xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

NSƯT Hạnh Thúy: Khó trăm bề nhưng không bỏ nghề

THANH HIỆP thực hiện

Chị luôn trăn trở về nghề và tâm huyết với việc sáng tác, dàn dựng, dù khó khăn vẫn luôn vây quanh đời nghệ sĩ

Phóng viên: Là gương mặt quen thuộc với khán giả qua sự hóa thân đa dạng về tính cách nhân vật, chị vừa có thêm vai diễn hay trong vở "Chạy", công diễn tối 27-11 tại Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM (5B). Nhân vật này có điều gì khác lạ với chị?

- NSƯT HẠNH THÚY: Đây là tác phẩm đoạt giải A trại sáng tác kịch bản 2019 của tác giả Trần Kim Khôi - Tùng Phi, do đạo diễn NSND Trần Minh Ngọc dàn dựng. Vở được UBND TP HCM đầu tư kinh phí, sau suất diễn đầu tiên đã tạo được hiệu ứng tích cực. Vai diễn của tôi khác lạ nhiều so với những số phận nhân vật mà tôi đã hóa thân. Một người phụ nữ đã vượt biên, chạy trốn quá khứ, bỏ lại chồng con. Sau thời gian đau khổ trên xứ người, bà đã quay về, muốn bù đắp cho con nhưng người chồng quá cay nghiệt, cố chấp, không tha thứ. Hoàn cảnh đưa đẩy họ chia cắt nhưng chính quê hương đã tái tạo lại cho họ niềm tin.

Để mỗi nhân vật luôn tươi mới, chị dung nạp chất liệu từ đâu?

- Tôi là con mọt sách, thích cập nhật thông tin hằng ngày qua nhiều kênh truyền hình. Sau này đi dạy, tôi lại còn thích nghe học trò kể về cảm nhận của các em trong đời sống, để học góc nhìn thanh xuân hóa từ họ và nhìn mọi vấn đề bằng đôi mắt hồn nhiên. Được một điều là chất liệu thẩm thấu vào tôi rất nhanh, nên khi áp dụng cho vai diễn tôi cũng là người biết nhào nặn để cảm xúc của mình chín mùi.

NSƯT Hạnh Thúy: Khó trăm bề nhưng không bỏ nghề - Ảnh 1.

NSƯT Hạnh Thúy

Chị tốt nghiệp khóa đạo diễn điện ảnh truyền hình K1 (2015-2019) tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM với bộ phim ngắn "Đi bụi", chuyển thể từ truyện ngắn "Bà già đi bụi" của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Phải chăng niềm đam mê văn chương cho chị cơ hội viết, dựng và sáng tác?

- Chính xác, thành quả này có được từ việc ham đọc sách. Thật sự tôi đã gặp nhiều khó khăn khi làm phim tốt nghiệp, văn chương đã cho tôi lời khuyên và giải pháp để vượt qua tất cả.

Từng đoạt giải "Nữ diễn viên phụ xuất sắc" trong phim điện ảnh "Sống trong sợ hãi" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Sau đó, vở kịch "Dòng nhớ" do chị sáng tác và đạo diễn, phóng tác từ truyện ngắn cùng tên của tác giả Nguyễn Ngọc Tư đã đoạt 7 giải thưởng. Đó là vinh quang mà không phải nữ nghệ sĩ nào cũng chạm tay tới được?

- Tính tôi không thích ôm hào quang mà muốn lao vào làm cái mới. Thành tựu nghệ thuật đạt được là thử thách cho công việc tiếp theo. Thực tế phụ nữ làm nghệ thuật chịu nhiều vất vả hơn cánh đàn ông, vì chúng tôi còn có bổn phận làm mẹ, làm vợ. May mà ông xã tôi (làm bên ngành mỹ thuật) và 2 con tôi luôn đồng cảm, chia sẻ với tôi. Có được điểm tựa này tôi vững vàng dấn thân đi tới.

Có nghệ sĩ nói rằng sáng tạo văn học - nghệ thuật như "chim gọi bầy", nhờ sự tương tác mà nhiều người có thêm động lực vươn lên. Nhưng chị nói phụ nữ phải chấp nhận vất vả, phải chăng yếu tố khách quan không thay thế được vai trò của chủ thể?

- Trong lao động nghệ thuật hiện nay, khó có thể nói "mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên", bây giờ còn phải có kinh tế và bạn bè. Đây là giai đoạn mà sân khấu đang chịu rất nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 và thiên tai, khi làm vở "Chạy", thật sự tôi rất thương NSƯT Mỹ Uyên - Giám đốc "5B", cùng là phụ nữ nên tôi hiểu. Vai trò chủ thể của chúng tôi ngoài chức năng diễn viên còn là trách nhiệm đối với tập thể nhà hát. Thật sự khó trăm bề nhưng không bỏ nghề, tôi và Mỹ Uyên vẫn luôn nói như thế, dù phận nữ nhi vẫn chấp nhận chịu vất vả, miễn con đường nghệ thuật mình đi thật sự tử tế.

Vậy điều gì khiến Nhà hát "5B" mạnh dạn đầu tư các vở mới liên tục?

- Sau mùa dịch Covid-19, tâm trạng của diễn viên của nhà hát đều rất mong muốn được biểu diễn. Nhà hát đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn để có những bước đi chín chắn cho sự phát triển của mỗi cá nhân diễn viên. Chúng tôi nỗ lực đào sâu tính cách vai diễn, làm cho nhân vật của mình hay hơn, khán giả hài lòng và sẽ đến xem. Đó là động cơ tích cực để hoàn toàn tự tin vào tài năng, tâm huyết của mình.

NSƯT Hạnh Thúy: Khó trăm bề nhưng không bỏ nghề - Ảnh 2.

Một cảnh trong vở “Chạy” vừa công diễn tối 27-11 tại Nhà hát 5B (Ảnh: THANH HIỆP)

Theo chị, có phải sân khấu hôm nay cần mang tính thị trường, giải trí và đó là mục tiêu hàng đầu?

- Không. Nghệ sĩ còn mang trọng trách định hướng thẩm mỹ, vì thế vở diễn thị trường cũng không thể nào xa rời chức năng, nhiệm vụ cao đẹp đó. Cái khó hiện nay của người làm sân khấu là nắm bắt nhu cầu thị trường, kết hợp với định hướng tư tưởng và nghệ thuật. Tôi không nghĩ chỉ có hài kịch mới dễ bán vé, mà chính kịch, bi kịch và cả những vở diễn về đề tài truyền thống, chính luận nếu làm tốt thì khán giả sẽ không thờ ơ. Kịch ngày nay đang xa rời những thông điệp nóng về tính thời sự, vì thế người xem không đến vì không nhận được những gửi gắm, khao khát của nghệ sĩ. Tôi luôn tâm huyết với nghề, luôn băn khoăn về phương thức điều chỉnh những hạn chế của sàn diễn hôm nay.

Chị đề xuất gì cho việc tạo sinh khí mới của sàn diễn kịch hiện nay?

- Hai xu hướng biểu diễn đang tồn tại: làm nghệ thuật mang tính giải trí, tự phát và làm nghệ thuật phục vụ tuyên truyền các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước. Theo tôi, nhà nước cần có sự đầu tư thích đáng đối với các đơn vị nghệ thuật tiêu biểu cho từng loại hình nghệ thuật sân khấu hiện nay, nhất là giúp các đơn vị xã hội hóa có nguồn vốn để dàn dựng tác phẩm mới. Vở "Chạy" là một điển hình được UBND TP HCM đầu tư. Theo tôi cần nhân rộng để sàn diễn có nhiều vở diễn sáng đèn từ "bà đỡ" là nhà nước.

Sân khấu ngày hôm nay đã quá cũ, quá lạc hậu và nghèo nàn, để nâng tầm chuyên nghiệp thì phải có sự đầu tư đồng bộ từ âm thanh, ánh sáng, trang thiết bị cũng như nhà hát hiện đại? Chị nghĩ về điều này như thế nào?

- Những người làm sân khấu đã nói rất nhiều, không gian nghệ thuật chuyên nghiệp rất cần sự đầu tư về cơ sở vật chất. Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM nhiều năm qua đề xuất xin một thang máy nhưng rồi khán giả lớn tuổi vẫn phải leo bộ 3 tầng lầu để xem kịch. Cần đáp ứng ngay cái thiếu, cái hạn chế trước khi nghĩ đến việc xây một nhà hát hiện đại. Đó là những điều thiết thực nhất để hỗ trợ cho nghệ sĩ có được điểm diễn ổn định và làm nghề tử tế.

Có người hỏi tôi tốt nghiệp loại giỏi, nhiều thành quả nghề nghiệp liệu có hài lòng? Bây giờ mà hài lòng thì đó không phải là tôi. Bởi tôi muốn vươn tới, sẵn sàng đối mặt với những thử thách. Tôi tiếc là mình vẫn còn quá nhiều khuyết điểm chưa khắc phục được, đó là cứ ì ra không chịu viết, dù tôi tư duy rất tốt nhưng tôi lại viết rất chậm.
NSƯT Hạnh Thúy đã đạt các giải thưởng cá nhân: Giải “Đạo diễn xuất sắc” - 2009 - tác phẩm “Dòng nhớ”; Giải B Giải thưởng tác phẩm sân khấu năm 2009 - Tác phẩm “Dòng nhớ”; Giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc - Giải thưởng Hội Điện ảnh năm 2010; Top 3 Nữ diễn viên được yêu thích nhất năm 2012, 2013, 2014; Huân chương Vì sự nghiệp Văn hóa - Thể thao - Du lịch; Giải thưởng tác phẩm văn học năm 2016 vở “Cô gái đến từ hôm qua”, chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo