Nhiều nhóm hát nối nhau ra đời cuối năm 2016 và trong năm 2017 khiến cho thị phần của nhóm hát sôi động trở lại. Không ít người cho rằng nhóm hát đang trở lại thời hoàng kim nhưng thực tế không như người ta tưởng, ngay những người lập ra nhóm hát cũng khó lường. Nhiều nhóm hát tồn tại "thoi thóp" chờ ngày "đường ai nấy đi".
Không như là mơ
Được đầu tư theo đúng mô hình hoạt động của các nhóm hát Hàn Quốc, nhóm hát L. nhanh chóng tạo ấn tượng với công chúng yêu nhạc bằng bài hit (ăn khách) cùng hình ảnh cuốn hút so với nhiều nhóm hát khác đang tồn tại. Dù chưa thể chinh phục công chúng bằng chất lượng chuyên môn nhưng nhóm hát này vẫn được đánh giá cao vì tính giải trí trong các tiết mục biểu diễn của mình. Mới đây, thông tin hậu trường cho hay nhóm đang chuẩn bị rã đám. Dù chưa có thông báo chính thức từ phía công ty quản lý nhưng việc tan rã là chuyện sớm muộn bởi thành viên trong nhóm đã xác nhận.
Nhóm hát Monstar còn trụ vững nhờ chi phí thấp, sô diễn nhiều
Ngay từ khi hình thành, nhóm hát gồm những cô gái xinh đẹp này ôm ấp kỳ vọng nếu không nhiều sô diễn, cũng sẽ có những lời mời quảng cáo. Thu nhập từ quảng cáo có thể đủ để trang trải chi phí tồn tại của nhóm. Công ty quản lý của nhóm đã đổ tiền đầu tư không chỉ về chuyên môn mà còn áp dụng phương thức đào tạo theo phong cách chuyên nghiệp. Theo đó, các thành viên phải sống cùng nhau để tiện cho lịch tập, chạy sô và bàn thảo chiến thuật phát triển. Vì thế, chi phí đầu tư cho nhóm nhạc này tăng lên nhiều lần. Trong khi đó, các bầu sô vẫn phải lắc đầu, không thể mời nhóm diễn vì với chi phí trả cho một nhóm hát, họ có thể mời 2-3 ca sĩ trẻ chất lượng tương đương hoặc cao hơn tham gia biểu diễn trong một chương trình. Không có sô diễn, tức không có thu nhập cho cả công ty lẫn thành viên của nhóm. Đó là lý do thỉnh thoảng khán giả vẫn thấy thành viên của nhóm bán hàng online, thậm chí phải tự đi giao hàng cho khách.
Với số lượng thành viên lớn, mô hình nhóm nhạc đòi hỏi kinh phí đầu tư rất cao. Thù lao cho cả nhóm nhận được lại không hơn ca sĩ solo dẫn đến nhiều rủi ro trong đầu tư của nhà tổ chức. Thù lao đã ít lại bị chia tỉ lệ 1:9 (ca sĩ 1, công ty quản lý 9) cũng là lý do khiến cho các thành viên trong một nhóm hát muốn tìm đường ra riêng.
Kiểu gì cũng lỗ
"Nhóm hát gồm nhiều thành viên có thói quen sinh hoạt cá nhân và tính cách khác nhau. Bởi vậy, họ cần phải có ê-kíp để hỗ trợ "- Ông Cao Thắng nói về khó khăn lớn nhất khi quản lý các nhóm hát của mình. Giá phải trả cho ê-kíp đó đương nhiên cao hơn so với những ca sĩ solo thường hoạt động đơn lẻ, cùng lắm là thêm một quản lý và trợ lý.
Báo Herald Economy tiết lộ trung bình một công ty Hàn Quốc đầu tư khoảng 2 tỉ won (hơn 40 tỉ đồng) cho một nhóm hát. Đây là con số tính đến thời điểm ra mắt, còn sau đó công ty sẽ tiếp tục bỏ vốn nhiều hơn vào việc sản xuất sản phẩm mới, tiếp thị, quảng bá cho nghệ sĩ…
Các công ty quản lý nhóm hát ở Việt Nam theo đuổi mô hình đào tạo của Hàn Quốc cũng phải bỏ ra khoản đầu tư không nhỏ. Ngoài huấn luyện chuyên môn bắt buộc là thanh nhạc, vũ đạo và Anh ngữ, công ty của Ông Cao Thắng còn giảng dạy cho thực tập sinh của họ về khả năng tư duy, đàm phán, thuyết trình, giao tiếp trước đám đông… với sự hỗ trợ của đội ngũ giảng viên nước ngoài. Trong khi đó, công ty quản lý của nhóm LIME còn đưa hẳn nhóm đến Hàn Quốc đào tạo, huấn luyện bằng đội ngũ chuyên gia và phương pháp nghiêm ngặt của nước này.
Phải kể đến số tiền lớn đầu tư cho các sản phẩm âm nhạc của nhóm. Để giảm thiểu chi phí đầu tư, các công ty quản lý cũng chịu khó "tìm sự trợ giúp từ nhãn hàng". Aiden (quản lý nhóm Monstar) bày tỏ: "Khó khăn của các nhóm hát là thị trường chưa dành sự quan tâm cho họ nên nhóm phải thường có sản phẩm cực kỳ xuất sắc mới gây được sự chú ý. Số lượng thành viên trong nhóm là yếu tố khó khăn khi đi diễn. Chi phí duy trì nhóm nhạc cũng tăng theo số lượng thành viên. Khó khăn khác là tiếng nói chung của các thành viên vì hầu hết nghệ sĩ đều là người có cái tôi nghệ thuật lớn nên việc bất đồng dễ xảy ra, gây ảnh hưởng tới tình cảm cá nhân cũng như hướng đi tương lai của mỗi nhóm". Aiden cho biết Monstar may mắn duy trì và chạy sô được vì các bạn đều là thực tập sinh được đào tạo theo quy chuẩn và mô hình mới, được quyền tham gia đóng góp ý kiến nhưng công ty vẫn là người quyết định chính nên sự tranh cãi xảy ra ít hơn. Số lượng thành viên của nhóm cũng ít hơn các nhóm trên thị trường (3 thành viên, còn những nhóm cạnh tranh là 6-7 thành viên) nên cũng dễ nhận được các lời mời biểu diễn vì chi phí di chuyển dành cho nhóm thấp hơn các nhóm khác.
Tỉ lệ 1:9 chung quy cũng xuất phát từ sự chênh lệch quá lớn giữa tiền đầu tư và thu nhập. Các công ty khẳng định ngay cả khi nắm giữ 90% thu nhập đó, họ vẫn rơi vào tình trạng thua lỗ vì tiền thu thực tế không là bao, trong khi lại phải trả lương cho quá nhiều người gồm quản lý, nhân viên, giáo viên…
Trước thực trạng này, nhiều người trong giới chuyên môn tỏ ra tiếc cho nhiều nhóm hát được đào tạo công phu, bài bản hiện nay nếu tan rã.
Gian nan tìm đất diễn
Trên dưới 10 nhóm hát, cả cũ lẫn mới, là con số không nhỏ đối với thị trường nhạc Việt đang khó khăn như hiện nay. Vì vậy, tần suất xuất hiện của các nhóm trong hoạt động trình diễn không nhiều. Trong đó, nhóm hát Soul Club của ca - nhạc sĩ Thanh Bùi, sau một sản phẩm âm nhạc duy nhất, gần như không còn bất kỳ sản phẩm nào khác. Ngoài vài buổi diễn do chính công ty tổ chức và thỉnh thoảng diễn trên sân khấu giao lưu, nhóm Soul Club gần như không hoạt động thương mại. Tương tự, nhóm P336 của Công ty Truyền thông giải trí MBC cũng không có tần suất xuất hiện nhiều vì thiếu sô diễn. Những nhóm nhạc "đậm" cá tính hơn như Ayor, FBBoiz hay Artista cũng khốn đốn với bao lần thay đổi thành viên. Chính những thay đổi này khiến các nhóm hát cũng bắt đầu mờ nhạt dần, thậm chí công chúng cũng quên hẳn sự tồn tại của họ.
Bình luận (0)