Sau khi phim "Ròm" khuấy động phòng vé Việt với doanh thu gần 60 tỉ đồng, chiến thắng từ "Tiệc trăng máu" trở thành động lực tích cực để nhà sản xuất Việt mạnh dạn mang phim ra rạp ở thời điểm vắng bóng "bom tấn" Hollywood.
"Tiệc trăng máu" đạt doanh thu trăm tỉ đồng
Phim "Tiệc trăng máu" được Việt hóa từ tác phẩm "Perfect Strangers" của Ý, do Nguyễn Quang Dũng đạo diễn, Phan Gia Nhật Linh giữ vai trò sản xuất. Phim quy tụ dàn diễn viên có thực lực của màn ảnh Việt: Hồng Ánh, Thái Hòa, Hứa Vĩ Văn, Thu Trang, Kiều Minh Tuấn, Đức Thịnh, Kaity Nguyễn. Nội dung của phim xoay quanh một buổi tiệc tân gia của 7 người bạn mà trong đó có 4 người đàn ông thân nhau từ thuở nhỏ và 3 người phụ nữ là vợ và người yêu của họ. Trong buổi tiệc, họ chơi trò công khai mọi tin nhắn, cuộc gọi đến điện thoại cá nhân. Từ trò chơi này, mọi bí mật sâu kín bị phát hiện dẫn đến những đổ vỡ tình cảm gắn bó được xây dựng nhiều năm.
Đây là tác phẩm thuộc thể loại hài đen (dark comedy) đậm tính giễu nhại, châm biếm sâu cay, thường khiến khán giả rơi vào tình huống "cười ra nước mắt". Thể loại này không lạ với điện ảnh thế giới nhưng lại xa lạ với điện ảnh Việt bởi chưa có tác phẩm Việt nào mạo hiểm vượt khỏi "vùng an toàn" cùng các thể loại dễ hợp thị hiếu lâu nay như hài nhảm, hài pha hành động, ngôn tình, lãng mạn... Sự mới lạ của thể loại được nhìn nhận vừa là lợi thế lại vừa gây bất lợi bởi nó có thể gây tò mò nhưng cũng có thể khiến khán giả thấy chưa thuyết phục khi so sánh cùng những tác phẩm ngoại thành công khác. Tuy nhiên, vượt qua mọi lo ngại về thị hiếu khán giả Việt, "Tiệc trăng máu" là một tác phẩm thành công doanh thu khi nhanh chóng gặt hái hơn 45 tỉ đồng chỉ sau gần 1 tuần ra rạp (kể cả suất chiếu sớm, tính từ ngày 20-10 đến hết 25-10).
Cảnh trong phim “Tiệc trăng máu”. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Theo nhà phát hành công bố, trong 3 ngày cuối tuần, phim đã thu hơn 30 tỉ đồng và trở thành tác phẩm có doanh thu 3 ngày cuối tuần cao nhất năm 2020 và cũng là tác phẩm có doanh thu mở màn cao nhất năm. Tính đến ngày 2-11, theo thống kê của trang Box Office Việt Nam, phim đã thu gần 93 tỉ đồng (số liệu tham khảo) và được dự đoán sẽ sớm gia nhập câu lạc bộ 100 tỉ đồng.
"Tôi nghĩ phim thắng do kịch bản Việt hóa gần gũi, dàn diễn viên diễn xuất tốt, thông điệp mang hơi thở thời đại. Sau khi khán giả bị thu hút bởi những yếu tố như diễn viên, danh tiếng từ đạo diễn, họ đi xem và thấy hay nên lan truyền cho nhau, tạo hiệu quả truyền miệng" - nhà sản xuất Trịnh Lê Minh Hằng, Giám đốc Skyline Media, nhận định.
Khán giả luôn ủng hộ phim Việt
"Tiệc trăng máu" là tác phẩm Việt hóa mới nhất thắng đậm doanh thu sau thành công của "Tháng năm rực rỡ" cũng do Nguyễn Quang Dũng đạo diễn, ra rạp năm 2018. Với doanh thu 85 tỉ đồng, "Tháng năm rực rỡ" là bản Việt hóa được khen nhiều hơn chê, tạo cảm xúc hoài niệm với nhiều khán giả. Nguyễn Quang Dũng là đạo diễn đầy kinh nghiệm với phim Việt hóa khi anh tham gia trong 3 phim thành công nhất trên màn ảnh rộng. Trong đó, phim "Em là bà nội của anh" ra rạp năm 2015, thu hơn 102 tỉ đồng do Phan Gia Nhật Linh đạo diễn, Nguyễn Quang Dũng giữ vai trò đồng sản xuất.
Một điểm chung của cả 3 tác phẩm Việt hóa thành công này là đưa được văn hóa Việt vào phim thông qua âm nhạc, lời thoại, phục trang, tình tiết một cách tự nhiên, không khiên cưỡng. Giới phê bình đánh giá không phải phim Việt hóa nào cũng làm được điều này và đó là lý do vì sao nhiều phim Việt hóa dù đầu tư chu đáo, diễn viên thực lực nhưng vẫn thất bại.
Phim "Bằng chứng vô hình" Việt hóa từ phim Hàn Quốc gần đây thất bại cũng bởi kể lại một câu chuyện trinh thám quá cũ, bản Việt hóa cách bản gốc đến 9 năm. Phim chưa đủ thuyết phục khán giả, tình tiết vụ án xa lạ cộng với những hạt sạn, chi tiết bất hợp lý. Trước đây, phim "100 ngày bên em" do Vũ Ngọc Phượng đạo diễn, Việt hóa từ phim Hàn cũng gặp vấn đề tương tự. Trong khi đó, "Tiệc trăng máu" đưa được vấn đề xã hội hiện đại vào phim như chuyện ngoại tình trong một gia đình bề ngoài giàu có và hạnh phúc, chuyện tình dục trước hôn nhân, thói nói xấu sau lưng nhau của một số phụ nữ, chuyện mẹ chồng - nàng dâu...
Nhiều người cho rằng thị hiếu khán giả Việt ngày càng tinh tế. Họ không còn quá để ý xem tác phẩm đó là thể loại nào, thuần Việt hay Việt hóa, độc lập hay thương mại giải trí mà chỉ cần phim hay, tạo được hiệu ứng truyền miệng tốt sẽ sẵn sàng đi xem. "Khán giả luôn ủng hộ phim Việt. Họ không đi xem là vì chưa có phim đủ hay để thu hút họ tới rạp. Nếu phim chất lượng cao, khán giả vẫn ủng hộ, bởi xem phim là thói quen giải trí lâu nay của họ" - nhà sản xuất Trịnh Lê Minh Hằng cho biết.
Thời cơ cho nhà sản xuất Việt
Biên kịch Thanh Hương cũng cho rằng khán giả sẽ đón nhận nếu phim hay. Thể loại hài đen mới lạ và kết hợp cùng các yếu tố nổi trội về diễn viên, đạo diễn giúp "Tiệc trăng máu" thu hút khán giả ra rạp.
"Sau mùa dịch, khán giả rất nhớ rạp vì đã xem quá nhiều phim trên nền tảng mạng. Tuy nhiên, họ không chấp nhận những phim dở, phim thiếu sức hút và trông chờ tác phẩm chất lượng cao. Đây là thời cơ vàng cho nhà sản xuất Việt cạnh tranh nhiều với "bom tấn" ngoại. Nhiều phim Việt chất lượng tốt sẽ nâng dần niềm tin của khán giả" - biên kịch Thanh Hương cho biết.
Bình luận (0)