Trong xu hướng truyền hình OTT tăng trưởng mạnh với sự đón nhận nhiệt tình của khán giả, các dịch vụ OTT nội địa đang nỗ lực tạo sức mạnh giành thị phần với OTT ngoại, ít nhất là thị phần khán giả Việt.
Nhu cầu giải trí tại nhà ngày càng tăng cao, thị trường dịch vụ OTT càng trở nên sôi động. Tại Việt Nam, vài năm gần đây, lần lượt các kênh truyền hình như MyK+ NOW, SCTV VOD, VTVcab ON và VTVcab Onme, VTC Now,… tham gia dịch vụ OTT. Một số doanh nghiệp truyền thông mạng, kinh doanh giải trí phát triển mạnh dịch vụ OTT như một giải pháp mở rộng thị trường: FPT Telecom, VNPT, BHD, Galaxy, Clip TV, … Hiện Việt Nam có 36 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình thu tiền, trong đó có 20 đơn vị, doanh nghiệp cung cấp những dịch vụ này trên internet.
Các nền tảng dịch vụ OTT đang cạnh tranh thị phần khán giả Việt (Ảnh chụp màn hình)
Thế nhưng, chiếm hơn 50% thị phần khán giả chấp nhận dịch vụ OTT tại Việt Nam là các dịch vụ OTT xuyên biên giới mà đứng đầu là Netflix. Gã khổng lồ này đang từng bước thôn tính thị phần còn lại trong tương lai bằng nhiều chính sách đầu tư của mình. Bỏ qua những nền tảng kỳ cựu là Clip TV, Zing TV, Danet,... đang dần yếu thế vì thiếu đầu tư, sức cạnh tranh của OTT nội chỉ có thể trông chờ vào FPT Play (của Tập đoàn FPT), VieOn (của Đất Việt VAC) và Galaxy Play (của Galaxy) bởi thế mạnh về nội dung.
Vượt mặt ông lớn Netflix, có lẽ vẫn là tham vọng của các nền tảng nội địa. Nhưng điều đó khó có thể thực hiện trong điều kiện các nền tảng nội địa mạnh ai nấy làm, không bắt tay liên kết để tạo thành sức mạnh, dù mỗi đơn vị cố gắng tạo sức hút khách hàng nội địa riêng. Nếu FPT Play chọn cách làm giàu kênh của mình bằng việc ký kết hợp tác với hầu hết các kênh, đặc biệt là HBO Go (đối thủ của Netflix) thì VieOn đầu tư nhiều chương trình truyền hình thực tế. Đại diện của VieOn tự tin vào kho nội dung phong phú và toàn diện của mình, phù hợp với văn hóa và thói quen tiêu dùng của người Việt Nam với 100 kênh truyền hình, dự kiến có hơn 100.000 giờ nội dung "bom tấn" có bản quyền 100%, cho phép cá nhân hóa nội dung và phát trực tiếp (livestreaming) và các chương trình giải trí, phim do các công ty con sản xuất.
Còn Galaxy Play (dự án đầu tiên tại Việt Nam cung cấp dịch vụ xem phim có bản quyền theo nhu cầu người xem với chất lượng hình ảnh, âm thanh tốt nhất, hỗ trợ phụ đề tiếng Việt lẫn tiếng Anh) có thế mạnh những bộ phim điện ảnh độc quyền được sản xuất bởi Galaxy. Galaxy Play đang đi theo hướng tự sản xuất các serie phim truyền hình chỉ chiếu trên Galaxy Play như cách mà Neflix đang làm. Bộ phim đầu tiên của Galaxy Play đang thu hút người xem là "Gái ngàn đô".
"Nội dung phải là giá trị cốt lõi của truyền hình, là công cụ cạnh tranh quan trọng bậc nhất. Nội dung khác biệt sẽ tạo điểm nhấn cho dịch vụ, nội dung đặc sắc là điểm mạnh và lợi thế duy nhất của nhà cung cấp dịch vụ"- quan điểm của CEO Galaxy Play.
Giới chuyên môn cho rằng cái khó nhất của truyền hình OTT nội địa hiện nay là doanh thu bình quân của thuê bao truyền hình Việt Nam (ARPU) thấp, chỉ đạt 3-4 USD/thuê bao/tháng; đầu tư chi phí sản xuất và mua bản quyền ngày càng lớn; tình trạng vi phạm bản quyền chưa được giải quyết…, đặc biệt là làn sóng OTT xuyên biên giới không phép đang giành giật thị phần.
Theo khảo sát của Nielsen, Việt Nam hiện là một trong những nước đang dẫn đầu xu hướng xem video trực tuyến. Còn kết quả nghiên cứu của Muvi, ước tính doanh thu thị trường OTT truyền hình tại khu vực Đông Nam Á sau 3 năm nữa có thể đạt tới con số 650 triệu USD/năm. Hiện ở Việt Nam cũng đã có đến 30 sản phẩm OTT. Khách hàng ngày càng khó tính, các nhà cung cấp nội dung giải trí ngày càng phải hoàn thiện vai trò phục vụ dịch vụ của mình từ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, những trải nghiệm mới, tiện ích và đặc biệt là nội dung chương trình.
Liên kết lại, hình thành OTT nội địa lớn có thể đủ sức đấu với những gã OTT khổng lồ xuyên biên giới là lời giải cho bài toán sinh tồn lâu dài của OTT nội địa.
Bình luận (0)