Số lượng phim điện ảnh Việt Nam khai thác đề tài hiện đại ngày càng nhiều đòi hỏi các nhà sản xuất hiện nay chấp nhận đầu tư kinh phí thiết kế trang phục cho nhân vật trong phim. Đây là xu thế tất yếu khi điện ảnh phát triển, ngành công nghiệp thời trang và điện ảnh có mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau, cùng có lợi.
Qua thời "có gì, mặc đó"
Thời trang và phục trang là hai khái niệm khác biệt dù ranh giới rất mong manh. Chuyên gia Huy Võ, Giám đốc Học viện Thời trang Việt Nam (VFA), nhận định: "Phục trang là những trang phục thời đại nào đó được phục dựng lại theo yêu cầu kịch bản. Nó có thể giống trang phục của người thời đại đó hoặc biến đổi chút ít nhưng không thể mặc ra đường. Thời trang là những trang phục khán giả thấy bản thân mình trong đó, họ có thể may hoặc mua giống hệt nhân vật trên phim để diện khi ra đường. Phục trang nếu phối hợp lý, khiến người mặc tự tin khi xuất hiện chốn công cộng thì sẽ chuyển thành thời trang".
Lâu nay, phim Việt chỉ chấp nhận đầu tư thiết kế phục trang các phim lịch sử, dã sử, cổ trang. Với thể loại tình cảm xã hội hiện đại, đa phần nhà sản xuất chọn cách diễn viên "có gì, mặc nấy". Nhiều diễn viên chia sẻ họ tốn chi phí vì phải tự đầu tư trang phục ngay khi nhận vai, nếu là nhân vật giàu có thì chọn đầm, váy thời thượng. Những trang phục diễn viên mang đến, nếu đạo diễn đồng ý là giao cho tổ trang phục hoàn tất phần "vai này mặc gì". Việc làm theo kiểu thiếu chuyên nghiệp này được cho là do không đủ kinh phí. Khái niệm thiết kế thời trang riêng cho từng nhân vật hoàn toàn xa xỉ với những bộ phim có kinh phí hạn chế.
Phim “Cô Ba Sài Gòn” tạo ấn tượng với phục trang lẫn thời trang (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Vì "cái khó bó cái khôn" nên nhiều rắc rối đã xảy ra. Chuyên viên phục trang Ngọc Thảo (phục trang cho hơn 20 phim: "Cổng mặt trời", "Lý bông mai", "Kẻ thù phụ nữ"...) từng cho biết áp lực nhất là khi diễn viên không hợp tác với mình, họ chọn trang phục theo ý thích của bản thân chứ không phải cho nhân vật.
Sau thời gian dài vai trò của người thiết kế trang phục, mỹ thuật không được xem trọng thì nay công việc của họ được nhìn nhận đúng. "Trong 4 năm trở lại đây, điện ảnh Việt thay đổi kinh ngạc về cách làm phim cũng như những công việc liên quan để tạo ra một sản phẩm chất lượng. Phía sản xuất đã quan tâm đến vai trò của thiết kế, đến thời trang và phục trang trong phim…" - chuyên gia thiết kế Jose Mari Basilio Pamintuan (hay gọi là Joji, đến từ Philippines) tham gia thiết kế cho các phim: "Thiên mệnh anh hùng", "Để Mai tính", "Cô dâu đại chiến", "Scandal", "Cô hầu gái", "Người bất tử"… - đánh giá.
Xu hướng tất yếu
Nhiều người trong giới cho rằng phim Việt chú ý đến thời trang bắt đầu từ những tác phẩm: "Em là bà nội của anh", "Gái già lắm chiêu", "Sắc đẹp ngàn cân", "Cô Ba Sài Gòn"... Trong đó, "Cô Ba Sài Gòn" ấn tượng nhất khi tạo làn sóng người người mặc áo dài. Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân đã mời nhà thiết kế Thủy Nguyễn thực hiện phục trang cho 11 nhân vật chính và phụ với số lượng lên đến 300 bộ, gồm cả áo dài và trang phục thường ngày. Họ tìm đến các thợ lành nghề xin tư vấn cũng như tham khảo ý kiến của những chuyên gia về áo dài, như nhà thiết kế Sĩ Hoàng. Phim có cả một chiến dịch quảng bá với những buổi trình diễn thời trang, những hoạt động bên lề xuyên suốt tạo dựng thương hiệu thiện cảm. "Trong những tác phẩm điện ảnh Việt tính đến nay, tôi đánh giá cao tính thẩm mỹ của "Cô Ba Sài Gòn". Phục trang và thời trang trong phim ứng dụng được nếu biết cách phối với nhau. Mức độ lan tỏa về mặt thời trang mà ê-kíp phim tạo ra cũng đáng ngưỡng mộ. Để có được thành công tương tự rất khó, nó đòi hỏi sự hợp tác nhiều khâu mà trong đó vai trò của bộ phận thiết kế cần được đề cao hơn nữa" - chuyên gia Joji nhận định.
Phim “Gái già lắm chiêu 2” cũng đầu tư mạnh về thời trang (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Mời những nhà thiết kế thời trang danh tiếng như Đỗ Mạnh Cường, Lâm Gia Khang, Thủy Nguyễn cùng "chăm lo" cho phim "Gái già lắm chiêu 2" (ra rạp từ 21-12), đạo diễn Bảo Nhân nhấn mạnh về tầm quan trọng yếu tố thời trang trong phim của anh. Theo Bảo Nhân, hiện là giai đoạn rực rỡ của ngành thời trang, Việt Nam bắt đầu có những nhà thiết kế nổi tiếng, có sức ảnh hưởng thật sự với ngành thời trang cũng như định hướng thẩm mỹ cho khán giả. Nhà thiết kế Lâm Gia Khang đảm nhận vai trò thiết kế riêng cho nhân vật Ms Q của Ninh Dương Lan Ngọc hơn 50 trang phục. "Chúng tôi chú trọng thời trang bởi làm phim thành thị, thời trang hiện đại là một dấu ấn riêng. Bên cạnh tính cách nhân vật, thời trang cũng giúp cho khán giả hiểu hơn về tâm lý và câu chuyện của nhân vật. Đó là cách làm phim chuyên nghiệp và bắt kịp xu hướng làm phim của các nước trên thế giới" - Bảo Nhân khẳng định.
Các nhà thiết kế còn đảm nhận xây dựng hình ảnh cho các nhân vật chứ không chỉ thiết kế trang phục. Họ xây dựng hình ảnh tổng thể từ phong cách trang điểm, kiểu tóc, cách cầm túi xách, đi đứng... Tất nhiên, phía nhà sản xuất cũng phải chi số tiền lớn để sản xuất trang phục cao cấp độc quyền và trang phục còn kết hợp phụ kiện hàng hiệu từ các hãng nổi tiếng khác. Việc đầu tư "thời trang trong phim" là câu chuyện dài với chi phí không hề thấp nhưng mang đến hiệu quả cao.
Thời trang Hàn Quốc từ phim ra đời thực
Hàn Quốc là quốc gia thành công trong việc kết hợp công nghiệp giải trí với thời trang. Những bộ phim giúp định hình phong cách thời trang không chỉ trong nước mà còn các nước khu vực. Năm 2016, phim "Hậu duệ mặt trời" gây sốt khiến toàn bộ trang phục Song Hye Kyo từng mặc trong phim đều được tìm mua. Cách tạo hình của nhân vật Lee Sung Kyung diễn trong "Bẫy tình yêu" cũng được giới trẻ thi nhau bắt chước. Cách phối đồ của Shin Min Ah trong "Ngày mai bên em" cũng thành xu hướng... Ngành sản xuất phim xứ kim chi đã mang lại lợi nhuận khổng lồ cho ngành thời trang nước này.
Bình luận (0)