Phóng viên: Tần suất xuất hiện của bà trên phim gần đây khá dày đặc khiến nhiều người thắc mắc không biết lấy đâu ra năng lượng để NSƯT Lê Thiện làm việc với cường độ như vậy?
- NSƯT LÊ THIỆN: Tôi luôn dung nạp năng lượng tích cực để có thêm hứng thú làm nghề và truyền năng lượng tích cực đó đến với mọi người (cười).
Năng lượng tích cực đó cũng khiến bà luôn tươi vui và mang lại tiếng cười cho mọi người trong công việc?
- Tôi là mẫu người không thích để nỗi buồn xâm chiếm mình. Hễ còn gặp nhau thì cứ vui, ngay cả trong lúc căng thẳng nhất vẫn có những chỗ lấy được tiếng cười để cho đời thêm vui.
Bà từng trải qua 2 cuộc đại phẫu và 12 lần tiểu phẫu với nhiều chứng bệnh khác nhau, trong đó có ung thư gan, nhưng bà đều vượt qua. Có phải nhờ vào năng lượng tích cực này?
- Với tôi, khi lâm bệnh là không buông xuôi. Bởi trong tôi, lửa yêu nghề còn hừng hực thì phải chiến đấu để giành sự sống.
Không lùi bước trước khó nhọc
Bà học múa ballet nhưng lại thành công trong lĩnh vực cải lương, rồi nổi tiếng khi bước sang điện ảnh. Ở những chặng chuyển tiếp này có là giai đoạn khó khăn đối với bà?
- 12 tuổi tôi được tuyển vào Đoàn Văn công Nam Bộ học múa ballet, nhờ sự ham học mà tôi học được nhiều nghề: múa, hát, xiếc... Quê tôi là xứ nghèo khó, tuổi thơ chưa bao giờ dám mơ được ngủ trên giường vì nhà quá nghèo. Khi đoàn văn công đi ngang qua Hoài Nhơn, Bình Định, bắt gặp con bé mặt mày lấm lem nhưng hễ kêu hát thì hát, múa thì múa. Thế là đoàn xin gia đình cho tôi theo để học múa ballet. Hai năm sau, tôi được tuyển vào Đoàn Tổng cục Chính trị, lúc đó được các nghệ sĩ miền Nam trong đoàn (Phương Danh, Ba Du, Phạm Ngọc Bạch…) chú ý, vì thấy tôi sáng dạ, dạy bài hát gì là nhớ ngay. Tôi theo học khóa đào tạo diễn viên chung với Minh Châu, Thanh Vy, Hà Quang Văn… Sau ngày đất nước thống nhất, tôi vào miền Nam nhận nhiệm vụ Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Tham gia phim "Dù gió có thổi" với vai bà nội và được khán giả khen ngợi, tôi mới bước chân vào phim ảnh. Mỗi giai đoạn chuyển tiếp trong lòng tràn ngập những nỗi niềm. Đời người vốn có nhiều lối rẽ. Tôi không bao giờ lùi bước trước khó nhọc.
NSƯT Lê Thiện Ảnh: THANH HIỆP
Từ diễn viên cải lương bước qua đóng phim, nhiều nghệ sĩ khó lột bỏ được chất sân khấu trong cách diễn, bà làm gì để tránh được hạn chế này?
- Khán giả quen nhìn tôi với các vai diễn tính cách. Đào độc vốn là sở trường của tôi. Hơn nữa, dân cải lương đóng phim nếu không biết cách tiết chế sẽ dễ sa vào bi lụy, múa tay, múa chân. May là tôi học nhanh, xem bạn diễn thể hiện rồi hòa mình vào, nhờ vậy khó khăn bước đầu nhanh chóng khắc phục. Điều còn lại là sáng tạo cho vai diễn, tôi sợ nhất là lặp lại chính mình và tránh điều đó.
Không vì tự ái mà làm hỏng tiền đồ sân khấu
Nghe nói bà với nghệ sĩ Phùng Há có kỷ niệm nhớ đời trên đất Pháp trong chuyến lưu diễn vào năm 1973?
- Năm 1973, tôi cùng đoàn văn công sang Pháp biểu diễn trong thời gian diễn ra Hiệp định Paris. Đó là lần đầu tiên tôi được diện kiến nghệ sĩ Phùng Há, bà cũng đến Pháp biểu diễn và có dịp gặp gỡ đoàn văn công miền Bắc. Khi nghe tôi giới thiệu mình là học trò của nghệ sĩ Phương Danh, bà nghi ngờ nên yêu cầu tôi cùng bà diễn "Phụng Nghi Đình". Bà đóng Lữ Bố, tôi đóng Điêu Thuyền. Sau suất diễn đó, bà mới bày tỏ lòng ngưỡng mộ thầy tôi, đã truyền đạt nghề một cách thấu đáo cho học trò trên đất Bắc. Bà tặng tôi một chiếc khăn lụa của miền Nam, để rồi sau ngày đất nước thống nhất, tôi choàng chiếc khăn đó gặp lại bà. Hai cô cháu đã ôm nhau xúc động.
Nhìn lại đời mình, bà hài lòng hay vẫn còn hối tiếc nhiều điều mà lẽ ra…?
- Tôi hài lòng với ứng xử của mình để không vì sự tự ái dẫn đến làm hỏng tiền đồ chung của sân khấu. Ngày đất nước thống nhất, tôi chủ trương "cải lương miền Nam nên trả cho nghệ sĩ miền Nam". Bởi, khi đoàn văn công giải phóng vào Sài Gòn tiếp quản, nếu không giữ lại lực lượng nghệ sĩ tại chỗ, tạo mọi điều kiện để nghệ sĩ Sài Gòn phát huy tài năng thì có lẽ họ đã ra đi. Tôn trọng, nâng niu là điều tôi đấu tranh. Vì thế, Nhà hát Trần Hữu Trang mới mời được nhiều nghệ sĩ tài danh tham gia trình diễn, đem lại vinh quang cho giai đoạn được xem là hoàng kim của sân khấu cải lương sau năm 1975 với hàng loạt các tác phẩm đỉnh cao...
Tôi chỉ hối tiếc là nhà hát của mình đã không giữ được Đoàn Cải lương Xung kích do nhà hát lập ra sau này, để phải giải tán, dù lúc đó lực lượng rất hùng hậu. Đây là chiếc nôi đã "sản sinh" ra một thế hệ vàng của giải Trần Hữu Trang: Thanh Thanh Tâm, Vân Hà, Kim Tử Long, Linh Trung, Chí Linh...
Diện mạo sân khấu cải lương trong suy nghĩ của bà khi nghĩ về cục diện hôm nay?
- Năm nay là năm đẩy mạnh các hoạt động văn hóa. Cải lương có đến 5 cuộc thi, giới trẻ háo hức tìm đến: Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu Trần Hữu Trang của TP HCM, giải Bông lúa vàng của VOH, cuộc thi Dấu chân thần tượng của VTV9, cuộc thi Tài năng trẻ sân khấu của Cục Nghệ thuật Biểu diễn, cuộc thi "Tài tử miệt vườn" của Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Tháp. Tôi là giám khảo của cuộc thi Dấu chân thần tượng nên rất vui khi thấy giới trẻ thể hiện niềm đam mê của mình. Diện mạo cải lương đã khởi sắc, vấn đề còn lại là tạo đất diễn hậu các cuộc thi, để các em được giải có cơ hội tỏa sáng. Trẻ hóa lực lượng có sự kềm cặp của thế hệ nghệ sĩ đi trước là điều đòi hỏi người làm nghệ thuật hôm nay chung sức.
Mái ấm là điểm tựa
Nghệ sĩ thường lãng mạn, tuổi thanh xuân của bà khi đối diện tình yêu như thế nào?
- Tôi và ông xã gặp nhau trên đất Bắc. Chúng tôi đều là dân làm nghệ thuật. Tôi là diễn viên, ông ấy chỉ huy dàn nhạc. Giữa tình yêu nghệ sĩ còn có tình yêu người chiến sĩ. Bởi, thời đó chúng tôi liên tục phục vụ bộ đội. Tình yêu nảy nở giữa bạt ngàn màu áo xanh, lãng mạn lắm. Và cũng ít ai biết, tôi thường xuyên được tổ chức đem ra nhắc nhở trong các cuộc họp, cho rằng tôi lãng mạn quá nên thư của bộ đội hâm mộ gửi về đoàn quá nhiều. Mà điều này có phải lỗi của tôi đâu? Tuổi thanh xuân thật nhiều hạnh phúc.
Bà nghĩ gì về một gia đình hạnh phúc? Trải qua bao thăng trầm, bà có nghĩ rằng gia đình của một nghệ sĩ có đặc trưng riêng so với người bình thường khác?
- Gia đình hạnh phúc là một mái nhà mà người cha cùng con lao vào bếp, người mẹ nếm lại món ăn và tươi cười... Có lẽ, giữa nhịp sống hiện đại hối hả thường nhật, những điều đơn giản như thế đủ định nghĩa một cách giản dị, gần gũi mà cũng thật sâu sắc về hạnh phúc gia đình. Mái ấm là nơi mỗi người đều mong muốn được trở về để cùng san sẻ yêu thương, ngọt ngào, đắng cay trong cuộc đời. Nghệ sĩ hay người khác đều mưu cầu hạnh phúc đó. Gia đình nghệ sĩ tuy có khác trong cách sinh hoạt nhưng vẫn là nơi để niềm vui ngự trị. Những xung đột, mâu thuẫn vẫn có, đôi khi dữ dội vì nghệ sĩ vốn nhạy cảm, dễ tự ái. Nhưng rồi mọi việc đều êm xuôi do ý thức được mái ấm là điểm tựa cho mình lao động nghệ thuật, làm nghề bền bỉ.
Sau chương trình Những cánh chim không mỏi của HTV thực hiện về quá trình làm nghề của mình, bà có dự định sẽ tổ chức một chương trình riêng mình để kỷ niệm chặng đường 60 năm gắn bó với nghệ thuật?
- Có nhiều nơi mời tôi thực hiện, nhất là Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, nơi tôi đã công tác cho đến khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, hình thức live show bây giờ không còn thu hút khán giả, vì một nghệ sĩ hát nhiều vai trong một đêm diễn khó có thể hay. Nội lo phục trang thôi cũng đủ hết thời gian. Tôi đã không hát thì thôi, còn hát mà chụp giựt, làm ẩu thì không. Tôi có nghĩ đến một vở diễn mà thế hệ chúng tôi cùng diễn với thế hệ trẻ. Đó là một chặng đường đúc kết những hoài bão của nghệ sĩ từng dệt nên những ước mơ đẹp.
Nhiều vai diễn để đời
63 năm theo nghề, ở lĩnh vực cải lương, bà đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ trong lòng công chúng qua các vai diễn để đời trong các vở: "Dệt gấm", "Khuất Nguyên", "Mùa xuân", "Rạng ngọc Côn Sơn", "Ánh sáng phù du", "Thạch Sanh - Lý Thông", "Hòn đảo thần vệ nữ", "Bao mạch nữ"... Ở lĩnh vực điện ảnh và phim truyền hình, bà nổi tiếng với các vai diễn bà nội, bà ngoại tiêu biểu trong các phim: "Dù gió có thổi"; "Vừa đi vừa khóc"; "Cá rô, em yêu anh", "Thưa mẹ con đi"... Bà còn đắt sô đóng các vai người mẹ trong các MV (video ca nhạc) của các ca sĩ.
Bình luận (0)