Phim sitcom "Nhỏ to chốn văn phòng" do Nguyễn Phan Quang Bình sáng tạo và làm đạo diễn cùng đạo diễn trẻ Vũ Hồng Dương vừa ra mắt khán giả từ ngày 18-4. Đây là một trong hơn 10 phim sitcom Việt đang được phát sóng trên các đài.
Đáp ứng nhu cầu giải trí
Sau 14 năm thực hiện phim sitcom Việt hóa "Cô gái xấu xí", Công ty BHD trở lại với thể loại này bằng tác phẩm thuần Việt "Nhỏ to chốn văn phòng". Phim quy tụ hàng loạt gương mặt trẻ: Thùy Anh, Ma Ran Đô, Thạch Thảo, Thùy Dương, Minh Khánh, Văn Hưng, Phúc Toàn... Nội dung phim xoay quanh các nhân viên văn phòng của một công ty truyền thông sự kiện nhỏ tại TP HCM.
Đây là văn phòng không như các văn phòng bình thường mà tập hợp những người có cá tính rất "độc lạ". Những tình huống nhỏ to ở đây cũng giống các câu chuyện thường gặp trong đời sống, để khán giả có thể thấy mình trong đó nhưng được thể hiện qua góc nhìn của những cá tính đặc biệt. Phim được phát sóng song song trên 3 nền tảng, trong đó Netflix chiếu sớm 5 tập đầu, sau đó DANET và truyền hình K+ phát song song 2 tập/tuần vào thứ hai và thứ ba hằng tuần từ ngày 18-4.
Một cảnh trong phim sitcom Việt “Nhỏ to chốn văn phòng”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
"Phim "Nhỏ to chốn văn phòng" được làm dạng cuốn chiếu nên dễ tiếp thu những ý kiến phản hồi từ khán giả để điều chỉnh nội dung cho phù hợp hơn. Những "trend" (xu hướng) cũng được đưa vào hay các tình tiết kiểu "anh trai nương tựa", kịch bản phim thì chuyển động theo nhịp cuộc sống. Trước đây, chúng tôi mua format (định dạng) phim nhiều vì chưa tìm được kịch bản tốt như mong muốn nhưng giờ thì hạn chế tối đa việc này" - bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty BHD, cho biết.
Một số nghệ sĩ chuyên thực hiện web-drama (phim chiếu mạng) cũng chuyển sang sản xuất phim sitcom đăng tải trên tài khoản YouTube của mình, thu hút được sự chú ý, như Nam Thư với "Dịch vụ zụ zịt". Các phim sitcom này đều thuần Việt, không phải Việt hóa hay vay mượn yếu tố nước ngoài. Nội dung phim là những câu chuyện đời thường xoay quanh mối quan hệ gia đình, bạn bè, cuộc sống nơi văn phòng, tình yêu đôi lứa...
Sau giai đoạn giãn cách xã hội do dịch Covid-19, các nhà sản xuất đặt hàng phim sitcom nhiều hơn, số lượng phim được chiếu trên các đài cũng nhiều hơn. Theo nhà biên kịch Kim Ngọc, phần lớn là do thể loại này sản xuất đơn giản hơn các phim truyền hình nhiều tập, kinh phí đầu tư không cao, thời gian sản xuất nhanh, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát sóng của nhà đài.
Thêm vào đó, tình hình dịch bệnh còn diễn biến khó lường nên các nhà sản xuất ưu tiên chọn thể loại phim sitcom, thay cho việc phải quay dài ngày ở những địa phương khác nhau. Sự hài hước, nhẹ nhàng trong phim sitcom đáp ứng nhu cầu giải trí, khán giả cũng không cần theo dõi từng tập vì câu chuyện mỗi tập mỗi khác.
Cần sự đột phá
Sitcom là thể loại phim hài kịch nhiều tập, với những tình huống hài hước được lồng ghép. Đa phần phim này được thực hiện tại trường quay, thu âm đồng bộ và sản xuất dạng cuốn chiếu.
Bộ phim thể loại sitcom đầu tiên của Việt Nam là "Lẵng hoa tình yêu" do Hãng phim Truyền hình TP HCM hợp tác với Công ty FBC của Hàn Quốc sản xuất. Tiếp theo đó, "Vòng xoáy tình yêu" được sản xuất rồi hàng loạt phim sitcom ra đời với những tác phẩm nổi bật: "Dù gió có thổi", "Người mẹ nhí", "Cô gái xấu xí", "Những người độc thân vui vẻ", "Nhật ký Vàng Anh"...
Ban đầu, phim sitcom Việt là những tác phẩm hợp tác hoặc mua bản quyền để Việt hóa từ Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Colombia, Trung Quốc, Bồ Đào Nha. Dần dần, các phim sitcom thuần Việt ra đời, tạo dấu ấn riêng, chinh phục được khán giả như: "Tiệm bánh hoàng tử bé", "Bộ tứ 10A8", "5S Online"...
Thời hoàng kim, phim sitcom Việt hóa và thuần Việt được sản xuất đan xen với số tập cao, phủ sóng liên tục các đài truyền hình trên cả nước. Song, do loại phim này tăng nhanh về lượng nhưng không bảo đảm về chất nên dần rơi vào bão hòa, sụt giảm với nhiều lời chê "dài, dai và dở" từ khán giả.
"Những phim sitcom Việt giai đoạn sau này trở nên nhạt dần trong mắt khán giả là do đề tài không mới, xoay quanh chuyện gia đình, tình yêu học đường, giới trẻ. Những tình huống vui nhộn được lồng ghép trong các đề tài quanh đi quẩn lại cũng dần nhàm chán, cũ kỹ khiến khán giả không thể "ồ, à" ngạc nhiên như lúc mới xuất hiện trên màn ảnh Việt. Tôi nghĩ để có những phim sitcom ấn tượng thì cần sự mới lạ ngay từ đề tài, như khai thác về những tiếp viên hàng không chẳng hạn" - nhà biên kịch Kim Ngọc phân tích.
Một câu chuyện hay, đề tài mới lạ, hấp dẫn sẽ thu hút hơn là cứ khai thác quanh quẩn những điều đã được đề cập nhiều. Với phim sitcom, đây cũng là thể loại các nhà đài mong mỏi có thể giúp thu hút khán giả trẻ - lực lượng luôn hướng đến sự mới lạ và thời sự. Do vậy, các nhà làm phim sitcom buộc phải nỗ lực cạnh tranh lẫn nhau cũng như cạnh tranh cùng các thể loại khác.
Bên cạnh "Nhỏ to chốn văn phòng", phim sitcom Việt hiện có nhiều tác phẩm phủ sóng các đài như: "Phụ nữ là số 1", "Góc phố muôn màu mùa 3", "1.001 chuyện hẻm", "Sui gia hay xui gia", "Cha anh mẹ em", "Nơi yêu thương bắt đầu", "Gia đình bất đắc dĩ"...
Ngoài những đài truyền hình truyền thống, phim sitcom Việt còn được chiếu trên các đài truyền hình cáp, truyền hình trả tiền, nền tảng miễn phí và thu phí.
Bình luận (0)