Từ ngày 8 đến 10-7, tại Cần Thơ, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật (Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM) tổ chức lớp tập huấn về công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật năm 2020 cho 80 cán bộ tuyên giáo, nhà báo và văn nghệ sĩ TP.
Đoàn văn nghệ sĩ rất xúc động khi được đến tham quan một di tích lịch sử tại Cần Thơ. Đó là Khám Lớn Cần Thơ ở số 8 Ngô Gia Tự, phường Tân An, quận Ninh Kiều. Từ ngày 28-6-1996, Bộ Văn hóa - Thông tin đã xếp hạng khu nhà tù này là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia.
NSƯT Mỹ Uyên và Lam Tuyền (Nhà hát Trần Hữu Trang) xem triển lãm tại Khu di tích Vườn Mận
Di tích Khám lớn Cần Thơ được xây dựng năm 1886, trên diện tích 3.762 m2, nằm kế bên khu vực dinh Tỉnh trưởng thời Pháp thuộc và thời Việt Nam Cộng hòa (nay là nơi đặt trụ sở UBND TP Cần Thơ).
Sau Hiệp định Genève (1954), Khám lớn Cần Thơ được đổi tên là Trung tâm Cải huấn cho đến ngày 30-4-1975.
NSƯT Mỹ Uyên và các văn nghệ sĩ trong chuyến đi tập huấn tại Khu di tích Khám lớn Cần Thơ Ảnh: Lê Phước
Đoàn đã đến tham quan Khu di tích Căn cứ Vườn Mận - một trong những căn cứ lõm của lực lượng cách mạng, nơi lưu giữ nhiều ký ức đẹp về tình quân dân đoàn kết một lòng vượt qua gian khổ nguy hiểm trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây còn là nơi ghi lại dấu ấn lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam trong trận đánh quyết liệt không cân sức giữa ta và địch suốt 6 ngày đêm.
NSƯT Mỹ Uyên tại đường mòn dẫn vào đường hầm bí mật tại Khu di tích Vườn Mận
"Chúng tôi đến tham quan hai khu di tích này để tìm hiểu lịch sử văn hóa dân tộc một cách trực quan sinh động nhất. Nhiều lần đến Cần Thơ để diễn, để quay hình nhưng chưa tôi bao giờ được đến hai khu di tích này" – NSƯT Mỹ Uyên tâm sự.
NSƯT Mỹ Uyên, Hạnh Thúy, nhà giáo ưu tú Phan Bích Hà, đạo diễn Đăng Lưu Việt Bảo và NSND Đào Bá Sơn tại khu di tích Vườn Mận
Ở Khu vườn Mận thuộc ấp Lợi Dũ A, xã An Bình (nay thuộc khu vực Bình Thường B, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) rộng gần 7.000 m2, cách thị trấn Cái Răng 2 km, NSƯT Mỹ Uyên và các văn nghệ sĩ NSND Đào Bá Sơn, NSƯT Ca Lê Hồng, Nhạc sĩ Trần Xuân Tiến, Thế Hiển, Nhất Sinh, NSƯT Minh Hạnh, Lam Tuyền, Mỹ Uyên, Hải Phượng, nhà thơ Tú Lệ, tiến sĩ Lê Hồng Phước, ca sĩ Huỳnh Lợi, tác giả Thanh Bình... đã bày tỏ nhiều cảm xúc.
Mỹ Uyên mong muốn có dịp đưa các diễn viên trẻ của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP HCM về tham quan hai di tích lịch sử này để họ hiểu hơn về giá trị của cuộc sống hôm nay, khi có biết bao xương máu của các thế hệ đi trước đã đổ xuống để bảo vệ cuộc sống hiện tại của chúng ta.
Nhà thơ Tú Lệ, NSƯT Mỹ Uyên, nhà báo Dương Thị Liên Chi, Linh Đoan tại Khu di tích Vườn Mận
Tại lớp tập huấn, văn nghệ sĩ TP HCM đã được nghe hai chuyên đề về "Những vấn đề không gian văn hóa nghệ thuật công cộng của TP HCM" và "Một số vấn đề về xây dựng môi trường văn hóa", xem phim tài liệu "Bi tráng ca Gia Định thành" của đạo diễn Nguyễn Mộng Long.
Phát biểu tại lớp tập huấn, ông Phan Nguyễn Như Khuê - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo, Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật TP HCM - cho rằng đây là việc rất có ý nghĩa, góp phần vào đời sống văn học nghệ thuật sôi động hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Thu Hoài - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM - và đạo diễn NSƯT Ca Lê Hồng, tác giả Thanh Bình cùng các văn nghệ sĩ thắp hương đền thờ Bác Hồ tại Khu di tích Khám lớn Cần Thơ
Ông Phan Nguyễn Như Khuê cho biết Ban Tuyên giáo Thành ủy đang nỗ lực phối hợp với các cơ quan báo chí và các đơn vị văn học nghệ thuật tham mưu cho lãnh đạo TP tuyên truyền, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, phấn đấu xây dựng TP HCM ngày càng hiện đại, văn minh, nghĩa tình.
Bình luận (0)