Cách đây hơn một năm, trong thư ngỏ vận động người dân Huế mặc áo dài, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, nói rằng từ lâu, áo dài đã trở thành biểu tượng trang phục của phụ nữ Huế, tạo thành nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu cho vẻ duyên dáng của phụ nữ cố đô. Một biểu tượng trang phục đẹp, đặc trưng như thế đã dần phai nhạt theo thời gian một cách đáng tiếc.
Tự hào nét đặc trưng của văn hóa Huế
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Thừa Thiên - Huế, khẳng định Huế là chiếc nôi khai sinh áo dài Việt Nam. Áo dài Huế xuất hiện dưới thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát vào những năm 1740 và trở thành trang phục chính thức của cả nam giới lẫn nữ giới ở vùng đất Đàng Trong. "Huế là người mẹ đã sản sinh và nuôi dưỡng chiếc áo dài Việt Nam. Áo dài cũng từng góp phần tạo nên nét đặc trưng của văn hóa Huế" - ông Hoa nói.
Áo dài Huế trong cuộc thi Nét đẹp giáo viên
Theo ông Hoa, ở các vùng miền trong nước, áo dài thường là lễ phục, riêng Huế thì áo dài vừa là một phần trong lễ phục vừa là y phục thường ngày.
Ông Nguyễn Xuân Hoa khẳng định áo dài Huế vẫn đang đứng trước những xu hướng cách tân nên chắc chắn sẽ không có một mẫu áo dài nào bất biến, càng không có một mẫu áo dài chỉ dành riêng cho Huế. Tuy nhiên, phần đông phụ nữ Huế vẫn hướng đến những kiểu dáng mà giá trị đã được sàng lọc qua thời gian.
Bao giờ trở lại "thuở vàng son"?
Tự hào đến như thế nhưng do biến chuyển của lịch sử, một thời gian dài áo dài xứ Huế không còn được đa phần người dân xứ Huế mặc như y phục trong sinh hoạt hằng ngày. Hình ảnh áo dài xứ Huế vì thế ít nhiều phai nhạt trong ký ức người Huế và cả du khách khi đến đất thần kinh.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế trong những năm qua đã nhận thức được hình ảnh áo dài gắn liền với văn hóa Huế nên đã có rất nhiều chương trình tôn vinh áo dài như tại các kỳ Festival Huế. Nhằm hồi sinh loại trang phục này, chính quyền địa phương đã khuyến khích nữ cán bộ, công chức, người lao động, nữ sinh... mặc áo dài vào thứ hai đầu tuần tại trường học, nơi làm việc. Hay gần nhất, dịp ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, Thừa Thiên - Huế đã quyết định miễn vé cho phụ nữ mặc áo dài khi vào tham quan quần thể di tích cố đô Huế.
Phụ nữ Huế hôm nay xinh tươi trong tà áo dài xuống phố
Mới đây, để tìm cơ hội trở lại "thuở vàng son", Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức hội thảo "Phát huy giá trị văn hóa Huế trong xây dựng thương hiệu áo dài Huế". Ông Phan Ngọc Thọ đã "đặt hàng" cho các đại biểu làm sao để áo dài trở thành sản phẩm du lịch nổi tiếng của địa phương, để nghề may áo dài được tôn vinh. "Áo dài phải trở thành sản phẩm thủ công có giá trị thương hiệu cao. Áo dài là niềm tự hào của một vùng đất mà bất cứ ai, mọi du khách khi đến Huế phải cảm nhận được món quà có ý nghĩa này" - ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.
Ông Lê Đăng Thọ, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC), cho rằng địa phương cần thiết đăng ký bảo hộ và phát triển nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm này. Qua đó, sẽ mở ra cơ hội cho Hiệp hội Áo dài Huế tiếp cận với các nhà tạo mẫu danh tiếng trên thế giới để chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, mang lại lợi ích to lớn về kinh tế và quảng bá thương hiệu du lịch Huế.
Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang gợi ý nếu xây dựng thương hiệu áo dài Huế, cần thiết tham khảo, soi chiếu các tiêu chí đánh giá quốc tế về giá trị truyền thống, lịch sử và di sản, nghệ thuật và văn hóa địa phương... Dựa trên hệ thống tiêu chí đánh giá chung này, tập thể nhóm quản lý thương hiệu sản phẩm sẽ so sánh đối chiếu về khả năng nâng cao giá trị cho thương hiệu thông qua từng tiêu chí, từ đó định hướng cho các chiến lược phát triển.
Ông Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia tại Huế, cho rằng cần xây dựng trung tâm lễ phục truyền thống Huế nhằm phát huy giá trị đặc trưng áo dài Huế. Trung tâm như một tổ hợp với nhiều cấu trúc không gian khác nhau, bao gồm lễ tân, bảo tàng, trưng bày, giới thiệu, sản xuất và mua bán sản phẩm để phục vụ du khách.
Theo ông Hằng, trung tâm này đáp ứng được nhu cầu nhiều mặt của du khách về tham quan, mua sắm, thực hành, trải nghiệm học nghề... bảo đảm cho khách hàng có được sự yên tâm và hài lòng. "Xã hội hóa là phương thức hữu hiệu để các doanh nghiệp tư nhân yên tâm, có điều kiện đầu tư xây dựng nên những không gian, địa chỉ văn hóa du lịch như trung tâm lễ phục truyền thống Huế. Năng động, hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp tụ hội những bàn tay vàng của các nghệ nhân, nghệ sĩ để phát huy giá trị, đưa di sản văn hóa lễ phục truyền thống Huế thành sản phẩm du lịch độc đáo và đặc trưng" - ông Hằng nhấn mạnh.
Tạo lập nhãn hiệu tập thể "Áo dài Huế"
Ông Trần Quốc Thắng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết UBND TP Huế đang thực hiện đề án Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể "Áo dài Huế" cho sản phẩm áo dài tỉnh Thừa Thiên - Huế. Mục tiêu đề án nhằm làm rõ đặc trưng của áo dài Huế; tạo lập, bảo hộ được nhãn hiệu tập thể; xây dựng được hệ thống công cụ phục vụ quản lý, sử dụng, tuyên truyền và quảng bá nhãn hiệu tập thể "Áo dài Huế". Đồng thời xây dựng được mô hình tổ chức, quản lý và khai thác nhãn hiệu này trong thực tế.
Theo ông Thắng, đề án sau khi trình hội đồng khoa học xem xét đã được các chuyên gia góp ý nhằm hoàn thiện hơn. "TP Huế đang hoàn chỉnh lại đề án. Dự kiến trong thời gian tới, chúng tôi sẽ gửi hồ sơ ra Cục Sở hữu trí tuệ của Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, công nhận nhãn hiệu tập thể. Sau đó, giai đoạn tiếp theo, chúng tôi sẽ xây dựng các kế hoạch, chương trình cụ thể để phát huy giá trị áo dài Huế" - ông Thắng cho biết.
Kỳ tới: Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nói gì?
Bình luận (0)