xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những người làm nên tên thành phố

Phạm Văn

Cách sống của những con người dung dị, thắm tình ấy đã góp phần tạo nên hai tiếng Sài Gòn hay tên gọi thành phố Hồ Chí Minh đầy thân thương, trìu mến

1. Cuối năm 2008, tôi vào TP HCM. Do chưa xin được việc đúng chuyên môn nên sau ba tháng làm phục vụ ở nhà hàng, tôi đã quyết định ra ngoài thuê trọ, xin làm một ca tối còn buổi sáng sẽ dậy sớm nấu sữa đậu nành để bán. Cũng do thấy ở vỉa hè chỗ nhà hàng tôi làm, một cô bán loại hàng này đắt khách quá trời. Cả đoạn đường Phạm Văn Hai chỉ mình cô bán nên bốn, năm chục lít sữa hết veo trong buổi sáng. Tôi thấy ngon ăn nên quyết tìm hiểu cách nấu và mua đồ nghề để "cạnh tranh".

Tưởng dễ, ai dè ba ngày đầu tiên sữa tôi nấu ra, để chừng hai tiếng là sữa vón cục lại, báo hại bán không ai mua, đem cho cũng không ai muốn uống.

Biết được tình cảnh, cô "đối thủ" của tôi đã sang bày cách. Không những tận tình chỉ ra nguyên nhân mà những lần sau, cô còn đến tận chỗ tôi ở để chỉ tôi toàn bộ kinh nghiệm cô có được trong 15 năm bán sữa đậu nành mà không hề giấu diếm. Thậm chí có hôm hết sớm, cô còn sang bán phụ tôi.

Sau này có lần tôi hỏi sao cô lại nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm đến vậy. Cô cười bảo: "Buôn có bạn, bán có phường, không có con bán thì cô kiếm thêm được vài đồng, nhưng chết đâu mang theo được. Với lại biết con xa xứ, gánh nặng nhiều thứ nên giúp được tới đâu thì cô giúp thôi".

TP HCM thân thương đến lạ!

2. Năm 2014, tôi thuê trọ trong một con hẻm nhỏ ở quận 3, TP HCM. Chủ nhà tôi thuê, cô chú có một xe đẩy bán đồ ăn sáng ở ngay đầu hẻm. Khách không đông nhưng sáng nào cô chú cũng bị một thanh niên cố tình ăn thiếu.

Người này là con của chú xe ôm cuối hẻm, ngoài 30 tuổi, không nghề nghiệp, chuyên tụ tập với đám bạn xấu khiến con hẻm không mấy khi được yên bình. Ổ bánh mì chưa đến mười ngàn nhưng anh ta ăn thiếu trường kỳ, thậm chí mỗi lần ăn là anh ta lên giọng hách dịch "Ê, bà già cho ổ bánh coi".

Không dưới một lần, vì chú càm ràm chuyện cả tháng chưa trả tiền mà xe hàng của cô chú bị hắn đá văng liểng xiểng. Nên riết, cô chú làm thinh, khi nào chú xe ôm có dư sẽ mang trả thay "thằng con trời đánh".

Đến một ngày, anh ta tai nạn giao thông phải vào viện cấp cứu. Bị mất nhiều máu trong khi nhóm máu của anh ta là loại máu hiếm, bệnh viện lại không đủ. Biết được tin, cô một hai giục con trai cô vào viện để làm các thủ tục truyền máu cho anh. Thậm chí cô còn gọi điện cho vài người mà cô biết cũng có nhóm máu hiếm đến để trợ giúp. Và sau mọi nỗ lực, anh kia đã giữ được mạng cho mình.

Vài ngày sau ra mua bánh mì, tôi có nghe bà Tư hàng xóm hỏi cô: "Nó phá hàng nhà mầy dữ vậy mà không ghét hả, cứu chi?". Đáp lại, cô bảo: "Mạng người quan trọng mà bà Tư. Mình cứ sống tốt đã, còn ai sống với mình sao thì kệ hà!".

Con hẻm nhỏ P HCM khi ấy với tôi chợt thấy bình yên vô tận!


Những người làm nên tên thành phố - Ảnh 1.

Người nghèo đến nhận gạo tại một điểm phát gạo từ thiện ở quận Bình Thạnh, TP HCM trong những ngày thành phố phòng chống dịch Covid-19 Ảnh: HOÀNG TRIỀU

3. Khoảng tháng 4-2015, trong một công việc đặc biệt, tôi cùng đoàn cựu binh Mỹ ghé thăm địa đạo Củ Chi- nơi ngày xưa họ và đồng đội của họ đã từng tham chiến. Chứng kiến những dấu tích thời đạn bom còn lưu lại trên đất đai, đặc biệt là nhìn những di chứng của chiến tranh vẫn còn hiện hữu trên cơ thể của người dân Củ Chi, những người lính Mỹ đã già ai cũng xúc động.

Trong đoàn, một cựu binh Mỹ (tôi không nhớ tên), đã cầm bàn tay chỉ còn 8 ngón lành lặn của một người cựu binh Việt Nam mà run run nói hai từ "Xin lỗi" bởi những gì mà ông và đồng đội đã gây ra. Đáp lại bằng nụ cười thật tươi và cái xiết tay rất chặt, người cựu binh đất thành đồng, bảo: "Chiến tranh đã lùi xa, mất mát là không thể tránh khỏi. Chúng ta chỉ nên lấy đó làm bài học mà hướng đến tương lai tốt đẹp. Đất nước tôi, quê hương tôi luôn yêu chuộng hòa bình, luôn chào đón các ông trở lại".

Và TP HCM vào khoảnh khắc ấy với tôi là một sự chân tình, hòa hợp!

4. TP HCM đầy hào sảng và nghĩa tình thế đấy. Sự chân tình ấy đã giúp tôi (và cả những ai mới bỡ ngỡ tới đây) vững bước mưu sinh trên con đường phía trước; giúp những anh chàng ngỗ nghịch trở nên thuần tính, biết sống lễ nhân; giúp những dự án thiện nguyện khắc phục hậu quả chiến tranh thêm vững nhịp cầu, nối hai đất nước cách nửa vòng trái đất.

Và hơn hết, cách sống của những con người dung dị, thắm tình ấy đã góp phần tạo nên hai tiếng Sài Gòn hay tên gọi TP Hồ Chí Minh đầy thân thương, trìu mến. Tên gọi ấy sẽ mãi cứ rực rỡ nơi ngực trái của những người đã và đang sống ở mảnh đất này mỗi khi nghĩ đến hoặc gọi lên thành lời, 45 năm và còn nhiều hơn thế nữa.

Mời bạn đọc dự thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng"

Mỗi thể loại có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải.

Kết thúc nhận bài dự thi vào ngày 15-7-2021.

Thời gian trao giải vào ngày kỷ niệm 46 năm thành lập Báo Người Lao Động (28-7-2021).

Những tác phẩm đạt chất lượng sẽ được giới thiệu trên Báo Người Lao Động (báo in và báo điện tử). Bài đăng báo in trên số ra Chủ nhật hàng tuần và trên Báo Người Lao Động Online.

Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định.

Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".

Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn

BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo