"Ông nhà tôi than bị đau ở ngực dữ dội, gia đình đưa ông vào bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM) cấp cứu nhưng ông không qua khỏi và ra đi lúc 3 giờ ngày 15-8" - nghệ sĩ Nguyễn Xuân Yên xúc động nói.
Nhạc sĩ - nhà giáo Hoàng Cơ Thụy
Nhạc sĩ - nhà giáo Hoàng Cơ Thụy là người nghệ sĩ tài hoa, tiếng đàn tranh của ông đã làm rung động biết bao trái tim khán giả mộ điệu âm nhạc dân tộc và sân khấu cải lương. Ông còn truyền đạt nhiều kinh nghiệm cho các thế hệ học trò say mê âm nhạc cổ truyền.
Nhạc sĩ - nhà giáo Hoàng Cơ Thụy độc tấu đàn tranh phục vụ đoàn du khách tại Mỹ do con trai dỡ đầu là nghệ sĩ Việt Hải đưa về Việt Nam đến thăm ông tháng 7-2023.
Nhạc sĩ - nhà giáo Hoàng Cơ Thụy sinh năm 1949, từ năm lên 8 tuổi ông đã được bố cho theo học nhạc cụ dân tộc, người anh của ông được dạy đờn kìm, còn ông thì học đàn tranh do thầy Phạm Văn Nghi hướng dẫn.
Học được hai năm thì thầy Phạm Văn Nghi đề nghị cho ông thi vào trường Quốc gia âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn (nay là Nhạc viện TP HCM). Tại đây nhạc sĩ Hoàng Cơ Thụy được rèn luyện về môn đàn tranh và tỳ bà.
Sau khi tốt nghiệp ông được nhà trường giữ lại giảng dạy từ năm 1967 đến 1975. Từ năm 1975 đến 1985 ông về công tác tại Trường Nghệ thuật Sân khấu II (nay là Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM), giữ vị trí lãnh đạo với vai trò phó hiệu trưởng.
Từ trái sang: Nhạc sĩ - nhà giáo Hoàng Cơ Thụy, Nguyễn Xuân Yên, nghệ sĩ Việt Hải và Thạc sĩ âm nhạc Vũ Kim Yến
Ông đã sáng tác nhiều tác phẩm độc tấu đàn tranh như: "Mênh mông", "Câu hò Bến Ngự", "Khúc biến tấu Lý áo vá quàng", "Những nẻo đường xưa", "Cảm xúc", "Mùa gặt", "Trăng soi giếng cổ", song tấu đàn tranh "Lối về"…Nhiều tác phẩm của ông đã được in trong 2 bộ sách "Những sáng tác mới cho đàn tranh".
Nghệ sĩ Việt Hải, người con đỡ đầu của nhạc sĩ - nhà giáo Hoàng Cơ Thụy, đã khóc thật nhiều khi biết tin cha mình qua đời. Anh xúc động: "Kế hoạch tổ chức chương trình biểu diễn của nghệ sĩ Hoàng Cơ Thụy tại thành phố Seattle - Mỹ năm 2024 đã được chuẩn bị, thì cha tôi đã đột ngột qua đời".
Trong sự nghiệp hoạt động nghệ thuật, nhạc sĩ - nhà giáo Hoàng Cơ Thụy đã gắn bó với nhiều đoàn cải lương như: Phước Chung, Sài Gòn 1, Sài Gòn 2…
Ông cũng góp mặt trong chuyến lưu diễn "Hạn hán và cơ mưa" của nữ biên đạo múa đương đại Esola Thủy, cùng với 20 cụ già nông dân ở Ninh Bình đưa nghệ thuật múa Việt Nam lưu diễn tại Mỹ. Ông đã lưu diễn nhiều nước châu Âu, lưu lại nhiều cảm tình của khán giả kiều bào qua tiếng đàn tranh, tỳ bà đậm chất dân tộc Việt tại nước Pháp.
Nhạc sĩ - nhà giáo Hoàng Cơ Thụy, Nguyễn Xuân Yên và con trai đỡ đầu - nghệ sĩ Việt Hải tại nhà thờ Tắc Sậy - Bạc Liêu tháng 7-2023
Tang lễ của nhạc sĩ - nhà giáo Hoàng Cơ Thụy được tổ chức tại nhà riêng tại phường 14, quận 10, TP HCM. Lễ động quan lúc 6 giờ ngày 17-8, sau đó thực hành nghi lễ tại Nhà thờ Đồng Tiến và hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.
Bình luận (0)