Từ những "biến đoạn" trong truyện cổ tích, bằng cái nhìn của con người hôm nay, các tác giả, đạo diễn sân khấu kịch đã phát triển thành những vở kịch dài. Trên thực tế, "biến đoạn" không chỉ dùng trong nghệ thuật trình diễn của sân khấu mà còn có mặt trong các tác phẩm âm nhạc.
Cảnh trong vở nhạc kịch "Tấm Cám" của đạo diễn Nguyễn Khắc Duy - một tác phẩm "biến đoạn" thú vị từ câu chuyện dân gian quen thuộc đã thu hút đông đảo khán giả
Nghệ thuật biểu diễn nói chung đều có thể áp dụng "biến đoạn", nó chỉ rõ phần, khúc, đoạn đã có sự thay đổi biến động về nhịp điệu, giai điệu, tiết tấu, tần suất của những sự kiện nằm trong một chương, hồi, màn nào đấy. Nếu nói "biến đoạn" trong sân khấu kịch tức là muốn ám chỉ một phân đoạn được thực hiện theo một diễn biến, tiết tấu, một cách nghĩ, cách diễn khác so với kịch bản đề ra, hay đúng hơn là sự cao hứng của người sáng tác, biểu diễn. Từ nội hàm này, đạo diễn Vũ Minh được xem là một trong số những đạo diễn mát tay trong việc triển khai những "biến đoạn" thành những câu chuyện kịch của chuỗi chương trình "Ngày xửa, ngày xưa".
Chính sự ngộ nghĩnh trong việc kết cấu nên những câu chuyện đầy ngẫu hứng từ những truyện cổ tích mà ai cũng biết, đã tạo sức hút cho sản phẩm.
"Những "biến đoạn" ngẫu hứng chính là chất xúc tác để mang lại sáng tạo mới" - đạo diễn Nguyễn Khắc Duy bày tỏ.
Trong giai đoạn khó khăn tứ bề của việc tìm nguồn kịch bản hay, cách phát triển "biến đoạn" dựa theo sườn, cốt có sẵn phần nào làm phong phú kịch mục cho sàn diễn.
Không dừng lại ở đó, "biến đoạn" chính là món ăn ngày càng được khán giả xem truyền hình thích thú qua các chương trình game show. Tuy nhiên, có nhiều "biến đoạn" đi lệch chủ đề, dẫn đến phản cảm.
Các nhà chuyên môn nhận định "biến đoạn" chỉ là những điểm xuyết chứ không thể là màu sắc chủ đạo của bức tranh sân khấu.
Bình luận (0)