Nhạc hội được dàn dựng công phu, hoành tráng với chương trình nghệ thuật giới thiệu về nét đẹp của đờn ca tài tử Nam Bộ - một bộ môn nghệ thuật đã được Tổ chức UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; đồng thời tái hiện hình ảnh Sài Gòn - Gia Định xưa và TP HCM ngày nay.
Nhạc hội tổ chức dịp này đã tạo điều kiện để các nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc dân tộc nhìn lại và có sự đánh giá chuẩn xác hơn về nội lực của phong trào đờn ca tài tử trên địa bàn TP HCM.
Nhạc hội Đờn ca tài tử Nam Bộ trước Nhà hát Thành phố (TP HCM) Ảnh: HẢI PHƯỢNG
TP HCM hiện có khoảng 200 CLB đờn ca tài tử Nam Bộ hoạt động với sự tham gia của hơn 2.500 người ở hầu hết các quận, huyện. Trong đó, CLB Đờn ca tài tử "Ngũ Cung" của Trung tâm Văn hóa quận 8 vẫn đều đặn tổ chức sinh hoạt, giao lưu với khán giả bằng những bài tổ, ca cổ được yêu thích vào sáng chủ nhật hằng tuần. Nhóm bạn trẻ thuộc CLB "Giai điệu phương Nam" cũng sinh hoạt thường xuyên tại Nhà Văn hóa Sinh viên TP HCM…
TP HCM đã và đang tích cực thực hiện các biện pháp nhằm bảo tồn, thúc đẩy hoạt động đờn ca tài tử Nam Bộ. TP HCM đã triển khai Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn TP giai đoạn 2018 - 2020"; chú trọng phát huy các hình thức hoạt động, cách thức truyền nghề, thi đua sáng tạo, tranh tài nghệ thuật… nhằm sáng tạo các giá trị mới cho bộ môn này.
Theo dự kiến, Nhạc hội Đờn ca tài tử Nam Bộ diễn ra trong 2 đêm 30 và 31-1. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên đêm nhạc hội thứ hai (31-1) đã tạm dừng.
Bình luận (0)