Truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy và Cổ Loa thành được người dân Việt truyền tụng bao đời nay mang đầy đủ các yếu tố để cấu thành một khúc bi tráng ca, với bi kịch tình yêu sinh ra từ tham vọng bá quyền, với lòng oán hận, tình yêu nước, sự bội phản, bài học vệ quốc… đã được tác giả Lê Duy Hạnh xây dựng thành một vở kịch xứng tầm: "Nỏ thần".
Bài học muôn đời
Vở kịch "Nỏ thần" sử dụng lại mọi chất liệu có sẵn trong truyền thuyết dân gian nhưng được tác giả Lê Duy Hạnh sáng tạo thêm những nhân vật mới, tuy là những nhân vật phụ nhưng giúp tác giả tô đậm thêm tính chất bi kịch của lịch sử, đó là một Nhan Tấn - đại thần của Triệu Đà, vừa mất con trong cuộc chiến với Âu Lạc, thù nước, thù nhà cộng dồn vào một con người nên ý chí phục thù của y rất cao, từ đầu đến cuối, lúc nào y cũng quyết tâm bày mọi mưu kế để lấy được bí mật nỏ thần, chia rẽ hàng ngũ quân tướng nhà Âu Lạc. Nhan Tấn là một nhân vật thành công của Lê Duy Hạnh, y quy tụ trong mình tất cả những đặc tính của một kẻ thù nguy hiểm, nhẫn nại nằm gai nếm mật như Câu Tiễn, tất cả mưu ma chước quỷ của y đều được tiến hành từng bước một, từng giềng mối kết cấu nên một Âu Lạc vững mạnh bị y tháo ra, để cuối cùng nó chỉ còn là một "vỏ ốc" trống rỗng, bị kẻ thù phá hủy từ bên trong. Nhan Tấn tiến hành những việc ấy thật dễ dàng, quân dân Âu Lạc đang say men chiến thắng, An Dương Vương ngủ vùi trong giấc mộng thái bình, quân tướng bắt đầu lơ là cảnh giác, chỉ biết đến tửu sắc, tất cả không hay biết rằng cơn bão đang dần dần tụ lại trong khoảng trời yên bình… Một triều đình như thế thì sự suy tàn là tất yếu.
Cảnh trong vở “Nỏ thần” trên Sân khấu Kịch Phú Nhuận Ảnh: Tư liệu
Trong "Nỏ thần", sức mạnh thần quyền tạo nên chiếc nỏ bắn một phát giết hàng ngàn tên địch đã được lý giải bằng sức mạnh đoàn kết của toàn dân. Chính sức mạnh đoàn kết của toàn dân mới làm nên chiến thắng. Chỉ khi những người lãnh đạo đất nước tập hợp được lòng dân cho một mục đích cao cả thì sẽ có được sức mạnh vô địch trong tay.
Kẻ thù trong chính chúng ta
Nếu ta lên án dã tâm của Triệu Đà, sự gian trá của Nhan Tấn một thì ta phải phê phán sự cả tin của An Dương Vương đến mười. Thân là vua một nước, vậy mà ông xuề xòa dễ dãi, để kẻ thù vào tận triều đình, vẫn dang tay ôm lấy như một người bạn thân lâu năm mà không nhớ rằng máu của con dân Âu Lạc đổ xuống đất còn chưa kịp khô. Ông cai trị trong cơn mơ giữa những triều thần cũng đương say ngủ trong chiến thắng, chỉ có duy nhất tướng quân Cao Lỗ là tỉnh, ông vẫn đốc thúc binh lính luyện tập, vẫn cảnh giác thường xuyên với bè lũ Nhan Tấn. Nhưng sự tỉnh của Cao Lỗ lại thành lạc thời giữa những người ngây thơ mộng tưởng thái bình, ông bị An Dương Vương hắt hủi, các tướng xa lánh, ông đánh mất Mỵ Châu trong trắng. Tất cả đều thơ ngây tin rằng kẻ địch trong một sớm một chiều có thể thay đổi, để ngây thơ rước sói vào nhà. Cao Lỗ là khuôn mặt của một trung thần, không phải hạng ngu trung nhất nhất nghe theo lời quân vương, hết lòng can ngăn khi thấy An Dương Vương lầm lạc và cuối cùng vị tướng đại diện cho sức mạnh của nhân dân này đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
Câu chuyện tình yêu của đôi trẻ trở thành nạn nhân của những âm mưu thâm độc trong "Nỏ thần". Và "kẻ thù" được xác định không phải là cô con gái đáng thương Mỵ Châu ngồi sau lưng Thục Phán trên ngựa lúc tháo chạy mà chính là sự ngây thơ, mất cảnh giác của một đất nước. Âu Lạc đã mất đi sức mạnh do chính mình tạo ra, mất đi sự sáng suốt để nhận biết đâu là đúng - sai, đâu là bạn - thù của những người có quyền lực, nhất là người đứng ở ngôi cao, đang nắm trong tay vận mệnh đất nước.
Nhan Tấn đã phát ngôn một câu tựa chân lý: "Từng con người trong chiến chinh buộc phải vào khuôn khổ thì khi thanh bình lại tự buông lỏng kỷ cương. Chiến trường ai cũng nghĩ phải có giáo, có gươm, ít ai ngờ chiến trường nằm trong vàng bạc, ngọc ngà, rượu ngon, gái đẹp...". Cổ Loa thành đã sụp đổ trên chính sự bình yên của nó. Kẻ thù không phải lúc nào cũng lộ mặt.
Tầm thời đại trong câu chuyện cũ
Vở kịch "Nỏ thần" của Lê Duy Hạnh được Sân khấu Kịch Phú Nhuận dàn dựng tham gia Liên hoan Sân khấu toàn quốc 2009 đã giúp đơn vị này đem về chiếc huy chương vàng. Nhan Tấn (do NSƯT Bảo Quốc đóng) và dũng tướng của Âu Lạc - Cao Lỗ (Huỳnh Đông đóng) là đại diện cho 2 tuyến nhân vật được Đỗ Đức Thịnh tập trung khai thác sâu để thể hiện rõ nhất chủ đề vở.
Hình tượng nhân vật Cao Lỗ luôn được đẩy lên đến đỉnh cao của vẻ đẹp bất tử: Trung - dũng - trí - nhân. Dù là dũng tướng, đứng dưới một người và trên muôn người nhưng Cao Lỗ không thể một mình chống lại hàng ngàn, hàng vạn mũi giáo vô hình của kẻ thù đang từng ngày giết chết ý chí, sức mạnh của dân tộc mình. Trong giây phút hy sinh, người dũng tướng này vẫn đứng vững bên chiếc trống đồng - báu vật của non sông Âu Lạc - gióng lên những thanh âm vang rền, như lời của núi sông. Gương mặt cương nghị, biểu lộ cảm xúc xuất thần ở mỗi cảnh diễn của Huỳnh Đông đã ghi dấu ấn đặc biệt cho vai diễn, cũng đã làm nên linh hồn cho nhân vật, bật lên được tư tưởng của vở diễn.
Năm 2008, soạn giả Hoàng Song Việt chuyển thể thành vở cải lương hoành tráng với tên gọi "Chiếc áo thiên nga", đạo diễn Hoa Hạ dàn dựng, quy tụ các nghệ sĩ nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực, kết hợp cải lương với opera và nhạc nhẹ. Mười năm sau, năm 2018, vở cải lương được dàn dựng lại nhưng với quy mô nhỏ hơn.
Kỳ tới: "Ông vua hóa hổ": Quyền lực làm tha hóa con người
Bình luận (0)