NSƯT Lê Thiện tại Nhà hát TP trong buổi diễn tổng dợt tác phẩm múa Ballet Kiều
"Đây được xem là một trong những tác phẩm múa của Đoàn vũ kịch HBSO đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ giới chuyên môn và khán giả. Tôi được mời đến xem buổi tổng dợt vì tối nay tôi bận đi quay phim, do đó thú vị khi được "vào tận bếp", nơi mà các "đầu bếp" đang chế biến những món ăn cho buổi đại tiệc tối nay. Phải nói là thật sự xúc động và ngưỡng mộ sức làm việc của đội ngũ diễn viên cùng với ê kíp thực hiện tác phẩm múa này" – NSƯT Lê Thiện tâm sự.
Bà yêu nghề diễn viên múa bởi ngay từ bé đã thích những động tác uyển chuyển, lớn lên tập kết ra Bắc lại được học diễn viên cải lương do NSND Tám Danh, NSND Ba Du dạy, bà lại càng yêu vũ đạo của sân khấu cải lương.
NSƯT Lê Thiện khen ngợi tổng đạo diễn Tuyết Minh sau buổi tổng dợt vở Ballet Kiều tại Nhà hát TP - ngày 20-6-2020
"Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du lần đầu tiên được chuyển thể sang tác phẩm ballet với tựa đề "Ballet Kiều". Ngôn ngữ thật tuyệt, đầy tính ước lệ trong tác phẩm này. Ở mỗi phân đoạn, Kiều đánh đàn theo các cung bậc cảm xúc khác nhau, tiếng đàn có lúc thì thầm, dặt dìu, mềm mại, tha thiết. Biên đạo múa Tuyết Minh đã chọn ballet - loại hình nghệ thuật múa kinh điển để "kể" Truyện Kiều. Tôi tin tối nay khán giả yêu nghệ thuật múa sẽ vỡ òa hạnh phúc trong không gian đượm chất thơ, trữ tình" – NSƯT Lê Thiện tâm sự.
NSƯT Lê Thiện và diễn viên Ba Chinh của vở Ballet Kiều tại Nhà hát TP - ngày 20-6-2020
Trước đó, biên đạo múa NSND Kim Quy đã nhận xét chính sự đoàn kết làm nên sức mạnh để tác phẩm này được ra mắt khán giả bằng chính tài năng, nghị lực của đội ngũ diễn viên múa và biên đạo múa trẻ tuổi.
NSND Trần Minh Ngọc cho rằng hình tượng các nhân vật: Thúy Kiều, Đạm Tiên, Kim Trọng, Tú Bà, Sở Khanh, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Từ Hải, Sư Giác Duyên... được đưa vào múa thật điển hình mà lại bao hàm được tư tưởng của Nguyễn Du. Cái hay chính là làm sao để ngôn ngữ múa tạo nên những hỉ, nộ, ái, ố, lạc, dục giúp người xem suy ngẫm đến đời sống tinh thần của tác phẩm Truyện Kiều và trân trọng vận mệnh của mình ngay ở thời hiện tại.
Tổng đạo diễn Tuyết Minh đã lao động nghệ thuật thật nghiêm túc, để vở Ballet Kiều hứa hẹn mang lại hiệu quả tại Nhà hát TP trong suất diễn tối 20-6-2020
"Tôi cho rằng biên đạo múa Tuyết Minh đã chú trọng tiêu chí kỹ thuật, vận dụng âm nhạc dân gian có cả tính hiện đại, rồi đưa điện ảnh với kỹ xảo đạt hiệu quả nghệ thuật" – ông nhấn mạnh.
Dù chưa công diễn, "Ballet Kiều" đã được Quỹ quan hệ Việt Mỹ "đặt hàng" tái diễn vào ngày 24-7 tại Nhà hát TP HCM và sẽ tiếp tục diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 14-8 tới.
Ballet Kiều là vở ballet đầu tiên chuyển thể từ Truyện Kiều của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, do Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tổ chức, kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ múa ballet châu Âu với những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc Việt.
"Ballet Kiều" do Hội Nghệ sĩ múa quy tụ được một đội ngũ chuyên môn cao, hợp tác ăn ý. Đó là biên đạo Phúc Hùng và biên đạo múa, thạc sĩ Tuyết Minh; nghệ sĩ Phúc Hải đảm trách thiết kế ánh sáng; nhạc sĩ Việt Anh - người làm nhạc tri kỷ cho nhiều tác phẩm của biên đạo Phúc Hùng và nhạc sĩ trẻ Chinh Ba đảm nhận phần âm nhạc.
Chỉ đạo nghệ thuật, PGS-TS-NSND Ứng Duy Thịnh cho biết ngay từ trên giấy, kịch bản Ballet Kiều đã được hội đồng nghệ thuật của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam chấm xuất sắc trong cuộc vận động sáng tác kịch bản múa 2019.
Các nghệ sĩ đang háo hức cho những suất diễn đưa tác phẩm này đến công chúng tại TP HCM và Hà Nội
Bình luận (0)