Bắt đầu từ năm 1931, Georges Simenon hạ bút viết cuốn tiểu thuyết "Hành khách bí ẩn" (Nguyễn Thị Tươi dịch, Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn ấn hành 2019) mở đầu cho sự xuất hiện của một nhân vật rồi sẽ trở thành bất tử: Thanh tra lừng danh Maigret.
Nhân vật kinh điển
Tiểu thuyết "Hành khách bí ẩn" mở đầu bằng cảnh truy đuổi nghẹt thở theo dấu vết Pietre người Latvia, tay lừa đảo siêu hạng. Những tưởng cuốn truyện trinh thám sẽ khép lại dễ dàng nhưng câu chuyện đột ngột rẽ ngoặt sang hướng khác, khi Pietre ngày càng giống một bóng ma lẩn khuất thu hút quanh y những bí ẩn khó tìm lời giải.
Cuốn sách “Hành khách bí ẩn” của Georges Simenon xuất bản tại Việt Nam
Maigret được mô tả là người đàn ông có đôi vai rộng, cộc cằn nhưng kiên nhẫn và công bằng, đi ra từ cái màn sương mù ấy. Lần mò theo từng manh mối, thậm chí giả trang (chuyện không phải ông mới làm lần đầu) để tiếp cận theo dõi đối tượng. Khác với nhân vật của Christie và Doyle, Maigret của Georges Simenon là một thanh tra cảnh sát chính hiệu. Ông là người đại diện cho pháp luật của nhà nước, những biện pháp của ông là chính thống, các kỹ thuật nghiệp vụ truy đuổi tội phạm của ông không vượt ra ngoài những quy định của cảnh sát, ấy vậy mà kết thúc của "Hành khách bí ẩn" khiến ta phải sốc. Giống như bất kỳ cảnh sát viên nào khác, Maigret đã ứng dụng nhân trắc học, hay các biện pháp tâm lý để thẩm vấn. Xa hơn nữa, bằng bản năng và sự nhạy bén, ông đã nhìn ra được những biểu hiện nhỏ nhoi để phát hiện ra kẻ giả trang, kẻ không chỉ đánh cắp nhân dạng mà còn muốn sống một cuộc đời khác ngoài cuộc sống của mình.
Pietre là ai? Một người lang thang, một thủy thủ, một doanh nhân, một xác chết? Y là người Nga, người Na Uy, người Mỹ hay người Latvia? Chính sự dày công xoắn bện của Simenon đã khiến cho quyển tiểu thuyết mỏng manh này buộc người đọc phải chăm chú dõi theo, để không lạc lối trong những cuộc đánh tráo căn cước thậm chí đánh cướp bản ngã.
Theo chân Maigret, thoạt tiên, ta đi tìm một kẻ lừa đảo, rồi đến kẻ sát nhân và cuối cùng là một con người khốn khổ luôn khao khát được sống như là chính mình chứ không phải một loài ký sinh phụ thuộc vào đời sống của kẻ khác.
Ảnh hưởng toàn quốc tế
Từ lúc được khai sinh, nhân vật thanh tra Maigret đã có khởi đầu thuận lợi. Cho đến nay, riêng "Hành khách bí ẩn" đã được dịch ra tiếng Anh 3 lần. Toàn bộ xê-ri "thanh tra Maigret" được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Kết thúc bằng "Maigret và quý bà Charles" năm 1972, trải qua hơn 40 năm. Maigret đi từ trí tưởng tượng bộc phát lúc Simenon đang ngồi trên thuyền đến một hình tượng văn hóa đại chúng có sức ảnh hưởng toàn cầu. Từ điện ảnh, truyền hình, truyện tranh như một cách nối dài sinh mệnh văn học của tác phẩm.
Sớm nhất, từ năm 1932, nhân vật thanh tra Maigret đã hiện diện trên màn ảnh rộng. Cùng với sự phát triển của ngành truyền hình, ông đã có vô số hóa thân khác nhau trên màn ảnh nhỏ. Ông đã được khắc họa bởi các diễn viên Pháp, Anh, Ireland, Áo, Đức, Ý, Hà Lan, Nhật Bản và Nga. Ở mỗi nước, các nhà làm phim cố gắng bản địa hóa nhân vật Maigret. Như tại Nhật Bản, Kinya Aikawa đóng vai Megure, một thanh tra người Nhật Bản tương đương với Maigret của Pháp, trong một bối cảnh hiện đại (năm 1978) ở Tokyo. Thậm chí diễn viên Sato Tomomi đóng vai vợ của Megure, được chính Simenon khen ngợi là "bà Maigret giỏi nhất".
Vào thập niên 1970, nhân vật Maigret xuất hiện trong những bộ phim do chính Liên Xô thực hiện với sự tham gia của nhiều diễn viên nổi tiếng của điện ảnh Xô Viết thời bấy giờ, trong đó phải kể đến sự hóa thân của huyền thoại điện ảnh Armen Dzhigarkhanyan trong vai chính.
Trong suốt thập niên từ 1992 đến 2002, Maigret xuất hiện trong một chương trình 45 phút trên đài BBC. Mỗi tiểu phẩm thường bắt đầu bằng việc nhân vật Maigret và nhân vật nhà văn Simenon trò chuyện với nhau về một sự kiện để làm cớ cho Maigret kể lại câu chuyện cụ thể và thi thoảng Simenon sẽ đặt câu hỏi hoặc bình luận. Gần đây, vai thanh tra Maigret do Rowan Atkinson, danh hài người Anh nổi tiếng với nhân vật "Mr. Bean", đóng trong một bộ phim truyền hình vào các năm 2016 và 2017.
Ta còn có thể tìm thấy dấu vết ảnh hưởng từ nhân vật thanh tra của Simenon trong truyện tranh, không chỉ ở Pháp mà còn trong bộ manga nổi tiếng của Gosho Aoyama (Nhật Bản), "Thám tử lừng danh Conan", nhân vật thanh tra Juzo Megure được xây dựng dựa trên ngoại hình của Maigret, trong tiếng Nhật "Megure" và "Maigret" có cách phát âm tương tự.
"Tiểu thuyết gia xác tín nhất của nền văn học ngày nay"
Georges Simenon (1903-1989) là nhà văn người Bỉ viết tiếng Pháp có sách bán chạy thứ 3 mọi thời đại chỉ sau Jules Verne và Alexandre Dumas. Con số tác phẩm của ông lên đến hàng ngàn, bao gồm tiểu thuyết và truyện ngắn được viết bằng tên thật hay ký dưới nhiều bút danh khác nhau.
Trung bình ông có thể viết từ 60 đến 80 trang văn mỗi ngày, mất hơn một tuần để hoàn tất một tiểu thuyết. Chính tốc độ làm việc kinh khủng này, ông đã sản sinh một khối lượng tác phẩm đồ sộ. Simenon thường bị đánh giá thấp, nhiều nhà phê bình cho rằng ông chỉ là nhà văn giải trí với những tác phẩm viết nhanh. Tuy vậy, Simenon được cho là ứng cử viên của giải Nobel Văn chương trong nhiều năm liền, chính văn hào André Gide, chủ nhân Nobel năm 1947, đã gọi ông là: "Tiểu thuyết gia xác tín nhất của nền văn học ngày nay".
Tháng 9 vừa qua, thế giới kỷ niệm 30 năm ngày mất của ông.
Bình luận (0)