Một số đạo diễn đã tất bật đi chọn cảnh quay, chuẩn bị khâu tiền kỳ thật kỹ cho dự án kế tiếp. Gần như các đoàn phim đều trở lại hoạt động, tạo nên sự sôi động, tất bật sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Trở lại bình thường
Sau Tết, nhiều đoàn phim đã lần lượt khai máy, như "Duyên kiếp" (đạo diễn Chu Thiện), "Giấc mơ của mẹ" (đạo diễn Nguyễn Minh Chung)... Tiếp đó là đoàn phim "Hoa sơn trà", phim sit-com (hài tình huống) "Khi mẹ ra tay"… Một số đoàn phim khác thì rốt ráo thực hiện hậu kỳ cho phim đã quay xong để chuẩn bị phát sóng theo đúng lịch đã ấn định với đài truyền hình.
Một cảnh trong phim truyền hình “Duyên kiếp” (Ảnh: PHẠM THIẾT MẪN)
"Mọi công việc đã trở lại bình thường. Các đoàn phim ra quân rầm rộ, có đoàn làm web-drama (phim chiếu mạng), nơi thì thực hiện sit-com, nơi quay phim truyền hình dài hay bấm máy phim điện ảnh. Tôi không thể đưa ra con số thống kê bao nhiêu đoàn đang quay nhưng có thể thấy được không khí rộn ràng, tất bật. Rất khó tìm được nhân sự ở thời điểm này bởi tất cả đều bận rộn" - NSƯT - đạo diễn Nguyễn Phương Điền cho biết.
Theo đạo diễn Nguyễn Phương Điền, anh đang đi chọn bối cảnh cho phim "Thời mở cửa", dự kiến dài 60 tập. Phim này tái hiện những năm 1975-1990 nên sẽ phải dựng nhiều cảnh trí. Đạo diễn Nguyễn Phương Điền đã quay ở Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp và sắp tới sẽ đi Tây Ninh. Sau khi đi khảo sát bối cảnh về, anh cùng ê-kíp sẽ chọn lọc và có kế hoạch quay phù hợp, dự kiến bấm máy vào đầu tháng 4-2022.
Nhà biên kịch Đông Hoa lạc quan: "Tôi thấy phim truyền hình Việt, nhất là phía Nam, đã trở lại bình thường. Dịch bệnh vẫn còn nhưng mọi người không quá lo ngại, tất cả đều mang tâm trạng phấn khởi, tất bật sau thời gian dài bị đình trệ do giãn cách xã hội. Những dự án tồn đọng đều đã tái khởi động".
Đạo diễn Xuân Phước cho biết diễn viên ai cũng mong được ra trường quay, có sản phẩm để phục vụ khán giả và có thu nhập. Tất cả mọi sự dồn nén, háo hức đều gần như được "bung ra". Nếu ở giai đoạn đầu sau khi nới lỏng giãn cách, đâu đó còn có sự lo ngại thì nay, mọi việc đã trở lại bình thường.
"Chúng tôi nghỉ Tết khá muộn và trở lại trường quay sớm trong năm Nhâm Dần. Do thời gian dịch bệnh bùng phát đã nghỉ khá nhiều nên khi trở lại trường quay, tất cả đều mong được làm việc, được cống hiến và các đoàn phim cũng tất bật cho kịp lịch trình đã định" - diễn viên - NSƯT Hạnh Thúy nhấn mạnh.
Tập trung vào chất lượng
Năm 2022 được dự đoán là năm bùng nổ của những tác phẩm chiếu trên mạng, phim bộ độc quyền trên các nền tảng thu phí hoặc truyền hình trả tiền. Trước đó, một số dự án đã công bố và được khán giả mong chờ như "Trại hoa đỏ" (đạo diễn Victor Vũ), "Người tình muôn mặt" (đạo diễn Thái Trình), "Container 39" (đạo diễn Trần Kamy - Trần Toàn)…
Đây sẽ là sự cạnh tranh không nhỏ với phim truyền hình dù mỗi loại hình đều có lợi thế riêng. Người trong giới cho rằng ngày càng nhiều chủ đề được khai thác khác nhau thì phim sẽ càng đa dạng và khán giả là người hưởng lợi. Họ sẽ có nhiều sự lựa chọn và chủ động trong sự lựa chọn của mình. Nhà sản xuất buộc phải cố gắng, ngày càng nỗ lực để sản phẩm của mình tốt hơn, chất lượng hơn để thu hút khán giả.
Theo đạo diễn Xuân Phước, trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, khán giả đã xem nhiều phim truyền hình, phim trên các nền tảng mạng khác nhau và có sự so sánh các phim Việt với nhau, phim Việt với phim nước ngoài. Đây cũng là động lực buộc phim truyền hình Việt phải nâng cấp, tập trung vào chất lượng hơn.
"Hiện nay, nhà sản xuất nào cũng cố gắng đầu tư cho sản phẩm của mình bởi hiểu rõ chất lượng luôn là yếu tố hàng đầu. Các đoàn phim đều quay bằng máy 4K để có được hình ảnh đẹp, những khâu khác cũng đều tăng sự đầu tư nhằm nâng chất lượng tác phẩm" - đạo diễn Xuân Phước nhìn nhận.
Theo nhà biên kịch Thanh Hương, phim truyền hình có lợi thế về khung giờ phát sóng cố định, khán giả có thể theo dõi từng tập theo thói quen. Trong khi đó, phim trên nền tảng mạng dễ thu hút người trẻ, vì thế các chủ đề sẽ tập trung nhiều hơn vào đối tượng này. Sự cạnh tranh là có nhưng hiện tại, mỗi bên đều có thị phần riêng.
Trong thời gian dịch bệnh, nhà sản xuất đối mặt nhiều khó khăn. Vì thế, sau khi trở lại thì các khâu đều phải chọn lọc rất kỹ, chất lượng được đặt lên hàng đầu. Nếu tác phẩm không được đầu tư chu đáo, khán giả sẽ quay lưng vì họ có quá nhiều lựa chọn, do vậy nhà sản xuất càng phải cẩn trọng.
Bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc điều hành Tổ hợp Giải trí và truyền thông Mega GS, khẳng định nhà sản xuất phim truyền hình hiện nay rất kỹ lưỡng, thận trọng trong việc chọn lựa dự án đầu tư. Bởi lẽ, họ muốn mang đến cho khán giả sản phẩm tốt nhất.
Sự rộn rã, tất bật đầu năm của phim truyền hình có thể nói là tín hiệu tốt cho sự phát triển trở lại sau giai đoạn dịch bệnh, bước vào thời kỳ bình thường mới.
Bình luận (0)