Tôi may mắn có dịp tiếp xúc NSƯT Vũ Linh từ khi còn là một phóng viên trẻ. Lúc đó, theo chỉ đạo của Ban Biên tập, mảng văn hóa - văn nghệ phải thực hiện bằng được sự tương tác với bạn đọc. Các nhân vật nghệ sĩ được chọn để giao lưu với bạn đọc - khán giả trên Báo Người Lao Động cuối tuần những năm 1990 là Vũ Linh, Thành Lộc, Hồng Đào…
Hết lòng với bạn đọc
Ban Văn hóa - Văn nghệ của chúng tôi lúc ấy kiêm luôn công việc "bưu điện". Tôi là người mang thư của bạn đọc, đôi lúc có cả quà gửi tặng nghệ sĩ Vũ Linh, đến địa chỉ nhà riêng của ông trên đường Đoàn Thị Điểm, quận Phú Nhuận, TP HCM.
Trong nhiều lá thư gửi về tòa soạn lúc bấy giờ, không ít bạn đọc muốn được làm học trò của nghệ sĩ Vũ Linh. Có lần, đọc lá thư bạn đọc hỏi làm sao để trở thành diễn viên cải lương, ông cười và nhờ tôi ghi chép lại câu trả lời: Để đứng được trên sân khấu, được khán giả yêu thương đòi hỏi rất nhiều yếu tố mà chưa chắc "dụng năng" sẽ đạt.
Nghệ sĩ Vũ Linh phân tích: "Dụng năng là xài cái tài có sẵn, xem nhẹ yếu tố giữ gìn, vun bồi đạo đức, thì tài năng đó sớm muộn sẽ bị triệt tiêu. Các em, cháu ngay từ đầu đã không có tố chất làm nghề thì đừng nhìn hào quang mà choáng mắt, muốn lao vào rồi phí phạm tuổi thanh xuân".
NSƯT Vũ Linh trong một vở tuồng sân khấu
Lấy bản thân ví dụ, nghệ sĩ Vũ Linh kể tôi nghe quá trình từ chàng thanh niên nghèo khó, nhờ chịu rèn nghề mà nên danh rồi trở thành ngôi sao, nắm giữ linh hồn của nhiều đoàn hát. Thế nhưng, "ma lực" của ngôi sao một thời khiến nghệ sĩ Vũ Linh suýt buông bỏ sàn diễn, chạy theo thú vui đỏ đen nhưng ông sớm nhận ra và biết dừng lại.
Trong cách trả lời bình dị, chân thật, nhiều cánh thư gửi đi - nhận lại khiến mắt nghệ sĩ Vũ Linh cay cay. Ông nhiều lần khoe với tôi: "Cô bé đòi tự tử đã quyết tâm giữ lại bào thai sau khi đọc lời khuyên của anh"; "Cậu nhỏ đòi bỏ học theo nghề hát đã quay lại trường" hoặc trăn trở: "Làm cách nào đến thăm và trao tiền cho bác tài xế xe ôm có con đau nặng, đứa con mà ông đặt tên Vũ Linh?"...
Nhiều hôm đã khuya, nghệ sĩ Vũ Linh vẫn chờ tôi gọi điện thoại để đọc thư bạn đọc và trả lời. Ông luôn hết lòng với bạn đọc Báo Người Lao Động. Chính vì vậy, ông là nam diễn viên sân khấu được bạn đọc bầu chọn giải "Bình chọn văn nghệ sĩ được yêu thích nhất trong năm" vào năm 1991". Đến 1995, khi giải này được đổi tên thành Mai Vàng, ông là nam diễn viên sân khấu được vinh danh đầu tiên với vai Nguyễn Địa Lô trong vở "Bức ngôn đồ Đại Việt".
"Trao nghề quý hơn trao vàng"
Có lần, cố NSND Thanh Tòng nhìn nhận NSƯT Vũ Linh là người có tài, vừa ca hay, diễn giỏi vừa sống lễ độ, biết giữ gìn đạo đức. Còn NSƯT Vũ Linh, khi nhắc đến hai gia tộc lớn của sân khấu cải lương tuồng cổ là Minh Tơ và Huỳnh Long, ông vẫn thường nói "Trao nghề quý hơn trao vàng".
Khi nghệ sĩ Vũ Linh về đầu quân cho Đoàn Minh Tơ, được NSND Thanh Tòng truyền nghề, huấn luyện diễn vai Nguyễn Địa Lô, ông đã biết cách sáng tạo dựa trên bài học quý của người anh trong nghề. Với vai diễn này, ông đã đoạt HCV giải Trần Hữu Trang năm 1995.
Đối với gia tộc Huỳnh Long, nghệ sĩ Vũ Linh đã diễn rất nhiều vai tuồng do soạn giả Bạch Mai sáng tác, nổi tiếng nhất là vở "Giang sơn mỹ nhân". NSƯT Vũ Linh tâm niệm bản thân may mắn được truyền nhiều bài học quý nên khi có điều kiện, ông luôn làm công việc "đưa đò".
NSƯT Vũ Linh và tác giả (Ảnh: CHẤN CƯỜNG)
NSƯT Vũ Linh đã nhận nghệ sĩ Bình Tinh làm con nuôi, thay nghệ sĩ Bạch Mai truyền dạy những ngón nghề tinh thông mà ông đúc kết. Rồi ông sáng lập chương trình "Người đưa đò", diễn tại rạp Hưng Đạo và Thủ Đô (TP HCM) để dìu dắt, nâng đỡ những diễn viên trẻ lúc đó như: Hữu Quốc, Quế Trân, Tú Sương, Trinh Trinh, Bình Tinh, Thy Trang, Tâm Tâm, Thy Phương, Chinh Nhân…
NSƯT Hữu Quốc xúc động nhắc lại vai người cha trong vở "Hòn vọng phu" mà NSƯT Vũ Linh đã dạy anh thể hiện. Nhiều nam diễn viên của sân khấu cải lương như NSƯT Vũ Luân, nghệ sĩ Võ Minh Lâm, Nguyễn Minh Trường… đã học ở NSƯT Vũ Linh rất nhiều, từ nghề nghiệp cho đến cách ứng xử trong cuộc sống...
Cách đây gần 3 tuần, gia đình đã đưa NSƯT Vũ Linh vào cấp cứu tại Bệnh viện An Bình do chứng bệnh ung thư trực tràng tái phát. Ông đã trút hơi thở cuối cùng lúc 12 giờ 30 phút ngày 5-3, hưởng thọ 66 tuổi.
NSND - đạo diễn Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, thương tiếc: "NSƯT Vũ Linh là một nghệ sĩ tài năng, được đông đảo khán giả ngưỡng mộ. Sự ra đi của anh là một mất mát lớn đối với sân khấu cải lương tuồng cổ".
Âm thầm đón nhận và cũng âm thầm trao đi, NSƯT Vũ Linh đã sống trọn vẹn với niềm đam mê dành cho sân khấu cải lương và xứng đáng là một ngôi sao sáng, để lại cho đời nhiều vai diễn hay. Tôi tin công chúng và bạn đọc Báo Người Lao Động không bao giờ quên ông!
NSƯT Vũ Linh tên thật là Võ Văn Ngoan (sinh ngày 10-12-1958). Ông được khán giả biết đến qua nhiều tuồng nổi bật như: "Hòn vọng phu", "Giũ áo bụi đời", "Bức ngôn đồ Đại Việt", "Cô đào hát", "Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài", "Giang sơn mỹ nhân"... Ông được giới chuyên môn nhận xét là nghệ sĩ đa tài, vừa diễn được thể loại tâm lý xã hội vừa diễn xuất sắc thể loại tuồng cổ.
NSƯT Vũ Linh đã quay trên 400 video cải lương hồ quảng và xã hội. Ngoài ra, ông còn tham gia các video ca nhạc như: "Duyên tình", "Tình đời"… hay các phim truyện: "Cô bé mộng mơ", "Búp bê kỳ quái". NSƯT Vũ Linh đã diễn chung với nhiều nữ nghệ sĩ trên sân khấu cũng như trong video, như: Phương Hồng Thủy, Tài Linh, Thanh Thanh Tâm, Ngọc Huyền, Thoại Mỹ, Thanh Hằng, Phượng Mai, Hương Lan, Thanh Ngân…
Trong sự nghiệp nghệ thuật, ông đạt được nhiều giải thưởng: Năm 1989 - giải "Diễn viên được yêu thích nhất" do Báo Sân khấu TP HCM tổ chức; năm 1990 - giải "Danh ca vọng cổ" do Báo Sân khấu TP HCM tổ chức; bạn đọc Báo Người Lao Động bình chọn "Nghệ sĩ cải Lương được yêu thích nhất" năm 1991; năm 1995 - Huy chương vàng giải xuất sắc Trần Hữu Trang với trích đoạn "Bức ngôn đồ Đại Việt"; năm 1999 - Giải Mai Vàng của Báo Người Lao Động ở hạng mục nam diễn viên sân khấu.
Năm 1997, ông được phong tặng danh hiệu NSƯT.
Tang lễ NSƯT Vũ Linh được tổ chức tại nhà riêng, số 5 đường Đoàn Thị Điểm, phường 1, quận Phú Nhuận, TP HCM; an táng tại Nghĩa trang Bình Dương.
Bình luận (0)