Tuy nhiên, không dễ xây dựng một nhân vật phản diện điển hình, khiến khán giả vừa ghét, vừa bị thu hút, trông đợi xem thủ đoạn cũng như độ nham hiểm của nhân vật. Một số phim sa đà vào việc tạo ra cái ác nông cạn và hời hợt, khiến nhân vật phản diện trở nên thiếu thuyết phục đối với nhiều khán giả.
Nhân vật bà Ích trong phim “Cây táo nở hoa” (trái) và nhân vật dì Tư Diệu trong phim “Thương con cá rô đồng”. (Ảnh: Nhà sản xuất cung cấp)
Phim "Cây táo nở hoa" của đạo diễn Võ Thạch Thảo tiếp tục là tâm điểm tranh luận trái chiều, nhất là từ khi xuất hiện nhân vật bà Ích (Mỹ Duyên đóng). Bà Ích là mẹ của 5 anh em Ngọc (Thái Hòa đóng), Ngà (Trương Thế Vinh đóng), Châu (Thúy Ngân đóng), Báu (Nhã Phương đóng), Dư (Song Luân đóng). Tuy nhiên, bà đã bỏ rơi các con từ nhỏ và sau khi đột ngột quay lại bà bộc lộ tính cách thông qua một loạt hành vi trơ trẽn, độc ác như bòn tiền từ Ngọc, lấy hết tiền mừng cưới của con gái Châu…
Đây được xem là hình mẫu của nhân vật phản diện hời hợt, đầy vô lý, bị khán giả chỉ trích nhiều hơn là tán thưởng. Họ bình luận: "Tôi thấy không có người mẹ nào như bà Ích, một nhân vật vô lý, ác kiểu bất chấp, không hay"; "Tôi đã ngừng xem khi nhân vật bà Ích xuất hiện. Tôi thấy chẳng ai trên đời này có lối hành xử độc ác kiểu thế với các con mình cả!", "Nhân vật phản diện nông cạn, bất chấp đến vô lý, không thể chấp nhận được"…
Nhân vật dì Tư Diệu do NSƯT Hạnh Thúy thể hiện trong phim "Thương con cá rô đồng" của đạo diễn Hoàng Tuấn Cường cũng bị phản ứng. Dì Tư Diệu hành hạ, đánh đập các cháu côi cút của mình một cách khó có được sự cảm thông, không hợp với lẽ thường.
Có thể kể thêm một số nhân vật phản diện trên màn ảnh nhỏ không đủ thuyết phục, như Tiểu Liên (Ngô Phương Anh đóng) trong phim "Chống lại số phận"; Lan Chi (Nhật Hạ đóng) trong phim "Yêu trong đau thương"; Nhã (Quỳnh Nga đóng) trong phim "Về nhà đi con"… Trong khi đó, số lượng nhân vật phản diện được khán giả khen ngợi chỉ đếm trên đầu ngón tay, như nhân vật Mai Hồng Vũ do Việt Anh thể hiện trong phim "Sinh tử", Phong do Mạnh Trường thể hiện trong phim "Tình yêu và tham vọng"…
Một bộ phim luôn phải có nhân vật phản diện bên cạnh chính diện để tạo kịch tính, tăng sức hấp dẫn cho câu chuyện, thu hút khán giả. Vì thế, đã đến lúc xây dựng nhân vật phản diện có nội dung, có chiều sâu với đầy đủ nhân - quả, cội nguồn của bản tính và cách hành xử độc ác.
"Xây dựng nhân vật phản diện tạo được dấu ấn trong lòng khán giả không dễ dàng! Cái ác không phải lúc nào cũng thể hiện bề nổi mới thu hút mà cần sự che giấu, thủ đoạn; cái ác ẩn hình bên trong được bóc tách dần theo mạch phim sẽ tạo được sự thu hút hơn. Nếu xử lý khéo léo, nhân vật phản diện cũng có sức hút không kém chính diện" - biên kịch Đông Hoa nhận định.
Bình luận (0)