Nhà thơ Hồ Đắc Thiếu Anh (1950), hội viên Hội Nhà văn TP HCM. Gần 50 năm sống ở TP HCM, nhà thơ vẫn giữ nguyên giọng Huế, nếp sống Huế, góp phần lan tỏa văn hóa Huế đến với mọi miền, đặc biệt là lĩnh vực ẩm thực. Bà mở nhiều lớp dạy ẩm thực Huế, lớp trực tiếp và lớp trên chương trình truyền hình cũng như viết thành sách. Người ta gọi bà là "nhà thơ ẩm thực".
Nhà văn - họa sĩ Trần Thị Trường (1950) - vừa xuất hiện tiểu thuyết đầu tay "Lời cuối cho em" trên văn đàn (1989), Trần Thị Trường đã nổi như cồn. Đã có hàng chục tập truyện ngắn và tiểu thuyết của bà được xuất bản. Gần đây, bà lại nổi tiếng là một họa sĩ vẽ tranh tĩnh vật…
Phạm Hồ Thu (1950):
Lòng vị tha và sự chân thành
G ặp chị tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, tôi mới biết chị là phu nhân nhà thơ Trần Quốc Thực, một nhà thơ tài hoa đất Hà Nam.
Phạm Hồ Thu sinh năm 1950 tại thị trấn Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam... Tốt nghiệp Ðại học Báo chí (1968-1973), chị lên đường vào chiến trường Khu 5 làm phóng viên mặt trận của Báo Nhân Dân và Ðài Phát thanh Giải phóng cho đến ngày đất nước thống nhất. Chị từng đoạt Giải thưởng cuộc thi thơ Báo Văn Nghệ (1989-1990); Giải thưởng của Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho tập thơ "Quà tặng" (2005); Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho trường ca "Chiến tranh trên gương mặt đàn bà" (2017)…
Thơ Phạm Hồ Thu được đánh giá là một giọng điệu nữ riêng biệt, với sự nồng nàn và chân thành, luôn hướng tới những vẻ đẹp sâu sắc của tình yêu và những giá trị sống... Vượt lên trên tất cả là lòng vị tha và luôn hướng về phía trước: "Thôi đành nhìn mây mà gửi mùa thu/ Nhìn hoa nở mà gọi mùa xuân đến".
Nhà thơ Dạ Thảo Phương (1974):
Một giọng thơ lạ
Cả hai chị em Dạ Thảo Phương đều làm thơ từ rất sớm. Chị ruột của Dạ Thảo Phương là nhà thơ Hàm Anh, học cùng Trường Viết văn Gorki với tôi. Một hôm, Hàm Anh đưa cho tôi đọc "Bài hát về năm chiếc lá" của Dạ Thảo Phương, một cô bé vừa mới tốt nghiệp THPT chưa lâu, khiến tôi ngạc nhiên chưa tin ngay đó là thơ Phương viết: "Hạnh phúc là một chiếc lá/Âm thầm nảy lộc đêm đông/Buồn đau là một chiếc lá/Rụng trong nhựa ứa mai hồng/Nhớ mong là một chiếc lá/Run vô cớ giữa lặng không/Hờn ghen là một chiếc lá/Vỡ đã tắt gió trong lòng/Cô đơn là một chiếc lá/Lay lắt mãi giữa cành đông/Tình yêu chỉ năm chiếc lá/Mà làm thành cả cơn giông".
Có một thời gian, Dạ Thảo Phương trình diễn thơ khá thường xuyên ở sân khấu của Hội đồng Anh, Trung tâm Văn hóa Pháp, lưu diễn ở Anh do Hội đồng Anh mời, sân thơ trẻ của Hội thơ Việt Nam... Thơ Dạ Thảo Phương đã được tuyển chọn trong khoảng 20 tập in chung như "Thơ tình Việt Nam thế kỷ 20", "Tuyển tập thơ Việt Nam 1975-2000", "Lục giác sông Hồng - 6 nhà thơ đương đại Việt Nam" (NXB Hội Nhà văn và L’Espace), "Vietnamese feminist poems, from Antiquity to the present" (NXB Phụ nữ Việt Nam và NXB The Feminist Press at the City University of New York)... Mấy năm gần đây Dạ Thảo Phương "lặn mất tăm" trên văn đàn.
Mấy chục năm không gặp nhau, hôm rồi Phương viết thư cho tôi, kể: "Em đã rời Việt Nam từ quãng năm 2008, đầu tiên sống ở Tokyo, sau đó Paris, rồi Hamburg, Berlin. Em mới chuyển đến Nicosia (đảo Cyprus) được 2 năm, ở đây khoảng năm nữa rồi lại chuyển đi nước khác. Những năm này em ưa sống yên tĩnh. Em cũng không có nhu cầu xuất hiện trên văn đàn…". Gửi cho tôi một chùm thơ, Phương dặn chỉ đọc chơi mà đừng đưa in ở đâu cả. Tôi hiểu đó là tâm trạng thật của Dạ Thảo Phương, nhưng đó chỉ là nhất thời trong tâm lý thất thường của tuổi Giáp Dần. Tin chắc rằng sau khoảng thời gian "lặn" khi sống ở nước ngoài, Dạ Thảo Phương có một không gian mới, những cảm xúc mới, những cách viết mới mà Phương một lúc nào đó sẽ tung ra cùng độc giả.
Thụy Anh (1974):
Dịch giả, nhà văn của trẻ thơ
N ăm 1999, lần đầu tiên tôi được đọc thơ Thụy Anh, khi tham gia chấm cuộc thi Thơ và Truyện ngắn do Tạp chí Ðất nước của Ðại sứ quán Việt Nam tại Nga tổ chức. Ngạc nhiên trước những bài thơ trong trẻo, tươi mới của cô nghiên cứu sinh Trường Ðại học Tổng hợp Sư phạm Quốc gia Moscow, đặc biệt ấn tượng với bài thơ "Cô gái bước ra từ hiệu cắt tóc", ban giám khảo nhất trí xếp Thụy Anh giải nhất cuộc thi năm ấy.
Nguyễn Thụy Anh quê gốc Hà Tĩnh, sinh năm 1974 tại Hà Nội. Sang Nga học tập cho đến lúc về nước, Thụy Anh đã có quãng đời 17 năm gắn bó với nước Nga. Ðó là cơ sở để Thụy Anh không những trở thành nhà thơ có nhiều bài thơ hay viết ở nước Nga mà còn là một dịch giả tiếng Nga có uy tín. Cuốn "Olga Berggoltz của tôi" (dịch thơ Olga Berggoltz ra tiếng Việt) của Thụy Anh đã được Hội Nhà văn Nga và Quỹ "Con đường sống" trao giải thưởng "Ngôn từ - Sợi chỉ gắn kết", nhằm tôn vinh những người truyền bá văn học Nga. Ở môi trường văn học sôi động trong nước, Thụy Anh tích cực tham gia trình diễn trên sân khấu thơ trẻ, in ấn thơ ca. "Tử đinh hương" là tập thơ tình đầy ấn tượng của cô. Thụy Anh là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga và hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Thụy Anh là người sáng lập "Câu lạc bộ đọc sách cùng con", tập hợp các bà mẹ trẻ cùng xây dựng chương trình giáo dục tuổi thơ. Thụy Anh viết sách, chuyên tâm làm thơ cho các cháu nhỏ từ 7 tuổi trở xuống, điều mà các nhà thơ viết cho thiếu nhi lớp trước chưa chú ý. Thơ của Thụy Anh là thơ mẹ viết cho con, dạy con, hiểu tâm lý trẻ con, nhìn sự vật với con mắt hồn nhiên, dí dỏm, ngộ nghĩnh của trẻ con, dễ thuộc và dễ nhớ. Ðó là các cuốn: "Vui cùng tiếng Việt", "Ngày xưa ngày nay ngày sau", "Nhim nhỉm nhìm nhim", "Mẹ Hổ dịu dàng"… với những vần thơ nhẹ nhàng, tinh tế.
Vì những hoạt động tích cực trong lĩnh vực giáo dục tuổi thơ, Thụy Anh được Forbes bình chọn là một trong những gương mặt truyền cảm hứng của năm 2021.
Bình luận (0)