Ngày 18-1, triển lãm "Qua miền Tây Bắc" của NSND - họa sĩ Trà Giang sẽ khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM. "Qua miền Tây Bắc" trưng bày 30 bức tranh sơn dầu, chủ yếu là tranh phong cảnh và hoa. Phong cảnh Tây Bắc nơi NSND đã từng có thời gian sống, gắn bó với vô vàn kỷ niệm giờ đây tái hiện trong tranh của bà.
Phong cảnh Tây Bắc - một trong các bức tranh của NSND Trà Giang tại triển lãm
"Nắng sớm", "Bông cải sau hè", "Phong cảnh Tây Bắc", "Đèo Pha Đin", "Mây xuống núi", "Trước gió", "Mây lang thang", "Bản Xín Chải - Sa Pa", "Chiều Tây Bắc", "Thanh bình"… đều là những khoảnh khắc ấn tượng. NSND Trà Giang kể bà đã đến vùng đất này cùng các đạo diễn Thanh Vân và Lý Thái Dũng, theo chân đoàn làm phim "Điện Biên Phủ". Đến vùng đất này, bà bảo cứ lẩm nhẩm hát bài "Qua miền Tây Bắc" của nhạc sĩ Đỗ Nhuận và cảm thấy cái đẹp ập vào tim, đến mức nghẹt thở, nên giờ ngồi vẽ lại những khoảnh khắc tuyệt vời đó.
Nổi danh với hàng loạt vai diễn trong nhiều tác phẩm điện ảnh cách mạng: "Chị Tư Hậu", "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", "Bài ca ra trận", "Huyền thoại về người mẹ"..., bà thuộc thế hệ vàng của điện ảnh Việt Nam. Tuổi đã cao nên sau phim "Dòng sông hoa trắng" năm 1990, NSND Trà Giang quyết định tạm biệt điện ảnh. Bước ngoặt trong cuộc đời bà đến vào năm 1999 khi người bạn đời - nhạc sĩ Bích Ngọc - về cõi vĩnh hằng. Bắt đầu từ năm định mệnh ấy, bà quyết định tập trung cho hội họa.
"Năm 1965, tôi và diễn viên Ngọc Lan (mẹ của đương kim Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan) đã có một chuyến đi thực tế về tận một bản miền núi sát biên giới Lào ở miền Tây tỉnh Nghệ An. Lên đến thị trấn huyện Con Cuông, chúng tôi còn phải đi bộ 3 ngày mới vào tới bản Pha Lay Tả ở sát biên giới Việt Lào, là nơi xảy ra câu chuyện phim "Lửa rừng". Vai diễn của tôi là một người phụ nữ có chồng theo thổ phỉ, được sự động viên của các chiến sĩ công an, cô ấy đã đi gọi chồng về. Phải đến tận bản đó, sống mấy tuần cùng với người dân, học cách nói, cách ứng xử, cách ngồi trước bếp lửa… Cảm nhận cái đẹp của vùng đất này nó kỳ lạ lắm. Lam lũ, vất vả, nhưng rất đẹp, hồn nhiên, hòa lẫn với thiên nhiên và vẫn có chút mơ mộng" - NSND Trà Giang nhớ lại. Bà cho biết chính chuyến đi lên bản Pha Lay Tả ở vùng biên giới Việt - Lào là nguyên nhân ra đời bức tranh "Người đàn bà H’mông đi trong sương".
Mỗi lần triển lãm, lại có những người ngắm những bức tranh của NSND Trà Giang, sau đó họ chia sẻ những hồi ức, kỷ niệm. "Cánh đồng Mường Thanh" là nơi mà người cha đã chiến đấu ở đó trong kháng chiến khiến người con chỉ cần nhắc tên địa danh đó đã xúc động. "Cổng làng Nhật Tảo" là nơi một vị khách nọ đã từng đi sơ tán hồi chiến tranh.
NSND Trà Giang không vẽ tranh trừu tượng, bà chỉ vẽ lại những đam mê, cảm xúc, ấn tượng, ký ức và những khoảnh khắc rất giản dị, đời thường. NSND Trà Giang nói bà vô cùng cảm ơn nghề diễn bởi bà học được rất nhiều từ các tay máy quay phim những kiến thức về ánh sáng, tỉ lệ, bố cục, hình họa… Bà bảo không biết mình có phải là họa sĩ chuyên nghiệp hay không nhưng bà vẽ bằng cả đam mê và coi hội họa là nguồn sống. Hội họa đã là chiếc cầu để kết nối những cảm xúc của người nghệ sĩ với người thưởng thức. "Có lẽ là cái duyên trời cho nhưng nếu không có hội họa, tôi không biết phải sống sao trong suốt 18 năm vừa rồi" - bà nói.
NSND Trà Giang đã có nhiều cuộc triển lãm chung từ năm 2001 đến nay. Bà cũng đã có triển lãm cá nhân vào năm 2006 và 2016. Triển lãm "Qua miền Tây Bắc" sẽ kéo dài đến hết ngày 28-1.
Bình luận (0)