NSƯT Tú Sương tạo dấu ấn mới cho sự nghiệp qua vai diễn trong vở "Ảnh tự"
Không ồn ào náo nhiệt, không lạm dụng hình ảnh gợi dục tính hay bạo liệt tình ái vốn bị xem là trò diễn của các vở kịch về đề tài đồng tính, "Ảnh tự" cứ thế dịu dàng dành trọn cho mình tình yêu của rất nhiều khán giả tối qua đến Nhà hát Trần Hữu Trang.
Là vở kịch đề cập tới tình yêu đồng giới của một thanh niên nắm quyền trưởng tộc trong một gia đình giàu có, vở diễn mang trong nó những chi tiết bùng nổ mâu thuẫn, những gay gắt xung đột khiến người xem khóc cười với các số phận đáng thương và đáng trách của câu chuyện kịch. Và người nghệ sĩ thể hiện tinh tế những nút thắt khó gỡ đó chính là NSƯT Tú Sương.
Diễn viên Lê Sơn (vai Nguyễn Phúc Tuấn), Lê Hoàng Giang (vai Đắc Vọng) và Kim Nhã (vai Tình Như) trong vở "Ảnh tự"
Tưởng là cuộc lấn sân "trái sở trường" nhưng NSƯT Tú Sương đã nhẹ nhàng hòa quyện cảm xúc vào không gian kịch nói, chứng tỏ sự thâm hậu trong diễn xuất, làm chủ tuyến kịch đồng thời yểm trợ đắc lực cho dàn diễn viên trẻ lần đầu xuất hiện bên cạnh cô.
Tất cả những xung đột kịch từ sự tranh chấp ngôi vị trưởng tộc, đến việc bức ép các nàng dâu phải sinh con để nối dõi tông đường, cứ nhẹ như gió, lặng như mây một cách "rất Tú Sương" trong bản hòa âm nghệ thuật mà đạo diễn Tùng Trần là vị nhạc trưởng rất thông minh.
Mối tình đồng tính đau khổ của Nguyễn Phúc Tuấn được Lê Sơn và Lê Hoàng Giang khắc họa rất đẹp
Bằng thủ pháp riêng của mình, tác giả Lâm Phan Tín để vẽ ra một bức tranh đẹp, đầy sống động về thân phận của người đồng tính dưới chế độ phong kiến. Ở đó, Nguyễn Phúc Tuấn - vai diễn của Lê Sơn - luôn có khát khao mạnh mẽ được sống bình đẳng, tự do và hướng tới tương lai trong chính con người của mình.
Trước hết, câu chuyện mang nặng trong nó sự bứt phá, ước vọng được làm chủ cuộc sống của mình, nơi mà các nhân vật như dồn nén nỗi niềm, vỡ òa trong cảm nhận khán giả về bi kịch của chính cuộc đời họ. Cái hay của tác giả và đạo diễn là giấu nút thắt đến phút cuối, gửi gắm vào đó nhiều thông điệp về cái giá phải trả khi gieo vào chính cuộc sống quá nhiều oan nghiệt.
Kim Nhã và Lê Sơn thể hiện nhiều cảm xúc chân thật trong vở "Ảnh tự"
NSƯT Tú Sương diễn vai phụ nhưng tầm cỡ của nhân vật lại đè nặng lên những nhân vật chính, từ đó, tất cả những xung đột bùng lên như một ngọn lửa nhỏ đủ sức đốt cháy mọi cảm xúc.
Có lẽ điều thú vị nhất chính là khán giả yêu quý tư cách làm nghề của NSƯT Tú Sương đã đến với vở kịch cô tham gia và cổ vũ sức sáng tạo của cô cùng các diễn viên trẻ như: Lê Sơn (vai Nguyễn Phúc Tuấn), Lê Hoàng Giang (vai Đắc Vọng), Huỳnh Điệp Kiều Ngân (vai Đắc Xuân), Kim Nhã (vai Tình Như), Tất Diệu Hằng (vai Sen), Minh Nguyệt (vai bà đồng), Huỳnh Thanh Trực (vai Phúc Tuấn giai đoạn thiếu niên). Họ không chỉ thể hiện cảm xúc chân thật mà còn hòa vào không gian mà đạo diễn sử dụng trình thức vũ đạo của Tuồng rất thuyết phục.
Chính sự lao động nghệ thuật nghiêm túc của NSƯT Tú Sương đã khơi dậy lửa đam mê cho những người trẻ, giúp cho họ sẵn sàng bùng cháy bất cứ lúc nào trong từng cảnh diễn của vở "Ảnh tự".
Từ trái sang: Lê Sơn, NSƯT Tú Sương và Huỳnh Thanh Trực trong vở "Ảnh tự"
Điểm đáng khen nữa chính là sự lột tả được cái nội dung bên trong con người của từng nhân vật, cho thấy diện mạo sân khấu kịch có thể yên tâm về sự kế thừa của nhiều diễn viên trẻ luôn muốn bứt phá, được sống với nghề và làm nghề tử tế.
Bên cạnh NSƯT Tú Sương, người hóa thân vào vai gia chủ của Nguyễn Phúc là diễn viên trẻ Lê Sơn – anh xuất thân từ khoa Diễn viên Kịch - Điện ảnh của trường Đại Học Sân khấu Điện Ảnh TP HCM, đã từng có hai năm lưu diễn cùng đoàn kịch Pháp trong vở kịch "Sài Gòn" (công diễn tháng 9-2018 nhân 45 năm kỷ niệm quan hệ Việt Nam - Pháp). Khán giả yêu mến nhân vật của Lê Sơn bởi anh đã khắc hoạ một Nguyễn Phúc Tuấn rất tinh tế, lột tả được góc nhìn đầy thương cảm về một chàng trai thơ ngây, trong sáng, phút chốc đau đớn tột cùng khi nhận biết sự thật về tình yêu. Để rồi chính lòng thù hận đã là bóng ma đeo bám số phận anh.
Đạo diễn Tùng Trần (thứ hai từ trái sang) sau suất diễn đầu tiên vở "Ảnh tự"
Vai diễn của Lê Sơn truyền tải nhiều thông điệp tích cực mà tác giả muốn gửi gắm đến người xem, đồng thời lý giải hai chữ "Ảnh tự" (Cố ảnh tự liên) – tự ngoảnh đầu lại nhìn bóng ảnh của bản thân mình mà biết thương cho chính mình. Vở "Ảnh tự" sẽ tái diễn tại Nhà hát Trần Hữu Trang tối 19-2.
Bình luận (0)