (giữa - áo trắng) ngày 6-3. Ảnh: VĂN NHÂN
Ai cũng biết điều đó nhưng chỉ những ai đã đứng trên bờ vực sống chết qua bạo bệnh mới thấm hiểu sức khỏe là quý giá nhất của cuộc đời. Chúng tôi không ngăn được nước mắt khi nhìn thấy gương mặt với những mảng đỏ và móng tay, móng chân của nhà văn Triệu Xuân bị long ra, tứa máu vì di chứng của thuốc điều trị ung thư. Bên cạnh nhà văn Triệu Xuân là chị Hạnh - người bạn đời chăm sóc anh bằng tất cả tình yêu thương. Có lẽ nhờ tình yêu của chị mà anh cầm cự cho đến nay. Anh bình tĩnh đối mặt với sự thật, cảm động vì bạn bè đã đến với mình trong những ngày dịch Covid-19 này.
Anh tâm sự đã chuẩn bị mọi chuyện lớn nhỏ. Nhóm "Văn chương Hồn Việt" và website "Nhà văn Triệu Xuân" vẫn sẽ được duy trì, ít nhất là 5 năm sau khi anh mất. Anh đang gấp rút in quyển sách "Nhà văn Triệu Xuân và bạn bè" - quyển sách cuối cùng anh để lại cho cuộc đời. Anh nói với chị Hạnh: "Anh đi rồi, bạn bè không để em bơ vơ đâu. Các bạn vẫn đến với em!". Những ngày này, chống chọi với bệnh tật, nhà văn Triệu Xuân vẫn miệt mài đọc và viết. Anh nói mình đang chạy đua với thời gian để hoàn thành quyển sách cuối cùng!
Chúng tôi về quận 12, mừng nhà văn Trúc Phương có ngôi nhà mới. Chị Nhứt - vợ nhà văn Trúc Phương - vui mừng nói: "Từ hồi về đây, cả nhà khỏe hơn nhiều". Trong ngôi nhà này, chị là cây cột chống trời cho hai người đàn ông bị bệnh hiểm nghèo tựa vào. Chị không chỉ chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ, thuốc men cho chồng con, đồng hành với chồng con trong những cơn đau, những lần hóa trị, xạ trị đối mặt với sống chết mà còn truyền nguồn năng lượng yêu thương cho chồng con. Chị nói: "Khi chồng đổ bệnh thì nhà còn chút tiền, đến khi con trai bệnh thì không còn gì. Anh chị phải treo biển bán nhà trong nội thành, may mà bán được ra đây, mua nhà mới, còn dư chút đỉnh lo cho hai cha con".
Anh chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo nhiều năm nay. Nhưng chính lúc nhận ra mình không còn khỏe nữa, sẽ ra đi bất cứ lúc nào, cũng là lúc anh ham sống nhất. Anh viết như chưa từng được viết. Chỉ trong mấy năm mà hàng ngàn trang sách của anh đã ra đời, được ghi nhận bằng những giải thường văn học của thành phố. Mới đây, tác phẩm "Người anh hùng chân đất" viết về Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy được Bộ Quốc phòng trao giải thưởng văn học. Anh nói: "Nếu anh còn được sống mấy tháng nữa…".
Bình luận (0)