Phóng viên: Động chạm đến vấn đề tham nhũng, lợi ích nhóm lũng đoạn chính quyền địa phương, bộ phim "Sinh tử" (đang phát sóng trên VTV1) nhận được sự quan tâm đặc biệt của khán giả. Để có một bộ phim chính luận hấp dẫn như thế, hẳn không phải là điều dễ dàng?
- Đạo diễn ĐỖ THANH HẢI: Chúng tôi từng gói việc làm những bộ phim chính luận trong 3 từ: "khó, khô, khổ". Ba từ thôi nhưng đủ nói lên sự khác biệt của phim chính luận với những bộ phim tâm lý, gia đình, tình yêu... Đầu tiên là khó khăn về kịch bản. Tiếp đó là độ ngấm của đạo diễn với những vấn đề bộ phim đặt ra. Trước khi làm phim "Sinh tử", đạo diễn Khải Hưng và đạo diễn Mai Hiền phải ngồi dự một số phiên tòa xử án tham nhũng, xem người ta xét xử như thế nào để làm phim cho chuẩn. Không thể chỉ tưởng tượng được. Thứ ba là diễn viên, những người chuyển tải nội dung kịch bản lên màn ảnh với những nhân vật sống động. Diễn xuất, đặc biệt là lời thoại trong phim chính luận như "Sinh tử" có những đoạn rất khó. Các nghệ sĩ Trọng Trinh, Hoàng Dũng… chắc cả đời không bao giờ nghĩ mình quay một đúp hết 60 lần.
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải
Lãnh đạo tỉnh đều là những người giỏi, có trí tuệ, khi người ta có những toan tính, mưu đồ thì cực kỳ tinh, không ai bộc lộ ra mặt nhưng diễn viên mà không bộc lộ ra mặt thì diễn cái gì? Cái khó của diễn viên là ở đó. Lời thoại thì rất bình thường, chuẩn nhưng ánh mắt, cái nhìn phải ra làm sao.
Tôi thật sự khâm phục anh chị diễn viên, ê-kíp sản xuất đã vượt qua khó khăn của bộ phim. Trong bối cảnh một bộ phim đề cập vấn đề chính trị, quan chức tham nhũng mà mình phải lựa chọn những điểm quay ngay tại trụ sở công quyền là điều vô cùng khó. Nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài đến trụ sở tỉnh ủy, ủy ban tỉnh. Các diễn viên phải vừa quay vừa làm công tác dân vận để thuyết phục họ về những điều tốt đẹp bộ phim mang đến cho công chúng, mặc dù bộ phim thẳng thắn đề cập vấn đề quyền lực đang bị tha hóa hay vai trò của bí thư, chủ tịch tỉnh như thế nào khi đối mặt với tham nhũng.
Làm những bộ phim vừa khó vừa hấp dẫn thật sự là thách thức nghề nghiệp. Các anh đã phải làm thế nào để có được bộ phim hay?
- "Sinh tử" cũng là cách mà những người làm văn hóa nghệ thuật, trong đó có những người làm phim, đề cập những vấn đề của đời sống xã hội, đặc biệt là chính trị của đất nước, qua lăng kính văn hóa nghệ thuật. Đôi khi chúng tôi đặt cả sinh mệnh chính trị, công sức cũng như sức khỏe của mình vào trong đó mà chưa chắc đã được khán giả đón nhận. Nhưng chúng tôi vẫn phải làm, vẫn phải nỗ lực hết sức đối với những phim chính luận.
Cảnh trong phim “Sinh tử”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Đạo diễn Khải Hưng, ở tuổi hơn 70, bị gout, tiểu đường, khi làm xong "Sinh tử" thì bị hư một mắt. Nghề làm phim của chúng tôi là như vậy. Đến tuổi có thể nghỉ ngơi nhưng có một kịch bản hay là lại "lên đường", có dự án tâm huyết là "ra trận".
Đạo diễn Khải Hưng và Mai Hiền mất 3 năm theo đuổi dự án này, anh Phạm Ngọc Tiến ấp ủ 10 năm cho kịch bản. Là một nhà văn có tên tuổi, có tác phẩm, có bề dày kinh nghiệm và sự cao ngạo của một người viết chuyên nghiệp nhưng anh Tiến vẫn chấp nhận viết lại kịch bản này lần 2 sau khi đã viết toàn bộ 34 tập phim.
Nói điều đó để thấy chúng tôi dành toàn bộ tâm huyết cho tác phẩm, còn tác phẩm đến với công chúng như thế nào, được đón nhận ra sao còn tùy thuộc nhiều yếu tố.
Diễn viên nói khó, biên kịch, đạo diễn kêu khó nhưng VFC vẫn đầu tư vào những phim như thế này. Vậy các anh làm những điều khó đó để làm gì?
- Trước hết, để khẳng định văn hóa nghệ thuật có những giá trị rất quan trọng trong đời sống, nhất là nó có ngôn ngữ của những người làm nghệ thuật để chuyển tải những vấn đề của xã hội qua cách của văn hóa nghệ thuật. Thời gian qua, chúng ta đọc quá nhiều thông tin về tham nhũng nhưng nó chỉ là những kết luận khô cứng của ủy ban kiểm tra, cơ quan điều tra, những bản án, con số… Chúng ta đọc những thông tin ông bộ trưởng này, ông thứ trưởng kia hay ông tổng giám đốc nọ phạm tội, mãi cũng thấy quen thuộc. Nhưng bây giờ người ta lại muốn biết những người giỏi như vậy, những người có tương lai, có niềm tự hào về gia đình, truyền thống lại để xảy ra những sai phạm ấy. Phim ảnh lý giải điều đó qua những diễn biến về tâm lý.
Thứ hai, với không khí chính trị bây giờ, những phim như thế này rất cần. Nó cho thấy hiện thực trong tác phẩm nghệ thuật và cũng khiến nhiều người giật mình khi nhìn thấy sự trả giá. Thứ ba là niềm tin của khán giả. Phim truyền hình lâu nay nếu chạm đến sự quan tâm của khán giả, chắc chắn thắng.
Hẳn là ở đây có sự đặt hàng đối với VFC?
- Có chứ. Tất nhiên không ai ép mình phải làm phim này, chỉ đạo mình làm phim kia nhưng mình nhìn thấy những yêu cầu từ cuộc sống, từ xã hội và cả những người làm công tác tư tưởng.
Nếu nói ai đó đặt hàng cho chúng tôi làm một bộ phim cụ thể thì không.
Nhiều vụ án ngoài đời được dư luận quan tâm và nếu đưa những nguyên mẫu ấy lên màn ảnh, sẽ được chú ý. Các anh có đưa những nguyên mẫu ấy lên truyền hình?
- Chắc chắn có. Chúng tôi nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng. Họ cho chúng tôi tiếp cận những hồ sơ, vụ án, đến dự phiên tòa, ghi chép lại và sáng tạo hóa, nghệ thuật hóa. Như chuyện mang những vali tiền đi hối lộ. Viện Kiểm sát, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều. Họ giúp chúng tôi về nghiệp vụ, ví dụ muốn chạy án thì sẽ làm gì, họ đưa cho chúng tôi những bộ hồ sơ để đọc.
Sau "Sinh tử", các anh đã nghĩ đến những phim chính luận tiếp theo?
- Chúng tôi đang thực hiện một bộ phim về tòa án nhưng chưa xong, cũng hơn một năm rồi. Biên kịch Diệu Hương đang dựng kịch bản được khoảng 20 tập, còn khoảng 20 tập nữa.
Những bộ phim như thế khó nhất là tìm kiếm đề tài và đúng nghiệp vụ. Phim về đề tài gia đình thì dễ hơn, vì có những mẫu số chung nhưng với những bộ phim chuyên ngành, chạm vào lĩnh vực điều tra hay ngành nghề đặc thù thì phải chuẩn mực. Cũng giống ngày xưa, khi chúng tôi làm phim "Cảnh sát hình sự", phải có những cố vấn, không chỉ về nội dung cho chuẩn mà còn về trang phục sao cho đúng, thêm nữa là địa điểm xảy ra. Không có họ, chúng tôi cũng không thể mượn bối cảnh, cũng không thể tự dựng lên một tòa án để làm phim.
Bình luận (0)