Họa hoằn lắm chỉ mấy dịp mùa gặt lúa, hay những khi nhà có giỗ hoặc Tết thì gia đình mới không phải ăn cơm độn. Bữa cơm cũng vẫn chỉ rau, cà muối mắm hoặc sang lắm là có bát canh cua đồng nấu rau tập tàng hái ngoài ruộng, hay tô tép kho dưa cải muối chua mà chị em tôi phụ giúp gia đình ra đồng tát vét, mò bắt.
Trong các thứ lương thực dùng để độn lẫn khi nấu cơm là sắn (khoai mì), khoai lang, khoai tây thì ngô (bắp) là thứ tôi không cảm thấy ngán nhất. Riêng ngô thường được chế biến làm 3 kiểu trước khi mang trộn lẫn với gạo để nấu cơm, đó là ngô xay, ngô bung và bột ngô.
Ngô (bắp) thường được chế biến thành ngô xay, ngô bung và bột ngô (Ảnh minh họa từ Internet)
Ngô xay bằng cối đá cho hạt tách ra làm 4 - 5 mảnh nhỏ để khi nấu cùng với gạo sẽ nhanh chín. Ngô bung thì trước khi ghế lẫn vào với nồi cơm được cho vào hũ sành và bung mềm lên. Với bột ngô được nghiền hay giã bằng cối đá cho nhuyễn, mịn màng dùng để hấp cơm, trước đó phải nhào nước cho ướt trong đó kèm thêm mấy hạt muối cho đậm đà, rồi đợi nồi cơm cạn nước là nặn bánh hình tròn, dẹt xếp từng lớp lên trên.
Khi cơm chín thì những chiếc bánh bột ngô cũng vừa chín. Trong 3 kiểu cách chế biến của món ngô ấy thì có lẽ ngô bung là tôi khoái hơn cả bởi vì khi ngô được bung qua một lửa, hạt nở to, mềm dẻo mà vẫn giữ được vị ngọt của tinh bột.
Những hôm cơm có cháy dưới đáy nồi gang do đun rơm quá lửa, tôi luôn là người đòi bố lấy thìa cạy cho một bát cháy, vì những hạt ngô lẫn gạo cháy vàng rộm ăn giòn tan. Món cơm cháy lẫn ngô bung chấm tương cũng khá ngon, nó không tạo cảm giác ứ tận cổ vì ngán như ăn cơm độn với sắn, với khoai, nhất là khoai lang!
Khi ấy, tối nào trước khi đi ngủ mẹ cũng là người đảm nhận việc bung ngô - công việc bao nhiêu năm của mẹ để lo cho gia đình nghèo khó này. Chính vì vậy, kỹ thuật bung ngô của mẹ đạt đến độ siêu hạng. Ngô được vo rửa sạch bụi bẩn rồi mang bỏ vào hũ sành có phần cổ thu nhỏ chỉ đậy vừa cái bát ăn cơm.
Mẹ thường bung 2 bát con ngô hạt là đầy hũ. Cả ngô và nước sạch luôn đến nửa hũ thì khi ngô chín đầy là vừa. Chẳng vậy mà khi mẹ bận việc gì đó hoặc những khi vắng nhà, tôi vẫn thường làm thay và áp dụng đúng như lời mẹ dặn để ngô không bị sống vì thiếu nước hoặc hạt ngô không bị nhão nát vì thừa nước. Bung ngô thật ra không dễ chút nào, nếu không tìm hiểu và học hỏi thì cũng khó lòng làm được.
Để bung được ngô thì tro bếp phải có nhiều (tro đun bằng rơm rạ), bởi tro bếp là phần sẽ được phủ ở bên ngoài để giữ lửa cho hũ ngô sôi và chín. Hố tro bung ngô luôn được khơi sâu xuống. Trước khi đặt hũ ngô phải rắc một lượt trấu dày (vỏ thóc) ở phía dưới. Đặt hũ ngô lên trên, xung quanh hũ được bao một lớp rơm cuộn tròn. Rơm phải đủ nhiều đến kín gần hết miệng hũ để ngô đủ độ chín.
Miệng hũ được úp bằng chiếc bát tô để tro bếp không tràn vào hũ ngô, bên trên đít bát chặn bằng hòn gạch nặng để khi hũ ngô sôi bát không bị đẩy lên làm rơi tro bếp vào. Khi đã xong xuôi, châm lửa làm mồi để vòng rơm xung quanh hũ ngô cháy.
Đợi lửa bén được một lúc, đủ cho than hồng có thể âm ỉ lây lan sang các phần rơm rạ chưa cháy hết thì gạt tro bếp phủ kín phần rơm rạ xung quanh và kín cả cái bát tô trên đỉnh hũ. Tro phủ càng dày, càng kín thì lửa càng âm ỉ lâu và như vậy hũ ngô sẽ đủ nhiệt để chín.
Xa thời nghèo khó với cơm độn đã lâu, xa hũ ngô bung của mẹ suốt một quãng thời gian dài nhưng hầu như chẳng bao giờ tôi quên được, luôn coi đó là kỷ niệm và nhắc nhủ mình phải biết phấn đấu vươn lên từ gian khó. Cũng như mẹ đấy thôi, chỉ bằng sự tảo tần lam lũ với khoai, sắn, tương, cà, rau, muối và những hũ ngô bung, vậy mà cũng nuôi nổi 5 anh chị em chúng tôi đủ khôn lớn, học hành nên người…
Bình luận (0)