Sau nhiều tháng chống chọi với bệnh của tuổi già, tối 7-1, nhạc sư Vĩnh Bảo đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Người thầy lớn của nhiều thế hệ
Cao Lãnh cũng là quê hương nơi nhạc sư lớn lên. Năm 2018, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (lúc này là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp) đã có lời mời và tạo điều kiện để nhạc sư trở về quê sinh sống trong ngôi nhà do chính quyền tỉnh Đồng Tháp vận động một số doanh nghiệp và gia đình cùng đóng góp.
Nhớ lại những ngày đầu nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo về Đồng Tháp, nhiều người cho biết nhạc sư rất vui khi được chứng kiến sự thay đổi, phát triển vượt bậc của tỉnh nhà. Tâm sự tại lễ khánh thành nhà trưng bày dành cho mình, với lối kể chuyện dí dỏm, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo đã ôn lại những kỷ niệm trong cuộc đời ông một cách thú vị, đầy cuốn hút. Xen lẫn trong câu chuyện kể là những tâm sự đầy xúc động khi ông nhắc lại cơ duyên về lại quê hương Đồng Tháp cũng như quyết định tặng toàn bộ tài liệu nghiên cứu về âm nhạc dân tộc, kỹ thuật đóng đàn tranh mà ông dày công kiến tạo trên 80 năm cho tỉnh Đồng Tháp.
Chương trình “Mai Vàng nhân ái” do Báo Người Lao Động tổ chức với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á đến thăm nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo hồi tháng 8-2020 Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ: "Trên hành trình xuyên thế kỷ, như những nốt nhạc có lúc thăng lúc trầm, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo vẫn luôn nhớ mình mang trong người dòng máu Việt, khí chất Đồng Tháp, cốt cách hào sảng của người miền Tây sông nước. Cứ như vậy, hình ảnh, nhân cách của một "cây đại thụ" đáng kính lan tỏa, trở thành một trong những biểu tượng, như đóa sen hồng ngày đêm tỏa ngát trên mảnh đất này. Con người dù gần trăm năm ở xứ người vẫn đậm chất hào sảng nhưng dung dị, uyên thâm nhưng khiêm nhường, dí dỏm nhưng chân tình...".
Vừa ghi sổ tang, ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, vừa ngậm ngùi nói: "Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo là người thầy lớn của nhiều thế hệ học trò. Ông có đóng góp rất lớn cho nền âm nhạc dân tộc Việt Nam. Ông là một nghệ sĩ tài hoa, để lại nhiều dấu ấn cho người hâm mộ, kể cả nhiều thế hệ người Đồng Tháp. Những giá trị đúc kết cả cuộc đời của nhạc sư sẽ luôn là di sản to lớn và quý giá để thế hệ sau tiếp nối".
Đóng góp to lớn cho âm nhạc truyền thống
Thông tin nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo qua đời cũng để lại nhiều thương tiếc cho các nghệ sĩ, nghệ nhân và học trò của ông.
Ông Lê Hồng Phước - tiến sĩ lịch sử văn hóa (Trường Đại học KHXH&NV - ĐHQG TP HCM), học trò của nhạc sư - đã tâm sự: "Nhạc sư là người trải nghiệm đầy đủ những thịnh suy của đờn ca tài tử Nam Bộ và nghệ thuật cải lương từ thuở mới hình thành. Tính từ khi bắt đầu học đờn cho đến ngày tạ thế, trong làng cổ nhạc miền Nam, nhạc sư là người chơi nhạc có tuổi nghề cao nhất. Các nhạc sư thuộc thế hệ khởi đầu của cải lương đều đã về với tổ nghiệp từ lâu. Nhạc sư Vĩnh Bảo là nhân chứng sống duy nhất của giai đoạn lịch sử này ở đầu thế kỷ XXI".
NSND Ngọc Giàu xúc động cho biết nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo là nhà nghiên cứu âm nhạc, nhà giáo dạy cổ nhạc Nam Bộ lâu năm trong và ngoài nước. Ông còn là nghệ nhân đóng đờn nổi tiếng từ hơn nửa thế kỷ, người cải tiến đờn tranh thành công, diễn giả âm nhạc tầm vóc quốc tế bằng nhiều ngôn ngữ.
Với NSND Kim Cương, nhạc sư là người có đóng góp lớn trong hồ sơ đờn ca tài tử Nam Bộ trình UNESCO để được ghi tên vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. "Có thể nói, nhạc sư là một trường hợp hy hữu trong làng cổ nhạc miền Nam. Với những đóng góp to lớn cho âm nhạc truyền thống, nhạc sư đã nhận được nhiều giải thưởng giá trị trong và ngoài nước như: Giải thưởng Phan Châu Trinh, Giải thưởng Đào Tấn, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Văn học Nghệ thuật của Pháp... "Nhà trưng bày Nguyễn Vĩnh Bảo - Giai điệu và cuộc đời" ở quê hương ông là một địa chỉ về nguồn cho các thế hệ yêu cổ nhạc và là nơi cung cấp nhiều tài liệu có giá trị cho giới nghiên cứu cổ nhạc" - NSND Kim Cương nói.
Nhắc về nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, NSƯT - nhạc sĩ Văn Hai rưng rưng: "Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo đã chơi đờn và dạy đờn đến hơi thở cuối cùng. Ngay cả khi nằm trên giường bệnh, chúng tôi đến thăm, nhạc sư vẫn nói chuyện và gửi gắm về cổ nhạc miền Nam. Tầm ảnh hưởng của nhạc sư không chỉ đối với dân trong nghề nhạc bởi trong vô số học trò của nhạc sư có rất nhiều người không sống bằng nghề liên quan đến âm nhạc".
Một nghệ sĩ tài hoa
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo sinh ngày 19-8-1918, tại làng Mỹ Trà, tổng Phong Thạnh, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là xã Mỹ Trà, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp).
Ông được mệnh danh là "đệ nhất đờn tranh", "đệ nhất danh cầm" hay "hậu Tổ nhạc tài tử Nam Bộ". Nhạc sư là người hiếm hoi ở Việt Nam có lối đờn ứng tấu, ứng tác. Ông cũng là người duy nhất ở Việt Nam vừa là nhạc sư trình tấu vừa là nhạc sư giảng dạy âm nhạc truyền thống, lại vừa là người sáng chế đờn tranh theo kích thước và số dây thêm vào (từ 16 lên tới 21 dây).
Nhạc sư sử dụng thành thạo tiếng Anh, Pháp, Hoa, Nhật, Campuchia để giảng dạy nhạc tài tử Nam Bộ tại tư gia hoặc qua internet cho học trò thuộc nhiều quốc tịch trên thế giới.
Bình luận (0)