. Phóng viên: Theo dự định, tháng 9 này liveshow mừng sinh nhật của ông vẫn có thể diễn ra phải không?
- NSND TẠ MINH TÂM: E là khó vì với tình hình dịch bệnh như hiện tại, tôi đã dự định làm một liveshow để tuổi 60 của mình trở thành một cột mốc đáng nhớ nhưng nay tôi đã qua tuổi 61 rồi. Dù vậy, ngay khi có thể, tôi vẫn sẽ thực hiện liveshow này. Tuổi tác hay một lý do nào đó không còn quan trọng nữa. Cái chính là tôi muốn cống hiến cho âm nhạc, điều mà tôi đã dành cả đời mình cho nó.
. Nhạc sĩ Hoàng Hà cho biết trong những ca sĩ đã hát "Ðất nước trọn niềm vui", ông thích nhất Tạ Minh Tâm, bởi thể hiện trọn vẹn được niềm hân hoan, nỗi mừng vui của mỗi con người trong ngày đất nước thống nhất. Ông thấy sao với nhận định này?
- Khi đang học thanh nhạc, tôi đã từng tập hát ca khúc này và được bạn bè, thầy cô đánh giá rất cao. Chính vì thế, vào ngày 30-4-1985 tại lễ kỷ niệm 10 năm ngày thống nhất đất nước được tổ chức tại TP HCM, cậu sinh viên trẻ Tạ Minh Tâm được ban tổ chức tin tưởng, giao nhiệm vụ lĩnh xướng dàn hợp xướng qua ca khúc "đinh" của chương trình là "Đất nước trọn niềm vui".
Từ đó, năm nào tôi cũng được lựa chọn để hát ca khúc này. Nhiều người nói cứ nhắc tới Tạ Minh Tâm là nhắc tới "Đất nước trọn niềm vui". Tôi đã hát ca khúc này cả ngàn lần, từ các chương trình chào mừng, kỷ niệm ngày đất nước thống nhất ở trung ương, các địa phương cho tới chương trình ở biên giới, hải đảo, thậm chí cả ở nước ngoài. Đặc biệt, tại các chương trình chào mừng đại hội Đảng ở nhiều cấp, nhiều địa phương cũng đều mời tôi hát.
Bên cạnh "Ðất nước trọn niềm vui", tôi còn hát những ca khúc như "Tiếng hát từ thành phố mang tên Người", "Chào sông Mã anh hùng", "Hà Nội niềm tin và hy vọng", "Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ", "Bài ca hy vọng", "Tình ca"...
. Nhìn lại những gì đã có, ông thấy mình thành công chứ?
- Con người không hạnh phúc vì không bao giờ biết đủ. Nếu biết rõ điều ấy, không tội gì tôi phải để bản thân mình trở nên phiền muộn cả. Tôi thấy mình được quá nhiều thứ. Cuộc đời tôi không chỉ có âm nhạc mà còn được hóa thân với nhiều vai diễn khác nhau trong các bộ phim như "Blouse trắng", "Ngoại tình", "Những ngôi sao biển", "Nghề báo", "Bên kia sông"... Phim "Bên kia sông" do Tạ Minh Tâm đóng vai chính đã đoạt giải Cánh diều vàng năm 2018. Bộ phim tư liệu "7 lần chạm" nói về bản thân tôi cũng đoạt huy chương bạc tại Liên hoan Phim truyền hình toàn quốc.
Quan trọng hơn, ở tuổi này, tôi vẫn còn có thể hát, vẫn sống hết mình với nghệ thuật. Tôi thấy cuộc đời mình quá đỗi may mắn!
NSND Tạ Minh Tâm. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
. Dù vậy, không thể phủ nhận dấu ấn của ông thuộc về quá khứ và nó có phần xa lạ với khán giả trẻ hiện tại. Thậm chí, có bạn trẻ còn chê "Tạ Minh Tâm không biết hát"?
- Tôi có biết những nhận định đó nhưng so với những lời khen dành cho mình thì những lời chê này không đáng kể. Cuộc đời này làm gì có ai được tất cả mọi người yêu mến? Bản thân mình có hay hay không thì mình biết. Tôi còn là thầy, làm công tác giảng dạy nên hay dở thế nào, tôi là người rõ nhất. Vậy nên, với những nhận định này, tôi cũng chỉ cho rằng nó là một gia vị không thể thiếu trong hành trình của bản thân mà thôi.
. Chưa bao giờ danh xưng "nghệ sĩ" hiện nay lại trở nên mong manh khi gắn liền với những xì-căng-đan. Ông có thấy thế không?
- Ở bất cứ ngành nghề nào, khi đã chọn, bạn phải cống hiến hết mình, phải sống cho đam mê, có trách nhiệm với lựa chọn của mình thì người đó mới xứng đáng với sự tôn trọng. Là một nghệ sĩ hay không, nhìn vào sự tôn trọng của khán giả dành cho họ để định đoạt.
. Suy cho cùng, nghệ sĩ vẫn là cầu nối để dẫn đến danh vọng, tiền tài. Thế nên, danh xưng nghệ sĩ đã bị lạm dụng không thương tiếc?
- Khi đến với công việc nào đó, bạn đừng nghĩ vì bất cứ lý do nào cả. Khi bạn có thể hết lòng với nó, mọi thứ tự nhiên sẽ đến. Đó là hành trình và những gì mà tôi có được. Có những hạnh phúc thực sự rất giản đơn nhưng ý nghĩa lại rất lớn. Vì như tôi dành mọi sức lực, tâm trí tôi có cho một phần biểu diễn, tôi chắc rằng đó sẽ là phần biểu diễn tuyệt vời nhất. Hạnh phúc đến từ đó chứ đâu.
Những toan tính hát bài đó sẽ được bao nhiêu người thích. Hát một "sô" bao nhiêu tiền... thực ra cũng là mục đích chính đáng của mỗi người. Nhưng điều đó không phải là nghệ thuật thuần túy. Khi thực sự sống thuần túy vì nghệ thuật, bạn sẽ có được một loại hạnh phúc rất khó tả bằng lời.
. Nếu nói về cuộc đời mình, ông thấy mình đã có được những gì?
- Là sự viên mãn. Có người ở tột đỉnh sự giàu sang nhưng có sung sướng gì đâu. Còn có người chỉ vừa đủ ăn nhưng cuộc sống vui vẻ mỗi ngày. Con đường tôi đã đi qua, không bằng phẳng gì nhưng cũng chẳng có gì phải hối tiếc hay thất vọng cả. Cũng có lúc tôi bị bối rối, hoang mang nhưng cái khó nào ở đời cũng sẽ qua.
Mới đây, khi tham gia chương trình "Khát vọng - Tỏa sáng" chào mừng thành công Đại hội XIII của Đảng, trước ngày bay ra Hà Nội, tôi bị đau ruột thừa cấp phải mổ gấp. Do viêm ruột thừa gây áp-xe nên ca mổ khá nghiêm trọng, phải kéo dài hơn 3 giờ. Sau khi mổ, bác sĩ đề nghị tôi phải lưu lại bệnh viện thêm ít nhất 10 ngày để theo dõi.
Tuy nhiên, tôi vẫn lén trốn bác sĩ để bay ra Hà Nội thực hiện chương trình. Một chương trình lớn như chào mừng đại hội Đảng luôn được đánh giá là rất quan trọng, chương trình đã lên kế hoạch cụ thể và chi tiết nên mỗi lần thay đổi sẽ rất khó khăn.
Khi đi mổ, tôi đã báo cho ban tổ chức và họ đang rất lo lắng không biết xử lý như thế nào. Tôi đã cân nhắc rồi quyết định trốn viện để bay ra Hà Nội. Khi hát bụng vẫn còn đau lắm nhưng tôi biết tiên lượng sức khỏe của mình.
. Ở tuổi này, nhất là sau liveshow sắp tới, ông sẽ nghỉ hưu chứ?
- Tôi còn rất sung sức, vẫn đi hát và tiếp tục đứng trên bục giảng để truyền dạy cho các thế hệ ca sĩ trẻ. Những năm qua, nhiều giọng ca trẻ đã mang về nhiều giải thưởng quốc tế từ các cuộc thi nghệ thuật. Đó là tín hiệu đầy phấn khởi của những ai quan tâm đến diện mạo văn hóa nghệ thuật nước nhà và là niềm vui cho chúng tôi.
Tôi gắn liền với những ca khúc truyền thống cách mạng rồi định danh với dòng nhạc này. Vốn được đào tạo kỹ thuật ca hát cổ điển thế giới nhưng tôi đã yêu mến và thể hiện những ca khúc truyền thống cách mạng từ lúc vào nghề cho đến nay. Tôi áp dụng vốn kiến thức và kỹ thuật ca hát cổ điển cho dòng nhạc cách mạng truyền thống để tạo nên sự khác biệt cho phần biểu diễn.
Hát một ca khúc không khó nhưng để đi đến tận cùng ngóc ngách của cảm xúc thì không phải ai cũng có thể làm được. Hành trình hơn 40 năm ca hát của mình, tôi nhận ra ca khúc sẽ hay hơn vạn lần nếu người hát chịu chiêm nghiệm để thẩm thấu từng cái hay, từng ý nghĩa ẩn sâu trong từng ca từ, giai điệu.
Bình luận (0)