Thông tin nhóm nhạc nữ gồm 48 thành viên mang tên SGO48, phiên bản của nhóm hát nổi tiếng nhất Nhật Bản hiện nay, AKB48, sẽ ra mắt ở thị trường Việt Nam vào cuối năm nay, gây chú ý với người trong giới và công chúng những ngày qua. Sự kiện này bước đầu tạo được hiệu ứng trên truyền thông nhưng không ít người trong giới e ngại cho sự tồn tại của một nhóm nhạc đông thành viên.
Nhượng quyền thương hiệu?
Dự án nhóm hát SGO48 với 48 thành viên, do 3 đơn vị đầu tư là Tập đoàn Yeah1, Công ty AKS (công ty quản lý điều hành nhóm nhạc nữ đình đám của Nhật Bản AKB48) và Công ty Geo Brain (công ty xúc tiến việc triển khai hoạt động hải ngoại cho các doanh nghiệp tại Nhật Bản và các nước trong khu vực ASEAN), đang tổ chức các buổi tuyển chọn để tìm kiếm thành viên. Trước khi ra mắt nhóm hát SGO48, nhóm hát gốc là AKB48 của Nhật Bản sẽ tấn công vào thị trường Việt Nam.
Nhóm hát AKB48 của Nhật Bản sẽ có phiên bản tại Việt Nam. (Ảnh do AKS cung cấp)
Trước sự e dè của giới truyền thông về một nhóm hát quá đông thành viên sẽ khó lòng tồn tại, đại diện Công ty AKS tự tin cho rằng SGO48 là bản sao của AKB48, giống như các nhóm hát phiên bản khác của AKB48 ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á: JKT48 tại Jakarta (Indonesia), BNK48 tại Bangkok (Thái Lan), TPE48 tại Taipei (Đài Loan), MNL48 tại Philippines, AKB48 Team SH tại Thượng Hải (Trung Quốc), MUM48 tại Mumbai (Ấn Độ). "Không phải tự nhiên mà chúng tôi liên tục thành lập các phiên bản của AKSB48 ở nhiều nơi ngoài Nhật Bản. Ít nhiều gặt hái thành công và đó là lý do chúng tôi đến Việt Nam trong năm nay" - đại diện Công ty AKS bày tỏ. Vị này cũng cho biết ngay tại thị trường Nhật Bản, AKBS48 cũng có 6 phiên bản ở các tỉnh: SKE48 ở Nagoya, NMB48 ở Osaka, HKT48 ở Fukuoka, NGT48 ở Niigata và STU48 ở Settouchi.
Đẻ dễ, nuôi khó
Một nhóm hát đông thành viên không lạ ở thị trường nhạc Việt. Dù bằng nửa hay 1/3 thành viên so với nhóm hát 48 người nhưng nhóm Soul Clubs với 25 thành viên của ca - nhạc sĩ Thanh Bùi hay nhóm nhạc P336 do Công ty MBC Entertainment thành lập cũng đã hoạt động nhiều năm nay và đang nỗ lực tìm chỗ đứng trên thị trường. Nhưng xem ra cả 2 nhóm đang có nguy cơ khó đi được đường dài.
Ca sĩ Bảo Lan - thành viên nhóm hát 5 Dòng Kẻ - nói: "Nhóm hát chỉ có 4-5 thành viên thôi còn khó tồn tại nói chi một nhóm hát vài chục thành viên. Chưa kể yếu tố chuyên môn, một nhóm hát mà không tỏ rõ ưu thế chuyên môn thì khó chinh phục công chúng". Theo Bảo Lan, với một nhóm hát lên đến vài chục thành viên, nó giống như một dàn đồng ca. Như thế thì khó để tạo nên nét đặc biệt của nhóm ngoài lượng thành viên "khủng".
Thế nhưng, điều khiến người trong giới lo ngại chính là việc nhóm hát bình thường hiện nay đã không có sô diễn thì một nhóm hát đông người như thế sẽ diễn ở đâu. Thực tế cho thấy, thị trường nhạc Việt hiện không đủ sức nuôi dưỡng nhóm hát, nhiều nhóm đã tan rã vì thiếu sô diễn. Chi phí đầu tư cho nhóm tăng lên theo số lượng thành viên trong khi doanh thu của nhóm luôn ít hơn một giọng ca solo. Thu không đủ bù chi khiến nhiều bầu sô hay công ty đầu tư nhóm hát phải bỏ cuộc.
Phương thức hoạt động của nhóm hát đông thành viên là chia thành nhóm nhỏ cho phù hợp với nhiều chương trình có quy mô trình diễn và nhu cầu khác nhau của nhà tổ chức, như cách của nhóm P336. Nhưng ngay cả như thế thì hiệu quả có được cũng không nhiều. Minh chứng là nhóm hát P336 với 12 thành viên, sau bao năm ra mắt, vẫn chưa tạo nhiều ấn tượng vì mỗi thành viên đều bận rộn với game show nhiều hơn là gắn kết nhau qua dự án âm nhạc. Nhóm (chia nhỏ) cũng không có nhiều buổi diễn. Điều này khiến P336 xa dần công chúng. Trường hợp tương tự là nhóm Soul Clubs. Nhóm hát này không có nhiều cơ hội đi biểu diễn bên ngoài, lâu lâu mới có một sản phẩm âm nhạc được giới thiệu nên công chúng ít có điều kiện nhớ đến.
"Đào tạo và quản lý nghệ sĩ luôn là công việc khó bởi những đặc trưng của nó. Ở Việt Nam, công việc này còn khó khăn hơn do rất nhiều yếu tố liên quan đến thói quen sinh hoạt, nhận thức, cách ứng xử… của cả nghệ sĩ lẫn đơn vị quản lý. Với P336, các thành viên hầu hết đều còn ở tuổi vị thành niên nên sự khó khăn đó còn nhân lên vì phải phụ thuộc vào cha mẹ các em, phụ thuộc ngay cả ý chí theo đuổi nghệ thuật của từng thành viên" - Giám đốc truyền thông MBC Entertainment, Dương Thị Vân Anh, cho biết.
Đây chính là lý do, dù mô hình nhóm nhạc đông thành viên có thể gặt hái nhiều thành tựu ở các thị trường âm nhạc khác trong khu vực nhưng chưa chắc thành công ở thị trường Việt Nam khi có quá nhiều yếu tố chi phối từ khách quan đến chủ quan.
Nhóm hát có nhà hát riêng
Sau gần 10 năm ra mắt, AKB48 (do nhạc sĩ nổi tiếng của Nhật Bản Yasushi Akimoto thành lập vào năm 2005) đang được xem là "nhóm nhạc thần tượng quốc dân" bởi được sự yêu mến và là niềm tự hào của khán giả Nhật Bản. Ngoài việc phát hành các bài hát đơn, các album nhạc, nhóm hát này còn có một nhà hát riêng, có các sự kiện "tổng tuyển cử" - dựa vào sự bình chọn của người hâm mộ thông qua các ca khúc đã trình bày để chọn ra thành viên ưu tú, có các hoạt động gặp gỡ giao lưu với người hâm mộ … Tất cả hoạt động này giúp cho nhóm tạo ra lượng người hâm mộ đông trong suốt chặng đường phát triển.
Tính đến tháng 6-2018, AKB48 đã phát hành được 52 đĩa đơn, 33 tác phẩm, giúp doanh thu liên tục đạt hàng trăm triệu đô. Ngoài hoạt động biểu diễn, nhóm cũng gắn liền với hoạt động từ thiện với "Dự án vì mọi người", nhằm giúp đỡ những nạn nhân thiên tai thảm họa. Gần đây, nhóm đã tham gia nhiều sự kiện giao lưu, kết nối các vùng của Nhật Bản với các nước trên thế giới.
Nhóm SGO48 cũng sẽ hoạt động với đúng mô hình này. Nhưng để có nhà hát riêng xem ra không hề dễ dàng!
Bình luận (0)