Nếu MV (video ca nhạc) không coi trọng âm nhạc, chỉ chú trọng câu khách phần xem thì phim rất coi trọng phần âm nhạc, đặc biệt là những ca khúc viết cho phim. Dù chất lượng của phim Việt còn nhiều hạn chế nhưng ca khúc sáng tác cho phim đang ghi dấu ấn trong đời sống âm nhạc với nhiều bài hát có chất lượng
Vai trò cứu sinh
Chuyện nhiều ca khúc đã vượt khỏi ranh giới của một bộ phim và tồn tại vững vàng trong lòng người yêu nhạc không lạ ở thị trường nhạc Việt. Nhưng trong tình hình nhạc Việt hiện nay, công chúng yêu nhạc nhận ra nhạc phim đang đóng vai trò cứu sinh của thị trường nhạc Việt đang đầy rẫy MV với những ca khúc thiếu chất lượng.
Do vậy, ca khúc trong phim hiện rất được nhà sản xuất phim coi trọng và khi được đầu tư, khả năng chinh phục được người nghe của ca khúc là không khó. Chỉ tính trong khoảng thời gian ngắn gần đây, cũng có thể kể ra một danh sách những ca khúc nhạc phim hấp dẫn, có đời sống riêng, hoàn toàn độc lập ngoài phim: "Cám ơn con" (phim "Về nhà đi con"), "Nhắm mắt thấy mùa hè" trong phim cùng tên, "Lạc nhau có phải muôn đời" trong phim "Chờ em đến ngày mai", "Ngày chưa giông bão" trong phim "Người bất tử", "Mình yêu nhau từ kiếp nào" trong phim "Ai chết giơ tay", "Mẹ ơi mai con về" trong phim "Có căn nhà nằm nghe nắng mưa", "Cánh hoa tàn" phim "Mẹ chồng", "Cô gái hôm qua" trong phim "Cô gái đến từ hôm qua" … Nếu chưa từng coi phim, hẳn khán giả yêu nhạc sẽ không thể biết những bản hit như "Để cho em khóc" của Vy Oanh, "Hẹn một mai" của Bùi Anh Tuấn, "Mai này" của Phùng Khánh Linh, "Cứ yêu đi" của Đức Phúc, "Ngồi hát đỡ buồn" của Trúc Nhân, "Xem như ta chưa từng" của Lệ Quyên,… là những ca khúc trong phim.
Nhạc phim dẫn lối khán giả
Âm nhạc hiện được xem là một trong những cách thức góp phần quảng bá và tiếp thị hiệu quả cho nhiều bộ phim trước khi ra rạp, lên sóng giúp chúng dễ dàng tiếp cận khán giả từ đầu. Phương thức này đã giúp nhiều nhà sản xuất phim gặt hái hiệu ứng quảng bá cao. Như trường hợp của bộ phim "Gái già lắm chiêu" của cặp đôi đạo diễn Bảo Nhân - Nam Cito. Không chỉ giúp cho diễn viên Lan Ngọc ra mắt cả sản phẩm MV mà bộ phim này còn có cả tour diễn từ Bắc chí Nam với sự tham gia của các diễn viên cùng với tiết mục biểu diễn giao lưu thú vị. Tung ra MV ca khúc nhạc phim có tác dụng tạo được không khí chờ đợi, nhắc nhở khán giả về bộ phim sắp ra rạp. Nhiều MV còn có sự tham gia diễn xuất minh họa của một số diễn viên trong phim nên tính hiệu quả quảng bá càng tăng.
Cảnh trong phim “Mắt biếc” ca khúc ăn khách “Có chàng trai viết lên cây”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Đạo diễn Victor Vũ là một thương hiệu và phim của anh luôn được bảo chứng chất lượng nhưng góp sức trong việc thu hút khán giả đến rạp xem "Mắt biếc" ngay từ đầu, phải kể đến sự lan tỏa của ca khúc "Có chàng trai viết lên cây" của Phan Mạnh Quỳnh sử dụng trong phim, sau khi album "Truyện ngắn" của Hà Anh Tuấn ra mắt có ca khúc này. Tất nhiên, trong ca khúc dành cho phim, Phan Mạnh Quỳnh có sửa lời đôi chỗ cho phù hợp với câu chuyện phim, tiết tấu đẩy nhanh hơn và cảm xúc tươi vui hơn.
Hay như ca khúc chính "Tâm sự tuổi 30" do chính ca sĩ Trịnh Thăng Bình sáng tác và thể hiện, dành riêng cho nhân vật Sơn Huy - vai diễn anh đảm nhiệm trong phim "Ông ngoại tuổi 30" cũng đã trở thành hit ngay cả khi "Ông ngoại tuổi 30" chưa "gây bão" màn ảnh. Hoặc ca khúc "Cả một trời thương nhớ" của Hồ Ngọc Hà góp phần đong đầy cảm xúc cho chuyện tình của các nhân vật trong phim "Cả một đời ân oán" và ca khúc "Đi tìm tình yêu" trong "Gạo nếp gạo tẻ" đã trở thành từ khóa được nhiều người tìm kiếm, đây cũng là ca khúc đoạt Giải Mai Vàng năm 2018, hạng mục Ca khúc được yêu thích nhất.
Nhiều ý kiến trong giới chuyên môn cho rằng đa phần ca khúc sáng tác cho phim, tác giả lấy cảm xúc từ câu chuyện phim nên ít nhiều có hơi thở đời sống, có số phận trong đó vì thế dễ đi vào lòng người nghe. Ca khúc phải có sự hấp dẫn tự thân để chinh phục người nghe dù là nhạc phim hay là sáng tác độc lập. Tuy nhiên, thị trường âm nhạc hiện nay đang thiếu những ca khúc sáng tác độc lập có sự hấp dẫn tự thân. "Cố tỏ ra vẻ chữ nghĩa, câu này vần với câu kia nhưng nó chỉ là hình thức bởi gắn lại thì vô nghĩa. Cái chính tôi thấy là người sáng tác đang mải chạy theo xu hướng nên không tập trung nhiều cho câu chữ. Có lẽ chúng ta không thể đòi hỏi hơn ở họ vì một tác phẩm nghệ thuật, không chỉ ở âm nhạc, muốn sâu sắc thì phải có chiêm nghiệm cuộc sống. Người sáng tác trẻ đang thiếu điều ấy"- nhạc sĩ Minh Châu khẳng định.
Trong lúc nhạc Việt đang ngày càng thiếu những ca khúc hay, đời sống âm nhạc chỉ biết trông chờ vào những ca khúc trong phim.
Nhiều ca khúc ăn khách thị trường từ nhạc phim
Vượt khỏi đời sống nhạc phim, nhiều ca khúc tồn tại vững vàng trong lòng người yêu nhạc sau đó. Trên thế giới, nhiều ca khúc nhạc phim đã tạo nên lịch sử âm nhạc và trở thành bất hủ, như: "Love Theme", "Unchained melody", "My heart will go on", "I will aways love you"... Viện phim Mỹ cũng đã lập danh sách 100 bài hát hay trong phim, công bố vào năm 2004 nhân kỷ niệm 100 năm điện ảnh. Ở Việt Nam, âm nhạc trong phim cũng đã và đang được chú trọng, tạo những dấu ấn nhất định trong lòng người yêu nhạc, nhiều bài hát trở thành ca khúc ăn khách trên thị trường âm nhạc thời gian dài: "Chị tôi", "Mong ước kỷ niệm xưa", "Lời ru cho con", "Lời chưa nói", "Giã từ dĩ vãng", "Giấc mơ tuyết trắng", "Ngôi nhà hạnh phúc", "Bỗng dưng muốn khóc", "Vệt nắng cuối trời", "Lặng thầm một tình yêu", "Cho một tình yêu", "Em kể anh nghe", "Chờ người nơi ấy"...
Bình luận (0)