Phóng viên: Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam sẽ tổ chức Tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói từ ngày 20 đến 27-10. Nhìn lại chặng đường một thế kỷ phát triển với bao thăng trầm, ông có suy nghĩ gì về dấu mốc lịch sử của kịch Việt?
- NSND - đạo diễn TRẦN MINH NGỌC: Giai đoạn đầu thế kỷ XX, đất nước đã chứng kiến sự giao hòa nhộn nhịp giữa các dòng chảy văn hóa, trong đó có sân khấu. Các ông Nguyễn Quang Oánh, Nguyễn Văn Ngọc (hai anh em - PV), Đỗ Thận đã chung tiền, mời cổ đông lập ra rạp hát "Sán Nhiên Đài" ở phố Đào Duy Từ, lần đầu tiên đem chèo từ chiếu sân đình vào "sân khấu hộp". Đến ngày 22-10-1921, tại Nhà hát Lớn do Pháp xây dựng để phục vụ giải trí cho người Pháp ở Đông Dương, vở "Chén thuốc độc" - vở kịch nói đầu tiên của Việt Nam công diễn.
NSND - đạo diễn Trần Minh Ngọc
Trước dấu mốc lịch sử 100 tuổi, nhìn lại chặng đường đã qua, tôi tự hào vì kịch nghệ Việt Nam đã có những giai đoạn cực thịnh nhưng cũng ngậm ngùi vì nhiều hạn chế tồn đọng khiến kịch nghệ Việt vẫn còn "ngủ đông", điều này có thể dẫn đến nguy cơ khán giả sẽ quay lưng với sân khấu kịch.
Tối 21-10, vở "Chén thuốc độc" sẽ tái diễn với một bản dựng mới chào mừng sự kiện trọng đại này. Về khuynh hướng sáng tạo đánh dấu bước khởi đầu của kịch nói Việt, theo ông, giá trị nhân văn của tác giả Vũ Đình Long vẫn còn tính thời sự?
- Tác giả "Chén thuốc độc" là ông Vũ Đình Long (1896-1960), quê Cao Dương, Thanh Oai. Sau thời kỳ dạy học, làm thầy thuốc và hoạt động sân khấu, ông trở thành chủ nghiệp đoàn báo chí lớn, với nhà in Tân Dân, phát hành các tờ "Tiểu thuyết Thứ bảy", "Phổ thông Bán nguyệt san", "Tao đàn"... Có thể nói đây là giai đoạn "Tập đoàn truyền thông" của Vũ Đình Long góp phần làm nên nhiều tên tuổi văn chương, cạnh tranh với Báo "Phong hóa" của anh em Nhất Linh, tạo sự cạnh tranh khá huyên náo trong đời sống văn hóa đô thị thời đó.
Kịch Việt ngay từ giai đoạn khởi điểm đã đặt lên vai trọng trách đối thoại, phản biện với cuộc sống. Nhân văn hóa những điều tiêu cực để xây dựng cuộc sống. Vở "Chén thuốc độc" vì thế có vị trí đặc biệt trong sân khấu Việt Nam; là vở diễn đầu tiên do người Việt viết, đánh dấu sự ra đời chính thức và phát triển của kịch Việt.
Một cảnh trong vở kịch “Bông hồng cài áo” của Sân khấu Hoàng Thái Thanh (TP HCM) Ảnh: THANH HIỆP
Khác với cải lương, tuồng, chèo là những loại hình nghệ thuật xuất phát từ sinh hoạt dân gian, kịch nói mang ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Nội dung vở kịch "Chén thuốc độc" xoay quanh câu chuyện của gia đình thầy Thông Thu - một gia đình tư sản Âu hóa với đủ những cám dỗ của xã hội thành thị thực dân. Mỗi nhân vật tìm một nguồn vui riêng, bỏ qua tất cả lễ giáo đạo đức và trách nhiệm để đi vào con đường ăn chơi sa đọa. Kết cục, gia đình phá sản, tiền tài mất, danh dự cũng không còn, thầy Thông Thu chỉ có tự giải thoát bằng chén thuốc độc để thoát khỏi những hình phạt đang chờ đợi trước mắt.
Vở kịch không chỉ phản ánh hiện thực xã hội mà thông qua đó còn phê phán, cảnh tỉnh lối sống Âu hóa, ăn chơi hưởng lạc quá mức mà lãng quên trách nhiệm của mình với gia đình và xã hội. Tôi cho rằng tính nhân văn của vở vẫn còn mang giá trị cốt lõi.
Theo ông, điều gì khiến sân khấu kịch hôm nay trì trệ, lạc hậu, không theo kịp bước phát triển của thời đại?
- Đây là câu hỏi lớn thách thức kịch Việt phải có sự thay đổi, lột xác mạnh mẽ ngay từ hình thức dàn dựng, biểu diễn. Đại dịch Covid-19 cũng là dịp cho nghệ sĩ sân khấu kịch nói nhìn lại và thích ứng để tồn tại. Sức hút của kịch nói ngày càng giảm sút đó là một thực tế. Những "Hồn Trương Ba, da hàng thịt", "Tôi và chúng ta", "Nhân danh công lý", "Đợi đến mùa xuân", "Bệnh sĩ", "Cuộc đời tôi"… có thời điểm diễn 3-4 suất/ngày đã là quá khứ.
Kịch nói đang thiếu những dấu ấn và phong cách sáng tạo riêng, thiếu tính đối thoại, phản biện từ cuộc sống. Ngày nay với chiếc điện thoại thông minh tích hợp đủ thứ để khám phá, kịch nói cũng cần phải có sự tương tác như chính khán giả thú vị khi vừa tìm ra một ứng dụng nào mới từ công nghệ.
Để làm ngay và chọn đúng trọng tâm thì giải pháp nào là hữu hiệu?
- Giải pháp chính vẫn là kịch bản và đạo diễn. Kịch hôm nay không thể nói những điều công chúng đã biết. Chẳng hạn như việc ca ngợi, tôn vinh lực lượng tuyến đầu cực khổ, vất vả thì người dân đều biết, đều cảm nhận qua báo chí, truyền hình mỗi ngày. Thay vào đó, sân khấu phải chạm đến góc khuất của những tấm gương hy sinh vì cộng đồng và dự báo một cuộc sống trong điều kiện bình thường mới người dân phải thích ứng như thế nào.
Sân khấu kịch nói hôm nay, đặc biệt ở khu vực phía Bắc, đang mang diện mạo nửa bao cấp, nửa thị trường. Trong khi đó, kịch TP HCM hầu hết đều tư nhân hóa. Để hoạch định con đường đi mới với những xu hướng thích ứng của kịch Việt, ông có hiến kế nào?
- Muốn tồn tại, phát triển thì sân khấu kịch nói phải vận động, không đổi mới để nâng cao chất lượng về mọi mặt thì sẽ lụi tàn. Trước mắt là đội ngũ làm nghề đúng nghĩa không thể buông xuôi, mà phải chỉnh đốn ngay những mặt chưa làm được thông qua đề án cải tiến. Sớm kiến nghị với địa phương, tham mưu với chính quyền để giữ cho được những ưu thế đang có.
Hiến kế thì nghe to tát quá, tôi chỉ mong sự trợ giúp kịp thời từ chính quyền địa phương để cứu nguy cho những sân khấu xã hội hóa đang vật lộn sau giãn cách. Khán giả lo cái no trước khi xem kịch, vậy nghệ sĩ sẽ sống thế nào trong bối cảnh này.
Bình luận (0)