Đây là tín hiệu vui cho thấy thị trường phim Việt đang dần hồi phục, nhất là sau khi các rạp tại TP Hà Nội được phép hoạt động lại từ ngày 10-2.
Theo thông tin từ Box Office Việt Nam - trang thống kê phòng vé độc lập, có sai số nhất định, mang tính tham khảo - tính đến sáng 13-2, "Chuyện ma gần nhà" đã đạt doanh thu hơn 30 tỉ đồng. Nếu tiếp tục giữ vững "phong độ", tác phẩm thuộc thể loại kinh dị này sẽ là nguồn động viên lớn cho các nhà sản xuất phim Việt tin tưởng hơn vào thị trường, không còn quá lo ngại khi chuẩn bị ra rạp sau mùa phim Tết Nhâm Dần kém vui.
"Chuyện ma gần nhà" có dàn diễn viên diễn xuất tốt, lột tả được nhân vật mình thể hiện; hóa trang và bối cảnh được đầu tư chăm chút, góp phần tạo hiệu ứng hình ảnh cho phim. Sự dẫn dắt tự nhiên, đan xen giữa chuyện kể và thực tế cũng giúp phim này không gượng gạo.
Phim “Chuyện ma gần nhà” đang gặt hái doanh thu khả quan (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Trước đó, nhiều phim kinh dị Việt từng khiến khán giả mê thể loại này thất vọng, hụt hẫng bởi đi theo lối mòn - cái kết cố gắng khẳng định không có yếu tố ma mị trong toàn bộ câu chuyện để qua được khâu kiểm duyệt. Dần dần, định kiến đối với phim kinh dị, ma mị Việt hình thành - là phim ma nhưng không có ma, tất cả chỉ là ảo tưởng của nhân vật.
Tuy nhiên, "Chuyện ma gần nhà" đã phần nào làm giảm bớt định kiến trên và cũng là một bước mới hơn cho thấy Cục Điện ảnh dần "cởi trói" cho thể loại này. Ngay cả đạo diễn Trần Hữu Tấn cũng rất ngạc nhiên. Anh bày tỏ: "Tôi gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc đến Cục Điện ảnh vì đã ủng hộ, tạo điều kiện rất tốt cho tác phẩm "Chuyện ma gần nhà" ra rạp trọn vẹn, không bị cắt phân đoạn nào. Tôi rất vui vì điều đó".
Nhiều người trong giới cho rằng đây là một động lực không nhỏ với những nhà làm phim chuyên thể loại kinh dị. Điều này cho phép họ không phải quá lo ngại, tìm kiếm nhiều cái kết khác nhau cho những tác phẩm ấp ủ của mình.
Người làm nghệ thuật bao giờ cũng hiểu rõ tác phẩm của mình phải hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ, nhất là trong thời điểm thị hiếu khán giả ngày càng cao, nhận thức ngày càng tinh tế. Nếu tác phẩm làm ra chỉ với chiêu trò, cố tình lợi dụng các cảnh gây kinh sợ quá đà đến phản cảm nhằm tạo sự tò mò thì sẽ khó được cơ quan chức năng thông qua hoặc thuyết phục khán giả.
Bình luận (0)